Mức lương bình quân của doanh nghiệp ở Nghệ An thấp hơn cả nước gần 2 triệu đồng

Tại Nghệ An, mức lương bình quân của công nhân lao động là hơn 6,3 triệu đồng, trong khi mức lương bình quân cả nước là hơn 8,2 triệu đồng. Đây là một trong các lý do khiến phần lớn lao động ở Nghệ An đã chọn giải pháp ly hương.

0
Công nhân một doanh nghiệp ở Nghệ An ngừng việc tập thể đề nghị tăng lương, tăng phụ cấp xăng xe, tiền ăn ca. Ảnh: Quang Đại

Ngày 22.10, thông tin từ Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, vừa ban hành Đề án số 26 về phòng ngừa và giải quyết đình công không đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 – 2025, tính đến năm 2030.

Theo số liệu từ Đề án nói trên, đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng 14.050 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 20,3% so với năm 2018, với hơn 231.000 lao động đang làm việc, chiếm 14,4% so với lực lượng lao động của tỉnh.

Trong đó, có 63 doanh nghiệp nhà nước (26 doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh), với 23.000 lao động; 100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI), với 42.000 lao động; gần 13.887 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, với hơn 166.000 lao động.

Số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 97%. Quy mô sử dụng lao động bình quân chung của tỉnh khoảng 16 người/doanh nghiệp; trong khu kinh tế, khu công nghiệp khoảng 260 người/doanh nghiệp.

Tính đến nay, mức tiền lương bình quân của người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt 6,325 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn so với mức tiền lương bình quân cả nước và một số tỉnh, thành (cả nước là 8,235 triệu đồng/người/tháng, TPHCM là 10,9 triệu đồng/người/tháng, Hà Nội là 7,050 triệu đồng/người/tháng).

Mức lương nói trên của Nghệ An thấp hơn gần 2 triệu đồng bình quân cả nước. So với một số địa phương lân cận, mức lương tại Nghệ An vẫn thấp hơn khá nhiều. Cụ thể, Thanh Hóa có mức lương bình quân là 7,475 triệu đồng/người/tháng, Hà Tĩnh là 7,27 triệu đồng/người/tháng.

Theo Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An Trần Thị Nguyệt, do mức lương bình quân trên địa bàn tỉnh thấp cộng với nhiều dịch vụ hỗ trợ công nhân còn kém phát triển, dù giá cả phòng trọ, ăn uống lại không thấp hơn các nơi khác nên lao động Nghệ An vẫn ra ngoại tỉnh hoặc ra nước ngoài để làm việc với số lượng lớn.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Nghệ An giải quyết việc làm cho 39.106 người (đạt 95,49% kế hoạch).

Trong đó, giải quyết việc làm trong tỉnh 9.210 người, giải quyết việc làm ngoại tỉnh 12.800 người, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 17.096 người.

Như vậy, kết quả giải quyết việc làm trong tỉnh chỉ đạt hơn 23%, trong khi phần lớn lao động đi làm việc ngoại tỉnh (32,7%) và đặc biệt là chủ yếu đi xuất khẩu lao động (43,7%).

Từ thực tế nói trên, theo một số chuyên gia kinh tế và cán bộ công đoàn, muốn thu hút lao động trong tỉnh để giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực, các doanh nghiệp Nghệ An phải tăng lương, tăng thu nhập cho người lao động lên tiệm cận mức bình quân cả nước.

Đồng thời, phải có sự đầu tư cho các cơ sở, hoạt động hỗ trợ công nhân như nhà trọ miễn phí hoặc giá rẻ, nhà trẻ, trường mầm non, xe đưa đón con công nhân… và xây dựng nhà ở xã hội với mức giá công nhân có thể tiếp cận để thuê lâu dài hoặc mua để sinh sống.

Tác giả: Quang Đại

Nguồn: laodong.vn