Hệ lụy khôn lường từ văn bằng, giấy tờ giả

Thời gian gần đây, nhiều đường dây sản xuất, mua bán văn bằng, giấy tờ giả đã bị lực lượng Công an phát hiện, triệt xóa, thu giữ hàng nghìn văn bằng, giấy tờ giả các loại. Tuy nhiên, hiện nay, chế tài xử lý đối với các hành vi này vẫn còn nhẹ, chưa có tính răn đe trong khi hệ lụy của văn bằng, giấy tờ giả gây ra đối với xã hội rất lớn.

0

Sôi động “chợ” giấy tờ giả trên mạng

Chỉ vài thao tác đơn giản với từ khóa “làm giấy tờ giả” trên công cụ tìm kiếm của internet dễ dàng tìm thấy hàng trăm, hàng ngàn lượt kết quả như: “Nhận làm giấy tờ giả các loại, giá cả hợp lý”, “làm bằng giao ngay” hay “Nhận làm giấy tờ chuyên nghiệp, giao hàng tận nơi, không cọc”.

Tất cả các loại bằng cấp từ bằng tốt nghiệp THPT đến bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ nghề, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe máy, ôtô các hạng và nhiều loại giấy tờ khác đều được các đối tượng đăng quảng cáo công khai, kèm theo số điện thoại, Zalo và tài khoản tràn lan trên mạng xã hội. Với lời chào mời hấp dẫn như “đảm bảo bí mật về thông tin và chất lượng giấy tờ giả giống thật 100%”, giá rẻ, lấy nhanh…

Hệ lụy khôn lường từ văn bằng, giấy tờ giả -0
Nhóm đối tượng cầm đầu đường dây tổ chức sản xuất hơn 50.000 giấy tờ giả quy mô giao dịch khắp 62 tỉnh, thành bị Công an tỉnh Hà Nam bắt giữ.

Khách hàng chỉ cần lựa chọn loại giấy tờ mình có nhu cầu, rồi cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ nhận hàng là chỉ sau vài ngày đã có thể nhận được do các đối tượng chuyển đến tận nơi.

Thời gian gần đây, nhiều đường dây sản xuất, mua bán giấy tờ giả đã bị lực lượng Công an phát hiện, triệt xóa, thu giữ hàng nghìn văn bằng, giấy tờ giả các loại. Giấy tờ, bằng cấp gì cũng có, nhiều nhất là các bằng tốt nghiệp THPT, các loại chứng chỉ nghề, ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.

Điển hình là đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức mà Công an tỉnh Hà Nam vừa điều tra, triệt phá thành công gần đây do nhóm đối tượng Nguyễn Thành Thái (SN 1991, trú ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) và Trần Xuân Hiển (SN 1991, trú ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) cầm đầu.

Nhóm này đã tổ chức sản xuất, làm giả trên 50.000 giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức gồm: giấy phép lái xe các loại, giấy tờ khám sức khỏe, chứng chỉ nghề, bằng tốt nghiệp các loại từ bằng THPT đến đại học… với số lượng khách hàng khủng ở nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc giao dịch, đặt hàng. Bọn chúng quảng cáo công khai trên mạng xã hội thu hút số lượng khách đặt hàng lớn. Sau đó, thông qua các bưu cục để chuyển phát giấy tờ giả đến tận tay khách hàng. Tổng số tiền bất chính đường dây này thu lời khoảng hơn 100 tỷ đồng.

Khám xét khẩn cấp 3 địa điểm được đường dây này thuê để làm địa điểm sản xuất, in ấn giấy tờ giả tại địa bàn Hà Nội, Công an tỉnh Hà Nam đã thu giữ nhiều loại máy móc, thiết bị gồm: máy tính, máy in, máy ép plastic, máy scan, máy CNC phục vụ cho việc sản xuất con dấu, tài liệu, giấy tờ giả.

Hay như trong vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức do đối tượng Nguyễn Duy Quang cầm đầu được Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) triệt phá vào cuối tháng 6 vừa qua. Cơ quan điều tra đã thu giữ 2 máy in, 1 máy tính, 1 máy photocoppy, 1 máy ép plastic; 11 con dấu của các trường đại học, cao đẳng và văn phòng công chứng; 1.388 phôi bằng tốt nghiệp, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp đại học, bằng kĩ sư, bằng cử nhân, bằng tốt nghiệp THPT, chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin, chứng chỉ ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, học bạ, bảng điểm, giấy phép lái xe và 156 bộ văn bằng chứng chỉ giả đã hoàn thiện, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy công chứng các loại của rất nhiều các văn phòng công chứng…

Hậu quả khôn lường từ việc sử dụng giấy tờ giả

Thực tế cho thấy việc sử dụng văn bằng, tài liệu, giấy tờ giả gây hậu quả khôn lường cho xã hội và ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về trật tự xã hội, nhất là khi các đối tượng sử dụng giấy tờ giả trong tuyển dụng xin việc làm, “làm đẹp” hồ sơ cán bộ để thăng quan tiến chức, phục vụ cho các hành vi vi phạm pháp luật khác như: gây rối trật tự công cộng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền…

Trong đó, thời gian qua tình trạng sử dụng tài liệu, giấy tờ giả để thực hiện hành vi lừa đảo đã xảy ra ở một số nơi. Nhiều nhất là sử dụng giấy đăng ký phương tiện, giấy phép lái xe giả để qua mặt cơ quan chức năng, gây rối trật tự công cộng, đặc biệt là sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giả trong các giao dịch tín dụng để cầm cố, thế chấp hay chuyển nhượng gây hậu quả lớn cho xã hội và người dân.

Đơn cử, như trường hợp đối tượng Lê Văn Tùng (SN 1993, trú tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) sử dụng sổ đỏ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình khởi tố vào ngày 30/7 vừa qua. Theo khai nhận của Lê Văn Tùng, anh ta lên mạng xã hội đặt mua sổ đỏ giả, rồi dùng sổ đỏ giả đó để lừa bán mảnh đất không thuộc sở hữu của mình cho 2 người dân tại huyện Đông Hưng và Vũ Thư, chiếm đoạt tổng cộng số tiền gần 800 triệu đồng…

Dù hậu quả của việc sử dụng giấy tờ giả gây hệ lụy rất lớn cho xã hội và người dân như vậy, nhưng hiện nay, việc xử lý đối với người sử dụng giấy tờ giả còn nhẹ, chưa có tính răn đe cao. Theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội làm giả con dấu, tài liệu của của cơ quan, tổ chức tùy theo tính chất và mức độ phạm tội mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức cao nhất 7 năm tù giam, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng nếu tái phạm nhiều lần.

Còn đối với người sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả, nếu được dùng để thực hiện hành vi trái pháp luật thì mới coi là tội phạm theo quy định Điều 341 BLHS. Tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm; thu lợi bất chính 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 2-5 năm. Hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 3-7 năm. Ngược lại, nếu sử dụng vào mục đích khác thì không được coi là tội phạm, chỉ bị xử phạt hành chính hoặc chịu kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, cách chức, cảnh cáo, khiển trách.

Do vậy, để ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng giấy tờ giả cần phải nâng chế tài xử lý đối với các hành vi này. Bên cạnh đó, siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong việc thi cử, cấp giấy phép, cấp bằng, cấp chứng chỉ. Đồng thời, tập trung đấu tranh triệt phá, bóc gỡ đường dây, ổ nhóm sản xuất giấy tờ giả để xử lý nghiêm, triệt để.

Theo: P. Tâm

Nguồn: cand.com.vn