Bài tập Tết ở THCS Quỳnh Phương gây “bão”, ngành GD Thị xã Hoàng Mai nói gì?
Các trường nếu giao bài tập về nhà cho học sinh dịp Tết thì phải vừa sức và đảm bảo học sinh phải có thời gian vui xuân, vui Tết.
Nhiều trang mạng xã hội đang chia sẻ về bài tập dịp Tết Nguyên đán 2023 cho học sinh của Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An). Theo đó, nội dung trong bài tập Tết nói trên có những câu hỏi liên quan đến việc học sinh sẽ làm gì trước và trong dịp Tết, không có câu hỏi mang tính lý thuyết, câu hỏi bài tập trong sách giáo khoa.
Cụ thể, bài tập Tết được giao cho học sinh Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương có 10 câu. Đáng chú ý là trong phiếu bài tập cũng có dòng lưu ý phía dưới cùng nêu rõ: “Ngoài 10 bài tập nói trên, đề nghị giáo viên Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương không giao thêm bất kỳ bài tập nào trong thời gian nghỉ Tết Quý Mão 2023”.
Một số yêu cầu đáng chú ý trong bài tập Tết nói trên đề cập đến như:
“Ở Quỳnh Phương có phong tục đi tảo mộ cho người thân đã mất vào sáng 30 Tết. Em có tham gia buổi tảo mộ vào sáng 30 Tết của dòng họ không? Nếu tham gia thì em có cảm nhận như thế nào?”
Hay việc hỏi: “Nếu có tiền lì xì thì em có dự định chi tiêu như thế nào? Năm nay được nghỉ Tết 12 ngày, em hãy xây dựng cho mình một kế hoạch hữu ích trong thời gian nghỉ Tết”.
Hoặc câu hỏi mang tính trải nghiệm như: “Em có cùng bố/mẹ dọn dẹp nhà để đón Tết không? Hãy miêu tả một số việc mà em đã tham gia. Thời khắc Giao thừa là rất thiêng liêng, vào thời khắc đó, em dành những lời chúc gì cho bố/mẹ, ông/bà và những người thân yêu?”.
Sau khi được chia sẻ, nội dung của những yêu cầu bài tập dịp Tết này đã nhanh chóng thu hút được đông đảo sự quan tâm của cộng đồng mạng. Đa phần ý kiến cho rằng, đây là cách giao bài tập mang tính trải nghiệm, không gây khó dễ, áp lực cho học sinh. Điều này tạo ra tâm lý thích làm bài tập, không làm theo kiểu “đối phó”, gây áp lực học tập với học sinh trong các dịp nghỉ lễ.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với chị Bùi Thị Hồng, một phụ huynh có con học lớp 6 tại Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương.
Theo chị Hồng, chị được con gái của mình cho xem bài tập Tết nói trên, cũng khá bất ngờ và hoàn toàn ủng hộ với cách ra bài tập như vậy. Chị Hồng cho rằng, dạng bài tập trải nghiệm một phần sẽ giúp học sinh hiểu hơn về các phong tục truyền thống trong dịp Tết, đồng thời giúp học sinh có kỹ năng, ứng xử tốt hơn trong mối quan hệ của các thế hệ trong gia đình.
Chị Hồng chia sẻ thêm: “Tôi thấy nhà trường đề cập đến các nội dung mà học sinh thường gặp trong dịp Tết. Đưa những nội dung đó vào trong bài tập như vậy thật đúng là bài tập Tết.
Hơn nữa, tôi thấy với độ tuổi học sinh cấp trung học cơ sở, nhiều con đang yếu về kỹ năng sống và giao tiếp, trong khi đây là độ tuổi có tính hiếu động, tinh thần học hỏi cao, nếu chúng ta định hướng đúng, tư duy chuẩn thì các con sẽ tiếp thu rất nhanh.
Qua đó tôi thấy, việc giao bài tập yêu cầu học sinh vận dụng những trải nghiệm của mình để trả lời giúp các con hiểu thêm về phong tục ngày Tết thay vì ôm điện thoại cả ngày với những hình ảnh ảo trên mạng, hoặc tốn quá nhiều thời gian để giải các bài tập môn học với nhiều dạng phức tạp”.
Để có cái nhìn rõ hơn về cách thức giao bài tập Tết, phóng viên cũng đã liên hệ với thầy Hồ Tuấn Anh – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương. Được biết, thầy Tuấn Anh cũng chính là người ra bộ câu hỏi trong bài tập Tết đang được chú ý.
Theo thầy Tuấn Anh, với chương trình giáo dục hiện nay, đòi hỏi học sinh phải tích lũy rất nhiều yếu tố về cả phẩm chất và năng lực của bản thân, nên ngoài việc học kiến thức trong sách giáo khoa thì để các em ghi nhớ, đúc rút qua các trải nghiệm thực tế, có thêm kỹ năng sống là điều vô cùng quan trọng.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương cho biết thêm: “Những câu hỏi được tôi giao trong bài tập về nhà là những hoạt động gần gũi trong dịp Tết mà học sinh trải nghiệm.
