Thiên tai tại Việt Nam năm 2023: Xảy ra hơn 1.100 trận với 21/22 loại hình

Tổng giá trị hoạt động phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng năm 2023 là hơn 149 tỷ đồng, trợ giúp 394.505 lượt người bị ảnh hưởng. Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị phòng ngừa và ứng phó với thảm họa năm 2024 do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng ngày 9/5.

0

Theo báo cáo, năm 2023, Việt Nam xảy ra hơn 1.100 trận thiên tai với 21/22 loại hình thiên tai. Trong đó, một số đợt lớn, gây hậu quả nghiêm trọng như sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng); mưa lớn gây lũ quét tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát (Lào Cai) khiến 9 người chết; 3 đợt mưa lớn tại miền Trung từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 làm 14 người chết, mất tích… Tính từ tháng 1/2023 đến nay, thiên tai đã làm 166 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng.

Nhấn mạnh về tình hình thời tiết năm 2024, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, nắng nóng vẫn diễn ra trên cả nước. Số đợt nắng nóng có khả năng nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Theo dự báo, nắng nóng duy trì khu vực phía Bắc đến tháng 7. Khu vực tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế từ tháng 4 đến tháng 8, cao điểm tháng 6, 7. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến tỉnh Khánh Hòa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8, cao điểm tháng 7. Riêng Nam Bộ và Tây Nguyên sắp kết thúc mùa nắng nóng nhưng lưu ý thời tiết nguy hiểm như dông lốc, sét, vòi rồng trên biển.

Bên cạnh đó, El Nino suy yếu dần từ nay đến khoảng tháng 6/2024, sau đó chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 80 – 85%. Từ khoảng tháng 7 đến 9/2024, La Nina sẽ bắt đầu với xác suất từ 60 – 70% tức là mưa nhiều, bão nhiều, khả năng tập trung vào nửa cuối mùa bão. Ước lượng 5 – 6 cơn bão sẽ đổ bộ đất liền nước ta năm 2024. Mưa lớn có khả năng xuất hiện nhiều trong các tháng cuối năm tại khu vực Trung Bộ trong các tháng chính của mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11/2024.

Trước dự báo thời tiết trên, ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Hội đã triển khai nhiều hoạt động, kịp thời hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng mưa đá, dông lốc tại các tỉnh miền núi phía Bắc, hạn hán xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cháy và sự cố nghiêm trọng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh… trên cả nước.

Hiện trường vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) khiến 4 người tử nạn. (Ảnh: Mai Long)
Hiện trường vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) khiến 4 người tử nạn.

(Ảnh: Mai Long)

Hiện nay, cả nước có hơn 400.000 tình nguyện viên CTĐ. Trong đó, mỗi tỉnh thành đều có ít nhất 1 đội tình nguyện viên về phòng ngừa và ứng phó thảm họa. Năm 2023, Hội đã triển khai nhiều hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa trên cả nước. Cụ thể, cứu trợ khẩn cấp các gia đình có người thương vong do thiên tai, thảm họa tại các tỉnh Quảng Ngãi, Hà Nội, Quảng Nam, Yên Bái, Thừa Thiên Huế; dự án viện trợ quốc tế khẩn cấp để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau lũ quét năm 2023 của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế triển khai tại Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Đắk Nông. Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” đã hỗ trợ 135 nhà an toàn phòng, chống thiên tai, 500 áo phao cho ngư dân.

Tổng giá trị hoạt động phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng năm 2023 hơn 149 tỷ đồng, trợ giúp 394.505 lượt người bị ảnh hưởng.

Để sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó thiên tai năm 2024, Hội thực hiện nhiều kế hoạch như kiện toàn, nâng cao chất lượng lực lượng ứng phó các cấp; tập huấn, hướng dẫn, áp dụng Quy trình chuẩn trong ứng phó thảm họa, trong các chương trình cứu trợ khẩn cấp; nâng cao hiệu quả công tác vận động nguồn lực cứu trợ; rà soát bổ sung các mặt hàng cứu trợ tại 4 kho hàng dự trữ của Trung ương Hội. Hội cũng rà soát, đánh giá các chương trình, dự án, hoạt động và nguồn lực dự phòng của Hội, vận động các đối tác, tổ chức, doanh nghiệp,… hỗ trợ nguồn lực, kỹ thuật hoặc cam kết phối hợp qua hệ thống.

Tác giả; Vũ Vân Anh

Nguồn: Baophapluat.vn