Nghệ An: Nói không với việc đánh bắt, sử dụng động vật hoang dã trái phép

Chiều 30.5, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife - SVW) tổ chức Hội thảo "Tăng cường hợp tác liên ngành trong việc chống săn bắn, buôn bán, tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã

Lên án việc đánh bắt sử dụng động vật hoang dã trái phép. Ảnh: Internet

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất cả nước. Rừng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái của tỉnh. Hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên được Nhà nước ban hành đầy đủ, tuy nhiên việc triển khai thực hiện công tác phối hợp giữa các cơ quan đơn vị địa phương trong đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm về quản lý ĐVHD có lúc có nơi còn hạn chế. Tình trạng vi phạm các quy định về quản lý ĐVHD trong một số bộ phận nhân dân vẫn còn diễn ra do tập quán, thói quen sử dụng sản phẩm động vật rừng hoang dã trong nhân dân chưa được chấm dứt triệt để. Đặc biệt thời gian qua các hoạt động về nuôi nhốt, kinh doanh, buôn bán, giết mổ động vật hoang dã trái phép như hổ, gấu, các loài chim, bò sát.. diễn ra tại địa bàn các huyện như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành tạo nên dư luận xấu trong xã hội, đã được các cơ quan chức năng lập án, đấu tranh ngăn chặn và xử lý. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An giáp giới thông thương với nước bạn Lào có nhiều cửa khẩu chính và nhiều cửa khẩu lối mở với 468,2km đường biên giới. Hoạt động săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt, giết mổ động vật hoang dã diễn biến cực kỳ phức tạp. Xuất phát từ thực trạng trên, căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh Nghệ An, Hội thảo hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp, tư tưởng đột phá thiết thực trong công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, đơn vị tổ chức bảo tồn ĐVHD tại Nghệ An nhằm làm tốt hơn công tác bảo tồn ĐVHD.

Trong khuôn khổ diễn ra Hội thảo, các đại biểu đã dành thời gian thảo luận về ba nội dung chính nhằm tăng cường hợp tác liên ngành trong việc chống săn bắn, buôn bán, tiêu thụ và sử dụng ĐVHD trái phép trên địa bàn tỉnh: Tăng cường công tác bắt giữ các hành vi mua bán trái phép, các đầu nậu, đầu cơ về ĐVHD; Tăng cường công tác xử lý các hành vi vi phạm liên quan tới ĐVHD sau khi tịch thu, bắt giữ; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân nhằm ngăn chặn tình trạng săn bắt, buôn bán, sử dụng, vận chuyển, tàng trữ, quảng cáo ĐVHD trái phép.

Hình ảnh Hổ Đông Dương cuối cùng tại VQG Pù Mát. Từ năm 1998 đến nay tất cả VQG Việt Nam không ghi nhận bất cứ gì dấu vết của Hổ. Hổ được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Thế giới ở mục cực kỳ nguy cấp

Theo ông Nguyễn Duy Khánh, Phó Chi cục Hạt kiểm lâm huyện Diễn Châu cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc kiểm tra, xử lý là lực lượng tuần tra, truy quét mỏng. Các đối tượng săn bắn ĐVHD thường hoạt động vào ban đêm hoặc sáng sớm nên khi phát hiện lực lượng chức năng không bắt được người vi phạm mà chỉ thu giữ được tang vật. Việc bảo vệ các loài động vật, nhất là động vật hoang dã, trong đó có những loài động vật đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng đang ngày càng trở nên cấp thiết. Do đó, hơn lúc nào hết, cùng với việc tăng cường công tác trấn áp tội phạm, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loài động vật hoang dã và sản phẩm từ ĐVHD, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vấn đề này.

Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc Gia Pù Mát đã có bài tham luận chi tiết giới thiệu về VQG Pù Mát cũng như những khó khăn, thách thức vườn đã gặp trong công tác bảo vệ rừng, ĐVHD cũng như kết quả phối hợp hoạt động của vườn với các tổ chức phi chính phủ. Ông chia sẻ: Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam là đơn vị đã có sự hợp tác với vườn từ năm 2018 thực hiện nhiều hoạt động cứu hộ và phục hồi ĐVHD, bảo vệ rừng. Cụ thể, Trung tâm đã phối hợp cùng VQG Pù Mát cứu hộ gần 500 cá thể động vật tịch thu từ buôn bán trái phép, thành lập và vận hành Nhóm Bảo vệ rừng với 16 thành viên nhằm thúc đẩy và tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng cùng lực lượng kiểm lâm. SVW cũng tiến hành các chương trình nâng cao nhận thức và các chương trình giảm cầu tiếp cận tới 100.000 người dân vùng đệm, các hoạt động nghiên cứu xã hội và hoạt động nghiên cứu thực địa cũng đã được triển khai liên tục. Kết quả là công tác tuần tra Bảo vệ rừng và việc thực thi pháp luật ở VQG Pù Mát đã được cải thiện rõ rệt, các hoạt động săn bắt trái phép giảm 80%, các thống kê từ bẫy ảnh cũng ghi nhận sự phục hồi của các quần thể động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Tôi tin tưởng đa dạng sinh học cùng tài nguyên thiên nhiên quý giá của đất nước nói chung và của tỉnh Nghệ An nói riêng sẽ được bảo vệ trọn vẹn nếu tất cả chúng ta cùng nhau nỗ lực hành động trước tiên. Hãy không ăn và lên án các hành vi sử dụng ĐVHD có nguồn gốc tự nhiên.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới bao gồm: Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Công an Tỉnh, chính quyền địa phương rà soát, lập danh sách, xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, đầu nậu, đầu cơ, các cơ sở kinh doanh, nhà hàng buôn bán, phục vụ ĐVHD trái phép và các sản phẩm của chúng. Tổng kết danh sách trước tháng 7 năm 2022 làm căn cứ vận động tuyên truyền cũng như theo dõi vi phạm; Chi cục kiểm lâm (CCKL) chủ trì xây dựng phương án thanh tra, kiểm tra, xử lý về các cơ sở nuôi nhốt, nhân nuôi ĐVHD, phát hiện các vi phạm, đặc biệt các trường hợp trà trộn ĐVHD tự nhiên vào động vật nuôi có phép để hợp thức hoá các vi phạm; Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các sở ban ngành địa phương thành lập Ban thanh tra xây dựng phương án, triển khai thanh tra định kỳ hoặc đột xuất các đơn vị kinh doanh, nhà hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố Vinh, huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Dự kiến tổ chức ít nhất 2 đợt thanh tra/năm; phối hợp với Công an tỉnh xác minh tính chính xác các thông tin báo cáo vi phạm, triển khai truy quét, đấu tranh với các đối tượng vi phạm kịp thời. Kết hợp với Phòng an ninh mạng, phát hiện các vụ việc buôn bán, trao đổi, kinh doanh ĐVHD trái phép trên môi trường mạng thông qua Facebook, Zalo…; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường để siết chặt công tác quản lý, phát hiện các trường hợp vận chuyển, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu ĐVHD trái phép. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các đơn vị Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường về pháp luật, thực thi pháp luật liên quan đến ĐVHD, nhận dạng loài, định danh loài dựa trên các mẫu vật, tang vật thu được tại hiện trường để tiến hành xử lý nhanh các vi phạm. Công an tỉnh, tổ chức điều tra, đưa ra xét xử các vụ việc vi phạm quy định về quản lý động vật hoang dã khi bị phát hiện một cách nghiêm minh, đúng pháp luật. Có thể tổ chức xét xử lưu động để mang tính răn đe đối với cộng đồng. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ  đảng viên, công chức, viên chức về công tác bảo tồn ĐVHD và các quy định pháp luật liên quan đến ĐVHD. Đồng thời, triển khai, lồng ghép các nội dung về ĐVHD vào sinh hoạt, kế hoạch hoạt động của đơn vị.

Theo Hà Vy/MTVDT

Link gốc: https://www.moitruongvadothi.vn/nghe-an-noi-khong-voi-viec-danh-bat-su-dung-dong-vat-hoang-da-trai-phep-a103653.html