Bộ Y tế: Người từng tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca không nên lo lắng

Đại diện Bộ Y tế lên tiếng trước thông tin AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID-19 của hãng có thể gây cục máu đông trong một số trường hợp.

0

Sáng 3/5, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh, người từng tiêm vaccine COVID-19 của hãng dược AstraZeneca cách đây 2 – 3 năm không nên hoang mang, lo lắng, bởi vaccine chỉ có tác dụng trong vòng 1 năm. 

Khẳng định trên được Bộ Y tế đưa ra trong bối cảnh dư luận xôn xao trước thông tin AstraZeneca lần đầu thừa nhận vaccine COVID-19 của hãng có thể gây cục máu đông trong một số trường hợp hiếm gặp.

AstraZeneca là công ty công nghệ sinh học và dược phẩm đa quốc gia của Anh-Thụy Điển, có trụ sở chính ở Cambridge, Anh. (Ảnh: AFP)

AstraZeneca là công ty công nghệ sinh học và dược phẩm đa quốc gia của Anh-Thụy Điển, có trụ sở chính ở Cambridge, Anh. (Ảnh: AFP)

Trước đó, gã khổng lồ dược phẩm đứng trước vụ kiện tập thể, cáo buộc vaccine do hãng đồng phát triển với Đại học Oxford gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cho hàng chục người dùng.

Đơn kiện đầu tiên được người dùng tên Jamie Scott đệ trình vào năm ngoái, cho biết vaccine khiến ông bị đông máu và chảy máu não, không thể làm việc. Đến nay, 51 đơn kiện đã được trình lên Tòa án Tối cao, trong đó các nạn nhân đòi bồi thường ước tính lên tới 100 triệu bảng Anh.

AstraZeneca một mặt vẫn phản đối cáo buộc nêu trên. Tuy nhiên, trong một tài liệu pháp lý đệ trình lên tòa án tối cao vào tháng 2, hãng thừa nhận vaccine “có thể gây ra huyết khối tĩnh mạch kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) trong những trường hợp rất hiếm gặp”. Dù vậy, hãng lưu ý thêm TTS vẫn có thể xảy ra khi không tiêm vaccine. Hãng cho biết cần điều tra cụ thể về nguyên nhân gây đông máu của từng trường hợp riêng lẻ.

Theo Telegraph, công ty cũng khẳng định, “TTS cũng có thể xảy ra trong trường hợp không tiêm vaccine AstraZeneca (hoặc bất kỳ loại vaccine nào)”.

AstraZeneca khẳng định dữ liệu hiện có cho thấy loại thuốc này có “hồ sơ an toàn có thể chấp nhận được” và “các cơ quan quản lý trên toàn thế giới luôn tuyên bố rằng lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ tiềm ẩn cực kỳ hiếm gặp”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng nêu rõ: “Tác dụng phụ rất hiếm gặp sau tiêm vaccine AstraZeneca là huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu, có thể gây tình trạng đông máu bất thường, nghiêm trọng”. Theo định nghĩa của Hội đồng Tổ chức Khoa học Y tế Quốc tế, “tác dụng phụ rất hiếm gặp” là những phản ứng được báo cáo với tỷ lệ từ một trên 10.000 trường hợp trở xuống.

Vaccine COVID-19 do Đại học Oxford và Tập đoàn dược AstraZeneca nghiên cứu sản xuất. Ngày 30/12/2020, vaccine lần đầu tiên được cấp phép sử dụng trong chương trình tiêm chủng tại Vương quốc Anh và được đưa vào tiêm chính thức từ ngày 4/1/2021.

Sau đó, loại vaccine này được cấp phép sử dụng tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây cũng là một trong ba loại vaccine đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp từ ngày 15/2/2021.

Ở Việt Nam, trong đợt tiêm chủng đầu tiên năm 2021 có 117.000 liều vaccine COVID-19 AstraZeneca, được chia thành 49 kiện chuyển đến 4 điểm tiêm chủng gồm Hà Nội, TP.HCM và 2 điểm ở tỉnh Hải Dương.

Tác giả: Như Loan

Nguồn: Vtcnews.vn