Bất cập thu học phí theo hộ khẩu thường trú

Thực tế tại Nghệ An cho thấy việc thu học phí hiện nay theo hộ khẩu thường trú nảy sinh bất cập, phức tạp.

0
Học sinh Trường THCS Vinh Tân, TP Vinh.

Từ năm học 2022 – 2023, Nghệ An triển khai tăng học phí bậc mầm non, THCS và THPT. Theo lãnh đạo ngành Giáo dục, mức thu học phí của tỉnh ở mức thấp nhất theo Nghị định 81 của Chính phủ. Tuy nhiên việc thu học phí hiện nay theo hộ khẩu thường trú nảy sinh bất cập, phức tạp.

Rút khỏi hộ khẩu thành phố

Theo Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh Nghệ An, mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục công lập sẽ tăng từ mức thấp nhất là 5 nghìn đồng (từ 45 nghìn đồng lên 50 nghìn đồng/tháng với bậc mầm non và THCS thuộc huyện miền núi cao). Cao nhất là 170 nghìn đồng (từ 130 nghìn đồng lên 300 nghìn đồng/tháng đối với các trường THCS và THPT ở phường thuộc thành phố, thị xã).

Ở các huyện miền núi, nông thôn và xã (thuộc thành phố, thị xã) mức học phí tăng từ 20 – 80 nghìn đồng/tháng. Riêng bậc mầm non, học sinh ở các xã thuộc thành phố Vinh và thị xã được giảm từ 200 nghìn đồng xuống 100 nghìn đồng.

Chị Cao Thị H. có 2 con học tại Trường THCS Hưng Dũng (TP Vinh, Nghệ An), nhưng gia đình có hộ khẩu thường trú ở huyện Yên Thành. Lâu nay, do công việc của 2 vợ chồng nên gia đình tạm trú lâu dài ở Vinh, con cái cũng học tập tại đây.

Nghe thông tin tăng học phí, ban đầu chị cũng lo lắng, nhưng sau đó biết tin 2 con sẽ đóng học phí theo hộ khẩu vùng nông thôn, chị như trút được gánh nặng. Vì nếu theo “mức thành phố” thì mỗi tháng mất 600 nghìn đồng học phí. Trước đó, vợ chồng chị cũng tính đến khả năng gửi con về quê ở với ông bà vì học phí quá cao.

Trong khi đó, chị Hoàng Hoa L. có hộ khẩu ở phường Hà Huy Tập nhưng thực chất gia đình lại đang sống trên địa bàn xã Hưng Lộc (TP Vinh). Trước việc tăng học phí, chị quyết định chuyển hộ khẩu về xã Hưng Lộc để được hưởng chế độ khu vực nông thôn. Theo chị, số tiền đóng không chỉ trong một năm, mà còn lâu dài.

Cô Hà Lê Hòa Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập, cho biết, năm học 2022 – 2023, toàn trường có khoảng 40 học sinh trái tuyến. Nhưng quy định của Nghị quyết 14 là học sinh có hộ khẩu ở đâu thì mức thu ở đó dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp. “Học sinh có hộ khẩu ở xã khác trong thành phố, hoặc trong tỉnh nhưng gia đình đang sinh sống tại phường Hà Huy Tập thì chỉ phải đóng 100 nghìn đồng/tháng. Trong khi những học sinh cũng ở phường lại đóng 300 nghìn đồng/tháng”, cô Bình cho hay.

Tương tự, theo cô Nguyễn Thị Thanh Nga – Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Dũng, các năm trước học phí thấp, phụ huynh thường không có ý kiến. Tuy nhiên, năm nay mức học phí sau khi tăng chênh đáng kể nên nhiều bố mẹ băn khoăn. Qua rà soát có trường hợp lâu nay đăng ký tạm trú ở TP Vinh nhưng hộ khẩu lại ở các huyện miền núi, nông thôn.

Sau khi có quyết định tăng học phí, một số phụ huynh đã xin chuyển hộ khẩu về đúng nơi gia đình cư trú (tại vùng nông thôn) thay vì “gửi hộ khẩu” (đến thành phố) để nộp hồ sơ nhập học vào trường như trước đây. Hoặc ngược lại, cũng có gia đình đang sinh sống ở thành phố nhưng lại chuyển hộ khẩu về quê để được đóng học phí thấp. Cô Nga cho rằng, thay vì thu học phí theo hộ khẩu, thu theo trường sẽ hợp lý hơn, tránh được những bất cập và so sánh trong lớp và trong trường.

Giờ học của học sinh Trường THCS Hà Huy Tập, TP Vinh.

Thống nhất phương án phù hợp

Mức chênh sau khi tăng học phí cao nhất tập trung vào trường tại TP Vinh, thị xã Cửa Lò. Nhiều phụ huynh tại thị xã Cửa Lò cũng cho rằng, mức tăng học phí hiện nay có khoảng cách khá xa giữa phường và xã. Đặc biệt với phường tăng từ 90 nghìn đồng lên 300 nghìn đồng/tháng/học sinh là cao và đột ngột đối với nhiều gia đình. Nên chăng có lộ trình phù hợp để giảm bớt khó khăn cho phụ huynh, nhất là gia đình có đông con trong độ tuổi đi học.

Việc tăng học phí cũng tác động trực tiếp đến cơ sở giáo dục công lập khi 60% nguồn thu này sẽ được trích lại cho trường sử dụng chi thường xuyên. Lãnh đạo một số trường vùng ven đô như Hưng Hòa, Hưng Đông, Nghi Kim… cho biết, theo quy định mức thu học phí của trường (thuộc địa bàn xã của TP Vinh) là 100 nghìn đồng/tháng, tăng 10 nghìn đồng so với năm học trước. Với mức thu này, tổng thu của trường sẽ thấp hơn các “trường phường”. Trong khi đó, khoản chi cho hoạt động của nhà trường là như nhau.

“Chúng tôi dự kiến đề xuất UBND thành phố điều chỉnh ngân sách chi thường xuyên, trong đó ưu tiên cho các xã ở vùng ven, tạo điều kiện cho trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục”, cô Bùi Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Hòa (TP Vinh) cho hay.

Còn ở vùng nông thôn, ven biển, việc tăng học phí khiến nhà trường lo lắng tác động đến tâm lý học sinh, phụ huynh. Trường THPT Quỳnh Lưu 2, THPT Quỳnh Lưu 3, THPT Nguyễn Đức Mậu (huyện Quỳnh Lưu) hàng năm vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học. Con số cao nhất lên đến 30 – 40 em/năm học.

“Phần lớn các em nghỉ học để đi làm thuê, hoặc đi biển kiếm tiền. Những em này học lực ở mức trung bình, không có động lực cố gắng học tập, hoặc hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, việc tăng học phí dễ tác động đến tâm lý học sinh muốn nghỉ để đi làm kiếm tiền”, thầy Vũ Ngọc Tuấn – Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu 2 nói.

Theo bà Hoàng Phương Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh, mức thu học phí tại các cơ sở giáo dục công lập theo Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh Nghệ An là mức sàn thấp nhất so với Nghị định 81 của Chính phủ. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai thu theo hộ khẩu thường trú cho thấy bất cập và phức tạp. Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh cho rằng, nên thu theo nơi cư trú hoặc thu theo điểm trường là tốt nhất. Tức là học sinh được thụ hưởng điều kiện giáo dục ở nơi nào, sẽ nộp học phí theo địa bàn đó.

Theo Hồ Lai

Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/bat-cap-thu-hoc-phi-theo-ho-khau-thuong-tru-post612331.html