Các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi
Nghị định 03/2022-NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều thay thế cho Nghị định 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều và Nghị định 65/2019/NĐ-CP ngày 18/7/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104/2017/NĐ-CP. Báo Nghệ An trích đăng các quy định xử phạt trong lĩnh vực thủy lợi.
Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 03/2022-NĐ-CP gồm: Quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều. Các hành vi vi phạm nêu trên mà không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước có liên quan để xử phạt.
Các hình thức xử phạt gồm: Xử phạt chính và xử phạt bổ sung. Các hình thức xử phạt chính gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền. Hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Quy định về mức phạt tiền: Mức phạt tiền tối đa được quy định như sau: Đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai là 50 triệu đồng; Đối với lĩnh vực đê điều là 100 triệu đồng; Đối với lĩnh vực thủy lợi là 250 triệu đồng.
Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, trừ các hành vi quy định tại Điều 16 và Khoản 2, Điều 17 Nghị định này thì áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Thủ tục xử phạt đối với những hành vi đồng thời được quy định trong Bộ luật Hình sự: Khi phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm b, Khoản 2, Điều 14, Điều 36 Nghị định này thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 4, Điều 62, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có các quyết định như không khởi tố vụ án hình sự; hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự; đình chỉ điều tra vụ án hình sự; đình chỉ điều tra bị can; đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can; đình chỉ vụ án; hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và trả lại hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt đã chuyển hồ sơ đến, thì chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 3, Điều 62, Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.
Chương III của Nghị định 03/2022-NĐ-CP quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực thủy lợi. Cụ thể, tại Điều 19 quy định vi phạm gây cản trở dòng chảy của công trình thủy lợi sẽ bị các mức phạt sau: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi trồng rau, cắm đăng đó, chất chà và các hình thức đánh bắt khác gây cản trở dòng chảy. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi ngâm tre, luồng, nứa, lá, gỗ hoặc tạo các vật cản khác gây cản trở dòng chảy.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.
Điều 20 quy định hành vi đổ rác thải, chất thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bị xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo đối với hành vi đổ rác thải, chất thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi với khối lượng dưới 0,5 m3. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đổ rác thải, chất thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi với khối lượng từ 0,5 m3 đến dưới 1 m3. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi đổ rác thải, chất thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi với khối lượng từ 1m3 đến dưới 3m3. Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với hành vi đổ rác thải, chất thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi với khối lượng từ 3m3 đến dưới 5m3. Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với hành vi đổ rác thải, chất thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi với khối lượng từ 5m3 trở lên.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 21. Vi phạm quy định về vận hành công trình thủy lợi thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Thực hiện không đúng quy định trong quy trình vận hành công trình thủy lợi đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 của Nghị định này. Không có nhiệm vụ mà tự ý vận hành công trình thủy lợi.
Phạt tiền đối với hành vi không có quy trình vận hành công trình thủy lợi theo quy định, cụ thể như sau: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi không có quy trình vận hành công trình thủy lợi nhỏ theo quy định. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không có quy trình vận hành công trình thủy lợi vừa theo quy định. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi không có quy trình vận hành công trình thủy lợi lớn hoặc quan trọng đặc biệt theo quy định.
Điều 24. Mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi bao gồm: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Làm lều, quán, tường; xây dựng các công trình tạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Đào, cuốc, xới, đánh vầng cỏ, gieo trồng các loại cây hoa màu trên bờ, mái kênh, mái đập đất.
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Xây dựng lò gạch, lò vôi, công trình phụ, chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Nuôi trồng thủy sản không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Phá dỡ, xê dịch mốc chỉ giới, biển báo của công trình thủy lợi hoặc tự ý đấu nối kênh, đường ống dẫn nước. Hoạt động nghiên cứu khoa học, trồng cây lâu năm không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Đào đắp ao, hồ trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Neo, đậu tàu, thuyền vào công trình thủy lợi khi có biển cấm. Sử dụng phương tiện thủy nội địa, phương tiện cơ giới trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, trừ xe mô tô, xe gắn máy, phương tiện thủy nội địa thô sơ.
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi: Không gửi báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thủy lợi theo nội dung và thời gian quy định. Không thực hiện kiểm tra đập, hồ chứa thủy lợi theo nội dung và chế độ quy định. Không có hoặc không tổ chức thực hiện phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập trong quá trình thi công. Không thực hiện kiểm định an toàn đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định. Không thực hiện cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy lợi. Không có hoặc không thực hiện phương án bảo vệ đã được phê duyệt. Không có hoặc không rà soát, điều chỉnh, bổ sung hằng năm hoặc không thực hiện phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đã được phê duyệt.
Theo Hoài Thu
Link gốc: https://baonghean.vn/cac-quy-dinh-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-thuy-loi-post256923.html