Thông qua đó, chúng tôi mong muốn học sinh có được cái Tết đầy đủ về mặt tinh thần, trọn vẹn không phải chịu áp lực gì về bài vở khi các em mới trải qua đợt kiểm tra học kỳ 1.
Hiện nay, có nhiều bạn trẻ không mặn mà với các giá trị truyền thống, trong đó có dịp Tết cổ truyền. Qua đó, một số gợi mở trong bài tập Tết như vậy giúp học trò và cha mẹ học sinh có thêm những gợi ý để các em tham gia vào các hoạt động của Tết cổ truyền.
Từ đó cũng có thể góp phần giáo dục truyền thống, nét đẹp văn hóa của đất nước”.
Bài tập Tết của học sinh Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương. Ảnh: Phụ huynh cung cấp |
Thầy Tuấn Anh cũng nhấn mạnh thêm, thực tế, đưa ra dạng bài tập như vậy nhà trường không đặt nặng tiêu chí yêu cầu học sinh phải đạt thành tích hay chấm điểm.
“Những yêu cầu trong bài tập chỉ là những gợi mở để học sinh có thể ghi chép lại giống như dòng nhật ký về những việc các em đã làm, đã tham gia. Khi ra Tết, đi học trở lại, các em có thể cùng chia sẻ với nhau về những kỷ niệm Tết”, thầy Tuấn Anh cho biết thêm.
Đặc biệt, vị Hiệu trưởng này cho hay, đây là lần đầu tiên Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương ra bài tập theo dạng trải nghiệm trong dịp Tết như vậy. Thầy Tuấn Anh khá bất ngờ và vui mừng vì đông đảo dư luận quan tâm và đánh giá tốt về bài tập dịp Tết của trường như vậy.
“Hiện tại, ngành giáo dục đang thực hiện triển khai nhiều phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tập trung nhiều vào phần đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh. Vì thế, theo tôi các nhà trường và giáo viên nên có những hoạt động, cách thức giáo dục để làm sao vừa nhẹ nhàng nhưng cũng tạo điều kiện để học sinh phát triển phẩm chất toàn diện.
Hy vọng rằng, nếu như các đồng nghiệp khác, ở các đơn vị khác mà thấy việc làm như vậy là phù hợp thì có thể vận dụng một cách linh hoạt để tổ chức cho học sinh có những hoạt động vui vẻ trong dịp nghỉ Tết nói riêng và các dịp nghỉ lễ khác nói chung”, thầy Tuấn Anh nói.
Trao đổi thêm về việc giao bài tập trong dịp Tết với các trường trên địa bàn, thầy Nguyễn Viết Lộc – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho biết: “Phòng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Mai không có chủ trương giao bài tập về nhà cho học sinh dịp Tết.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều phụ huynh trên địa bàn mong muốn con em mình, dù có vui Tết nhưng không quên đi những kiến thức cơ bản, sẽ khó khăn cho các em để bắt nhịp học tập sau kỳ nghỉ Tết. Nên một số trường sẽ dựa trên sự đề nghị và thống nhất với phụ huynh trong việc giao bài tập về nhà cho học sinh.
Vì thế, chúng tôi cũng đã đã quán triệt tinh thần với các đơn vị, nếu trường nào có kế hoạch giao bài tập thì các bài tập đó phải làm sao vừa sức và đảm bảo học sinh phải có thời gian vui xuân, vui Tết cùng gia đình và người thân. Tạo điều kiện hết sức để các em có điều kiện trải nghiệm và nghỉ Tết thật thoải mái”.
Thầy Lộc cũng cho biết thêm, trong thời gian nghỉ Tết, địa phương khuyến khích các trường hướng đến dạng bài tập trải nghiệm, tích lũy kỹ năng sống cho học sinh. Yếu tố được đặt lên hàng đầu là làm sao để đảm bảo an toàn cho học sinh trong dịp Tết.
“Việc an toàn mà chúng tôi muốn nói đến là với tất cả hoạt động của học sinh. Trước thời điểm các đơn vị cho học sinh nghỉ Tết, chúng tôi nhắc nhở các nhà trường là chủ động gọi điện, liên hệ trực tiếp với cha mẹ học sinh, phối hợp tốt nhất giữa gia đình và nhà trường để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Trong đó, những việc cần được quan tâm nhất là về việc tham gia giao thông, an toàn thực phẩm, cảnh báo những khu vực ao, hồ, sông, suối đảm bảo an toàn để tránh đuối nước.
Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu nhà trường quán triệt với các phụ huynh về việc đảm bảo an toàn trên không gian mạng, tránh việc trong thời gian nghỉ Tết học sinh đăng tin, dựng chuyện, không phù hợp với văn hóa, và những quy định của Luật An ninh mạng”, thầy Lộc nhấn mạnh.
Trung Dũng
Link gốc: https://giaoduc.net.vn/bai-tap-tet-o-thcs-quynh-phuong-gay-bao-nganh-gd-thi-xa-hoang-mai-noi-gi-post232539.gd