Thủ tướng: ‘Người ta bỏ tiền ra kinh doanh, không có lý gì gây phiền hà cho họ’

Nhấn mạnh yêu cầu cắt giảm ít nhất 30% thủ tục và thời gian, chi phí tuân thủ, Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp bỏ tiền ra kinh doanh và tạo sinh kế, không có lý do gì lại gây phiền hà cho họ".

0

Ngày 18/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật lần thứ 2 trong tháng 4.

Phiên họp thảo luận nhiều nội dung quan trọng trong hoàn thiện quy hoạch phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển mới cho từng địa phương, khu vực; tăng cường phân cấp, phân quyền về quản lý tài chính cho các địa phương…

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quy hoạch phải thuận thiên, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, của vùng, của địa phương, phát huy được sức mạnh, cộng hưởng được nguồn lực.

“Trong quy hoạch phải nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Thủ tướng quán triệt không phát sinh thêm thủ tục mới, phải cắt giảm ít nhất 30% thủ tục và thời gian, chi phí tuân thủ; đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tạo cơ hội, điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh…

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

“Khi người ta bỏ tiền ra kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, không có lý do gì lại gây phiền hà, ách tắc cho họ”, Thủ tướng nhấn mạnh

Đối với dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Thủ tướng yêu cầu thiết kế chính sách phải đột phá hơn nữa, trong đó tập trung nuôi dưỡng nguồn thu; tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên; tăng ngân sách dự phòng…

Cùng với đó, đề xuất nâng quy mô vốn của dự án quan trọng quốc gia phải báo cáo Quốc hội để phù hợp với quy mô nền kinh tế; nâng cao vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; cương quyết xóa bỏ cơ chế xin cho.

Sửa đổi, bổ sung các nội dung phù hợp với việc sắp xếp chính quyền 2 cấp cũng được Thủ tướng nêu rõ khi cho ý kiến với dự án luật sửa đổi các Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Trong đó, mở rộng áp dụng hợp tác công tư với các công trình trong tất cả các lĩnh vực; phân biệt rõ về tiêu chuẩn, tiêu chí khác nhau giữa chủ đầu tư và nhà thầu tại các dự án như yêu cầu vốn, kinh nghiệm, năng lực,…

“Ai làm tốt nhất thì giao việc, những gì doanh nghiệp và người dân làm tốt hơn thì thiết kế quy định để người dân và doanh nghiệp làm”, Thủ tướng nêu rõ.

Quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án luật cần chú trọng theo hướng xây dựng 1 luật để sửa nhiều luật; những vấn đề còn ý kiến khác nhau và những vấn đề khác cần báo cáo cấp thẩm quyền để xem xét, chỉ đạo.

Bên cạnh đó, bộ ngành địa phương cần tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa tất cả chủ trương, đường lối của Đảng, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, đặc biệt là cắt giảm các thủ tục rườm rà, đẩy mạnh số hóa và bảo đảm an toàn, an ninh mạng giảm tiếp xúc trực tiếp, tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo ngành tập trung hoàn thiện hồ sơ các dự án luật theo đúng quy định để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5.

Tác giả: Tiểu Vy 

Nguồn: vietnamfinance.vn