Lãi suất tiết kiệm tăng mạnh: Chọn ngân hàng nào được mức 9,5%/năm?
Lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng. Một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động rất hấp dẫn, tới 9,5%. Nhưng để được nhận mức lãi suất này, cần đáp ứng những điều kiện đặc biệt.
Lãi suất tiết kiệm đặc biệt tới 9,5%/năm
Lãi suất tiết kiệm gần đây có xu hướng tăng, phản ánh nhu cầu vốn cao của các ngân hàng để hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng.
Trong báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ mới đây, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán MBS cho hay sau khoảng 2 tháng chững lại, lãi suất huy động đã bắt đầu tăng trở lại trong tháng 11 với 16 ngân hàng, bao gồm cả những ngân hàng lớn như Agribank, Techcombank và MB, đã tăng lãi suất tiết kiệm với mức tăng từ 0,1-0,7 điểm %.
Theo Công ty chứng khoán VNDirect, nhu cầu tín dụng gia tăng tạo áp lực lên lãi suất huy động. Tính đến ngày 28/11, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân đã tăng nhẹ 0,02 điểm % so với tháng trước đó, lên mức 4,83%/năm.
Sang tháng 12, tính từ đầu tháng đến nay, đã có 9 ngân hàng tăng lãi suất, bao gồm: ABBank, IVB, TPBank, GPBank, MSB, Dong A Bank, ABBank, OCB, VIB.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại nhà nước giữ lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,7-4,8%/năm, còn các ngân hàng thương mại cổ phần áp dụng mức lãi suất huy động cao hơn, từ 5,4-6,3%/năm ở các kỳ hạn dài để thu hút nguồn vốn.
Bên cạnh lãi suất thông thường, nhiều ngân hàng áp dụng mức lãi suất đặc biệt khi khách hàng gửi tiền số lượng lớn, nhằm thu hút nguồn vốn lớn.
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đang dẫn đầu về lãi suất đặc biệt khi khách hàng gửi tiền tại quầy, với 9,5% cho kỳ hạn 12-13 tháng. Tuy nhiên, điều kiện để được trả mức lãi suất này là khách hàng phải có số dư tiền gửi từ 2.000 tỷ đồng trở lên.
Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) với lãi suất đặc biệt khá cao, lên đến 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) áp dụng lãi suất tiết kiệm cao nhất là 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7%/năm cho 12 tháng. Điều kiện áp dụng là sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1/1/2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) cũng niêm yết lãi suất đến 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng dành cho số tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên.
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) cũng áp dụng mức lãi suất 6,15% cho kỳ hạn 18-36 tháng, áp dụng với số tiền gửi trên 1 tỷ đồng.
Các mức lãi suất hấp dẫn trên mở ra nhiều cơ hội cho cả khách hàng cá nhân và tổ chức có nhu cầu gửi tiết kiệm. Nhưng điều kiện đi kèm về số tiền gửi tối thiểu cao có thể hạn chế sự tiếp cận của đa số người gửi tiền.
Trong khi đó, mức lãi suất trên 6%/năm cũng đang được một số ngân hàng niêm yết cho các kỳ hạn tiền gửi dài mà không yêu cầu về số tiền gửi tối thiểu.
IVB đưa ra mức lãi suất 6,2%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên, mức 6,05%/năm cho kỳ hạn 18 tháng và 6,05% cho kỳ hạn 13 tháng. GPBank áp dụng mức lãi suất 6,25%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 6,35%/năm đối với các kỳ hạn từ 13-36 tháng.
Cake by VPBank niêm yết lãi suất 6,1% cho kỳ 24 tháng. OceanBank áp dụng lãi suất 6,1% cho kỳ hạn 24 tháng. BVBank áp dụng lãi suất 6%, kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng; VRB và Dong A Bank áp dụng mức lãi suất 6% cho kỳ hạn 24 tháng; VietABank áp dụng mức lãi suất 6% cho kỳ hạn 36 tháng…
Lãi suất năm 2025 ra sao?
Nhận định về xu hướng lãi suất, đại diện một số ngân hàng cho biết, lãi suất nhích lên chủ yếu trong ngắn hạn do áp lực một phần từ tỷ giá USD/VNĐ đi lên. Dự báo đầu năm 2025, lãi suất sẽ duy trì ở mặt bằng thấp hơn khi Mỹ và nhiều ngân hàng trung ương các nước hạ lãi suất. Áp lực tăng lãi suất thời gian tới không quá cao, chủ yếu trong ngắn hạn.
Còn theo dự báo từ Công ty Chứng khoán VPBankS, lãi suất huy động trong năm 2025 có thể tăng nhẹ hoặc đi ngang, tùy thuộc vào diễn biến kinh tế và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Sự phân hóa giữa các ngân hàng sẽ trở nên rõ ràng hơn. Các ngân hàng nhỏ được cho là sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất cao để thu hút vốn.
Xu hướng lãi suất năm 2025 cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như mức độ phục hồi kinh tế và lạm phát. VPBankS đánh giá 2025 sẽ là một năm ổn định nhưng đầy thách thức đối với các ngân hàng trong việc cân đối giữa huy động vốn và lợi nhuận.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất là để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, tăng lãi suất huy động cũng là giải pháp giúp các ngân hàng cạnh tranh với các kênh đầu tư khác.
Ông Nguyễn Quang Huy, Trường đại học Nguyễn Trãi nhận định, trong bối cảnh kinh tế biến động, gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn an toàn cho nhà đầu tư ưu tiên bảo toàn vốn. Với lãi suất huy động quanh mức 6%/năm, gửi tiết kiệm không chỉ đảm bảo lãi suất thực dương, mà còn giữ được tính thanh khoản cao.
Tiền gửi ngân hàng đang giữ mức kỷ lục hơn 14 triệu tỷ đồng. Theo ông Huy, có 3 nguyên nhân chính khiến người dân ồ ạt gửi tiền vào ngân hàng: lãi suất đang ấm lên; nhà đầu tư đang thiếu kênh đầu tư phù hợp do thị trường chứng khoán, bất động sản khó khăn, trong khi vàng đang chững lại và tiềm ẩn nhiều rủi ro; thị trường nhiều bất ổn khiến nhà đầu tư có tâm lý gửi tiền vào ngân hàng để chờ đợi, sẵn sàng nắm bắt cơ hội trong tương lai.