Tăng số lượng lấy mẫu kiểm tra doping trong thể thao: Việc cần thiết, liên tục!
Trong cuộc làm việc gần đây với Cục Thể dục Thể thao (TDTT) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Tổ chức phòng, chống doping quốc tế (WADA) đã đề nghị ngành Thể thao tăng số lượng lấy mẫu doping hằng năm. Đó là việc đáng để ngành Thể thao đầu tư, xem đây là cần thiết và cần liên tục duy trì.
Tháng 3/2024, tại một hội thảo khoa học do Cục TDTT tổ chức, thông tin được đưa ra là từ năm 2003 đến nay, thể thao Việt Nam đã có 48 trường hợp VĐV Việt Nam dính doping (chất cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao). Các ca dính doping này chủ yếu bị phát hiện trong quá trình thi đấu quốc tế, một số bị phát hiện trong quá trình tập luyện.
Gần đây nhất, là trường hợp một nữ VĐV dương tính với chất cấm tại Giải vô địch Aerobic châu Á năm 2023. Trước đó, vụ việc 5 tuyển thủ điền kinh cũng dương tính với chất cấm khi thi đấu tại SEA Games 31 năm 2022 cũng gây ồn ào dư luận…, bắt nguồn từ việc các tuyển thủ này sử dụng thực phẩm chức năng có chứa chất cấm mà không biết.
Sau giải trình từ các VĐV trong nhóm 48 VĐV trên, lý do dẫn đến dương tính với chất cấm có nhiều, cả từ chủ quan và khách quan, trong đó có sự thiếu hiểu biết khi dùng thuốc chữa bệnh hay thực phẩm chức năng; liên quan đến quy trình phối hợp giữa HLV – VĐV – bác sĩ đội tuyển khi VĐV không chủ động báo cáo HLV, bác sĩ về loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng mà mình sử dụng … Và dù với lý do nào thì sự nghiệp của VĐV dính doping cũng bị ảnh hưởng, nhiều người khi trở lại thi đấu sau án phạt không thể đạt được phong độ tốt nhất trước đó.
Trong khi đó, ngành Thể thao cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng. Bởi con số 48 ca dính doping có thể là ít với những nền thể thao có hàng chục ca doping mỗi năm. Nhưng chắc chắn, con số đó vẫn đáng lưu tâm. Bởi hầu hết số ca dính doping đều đến trong khi thi đấu quốc tế hoặc do Tổ chức phòng, chống doping quốc tế kiểm tra, lấy mẫu thử đột xuất trong quá trình VĐV tập huấn tại đội tuyển quốc gia. Hiểu theo cách khác, số tiền lấy mẫu thử doping đều từ các tổ chức quốc tế tổ chức giải đấu hoặc tổ chức chuyên về doping quốc tế.
Trong khi đó, số VĐV Việt Nam dính doping từ các giải đấu trong nước lại ít hơn hẳn số lượng VĐV dính doping thi đấu quốc tế, ước tính chủ chiếm 1/ 4 trong tổng số 48 ca kia. Số này chủ yếu bị phát hiện trong quá trình thi đấu tại Đại hội thể thao toàn quốc (trước đây còn gọi là Đại hội TDTT toàn quốc). Sẽ có những thắc mắc về việc VĐV thi đấu ở giải trong nước lại ít dính doping so với khi thi đấu quốc tế.
Thực tế, do có quá ít mẫu thử doping tại các giải đấu trong nước nên mới ra số lượng VĐV dính doping như vậy. Còn nếu tăng số lượng mẫu thử doping thì chưa biết con số thế nào. Vấn đề còn nằm ở kinh phí của ngành Thể thao dành cho việc lấy mẫu thử doping tại các giải đấu trong nước còn quá ít so với yêu cầu thực tế. Như năm 2024, kinh phí cấp cho đơn vị phụ trách phòng, chống doping tại Việt Nam là Trung tâm doping và y học thể thao Việt Nam cũng đủ chỉ để lấy khoảng 90 mẫu thử cho cả VĐV đang tập trung ở đội tuyển quốc gia và một số giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia như điền kinh, bơi… Người trong nghề đương nhiên là muốn có nhiều mẫu thử doping hơn nhưng “cái khó bó cái khôn”. Chi phí cho ra kết quả mỗi mẫu thử cũng phải mất khoảng 200 USD. Hiện tại, Việt Nam không có phòng xét nghiệm đạt chuẩn của Tổ chức phòng, chống doping quốc tế nên các mẫu thử đều phải gửi tới các phòng xét nghiệm ở các nước khác như Thái Lan, Trung Quốc… Cho nên muốn có nhiều mẫu thử phải có nhiều kinh phí.
Tổ chức phòng, chống doping quốc tế cũng đã đánh giá cao khâu tuyên truyền phòng, chống doping của ngành Thể thao Việt Nam trong những năm gần đây. Đó cũng là một cách để hạn chế các trường hợp dính doping trong thi đấu của VĐV tại các giải quốc tế, quốc gia. Và từ đó, nâng vị thế, hình ảnh thể thao Việt Nam.
Tuy nhiên, trong khuyến cáo của mình, Tổ chức phòng, chống doping quốc tế cũng đề nghị ngành Thể thao Việt Nam tăng cường lấy mẫu thử doping đối với các VĐV, cả trong thi đấu cũng như trong tập luyện. Việc này cũng nhằm phòng ngừa từ sớm từ xa các trường hợp dính doping ngay từ chính trong nước, trong đó chính các VĐV cũng phải thấy rõ nguy cơ bị dính doping. Từ đó, sẽ không “dễ dãi” trong dùng thuốc chữa bệnh, sử dụng thực phẩm chức năng, thậm chí chủ động sử dụng doping.
Còn khi biết chắc giải đấu mà mình tham dự không có xét nghiệm doping thì sự “dễ dãi” của HLV, VĐV với chất cấm càng có đất phát triển. Như thế sẽ tạo nên sự thiếu công bằng với chính các VĐV khác đang nỗ lực thi đấu, tập luyện bằng chính thực lực, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định phòng, chống doping. Xa hơn, rất có thể đội tuyển quốc gia sẽ tuyển nhầm các trường hợp đạt thành tích tốt do vô tình hoặc cố tình sử dụng doping.
Cho nên, không còn cách nào khác là ngành Thể thao phải tính toán để tăng kinh phí xét nghiệm doping tại các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia. Sẽ tốt hơn cả nếu ngành chủ động phối hợp với các Liên đoàn Thể thao quốc gia trong việc này, đặc biệt khi kinh phí phân bổ cho ngành dự báo sẽ không có đột phá. Ở chiều ngược lại, chính các Liên đoàn Thể thao quốc gia, các đơn vị quản lý thể thao ở địa phương cũng phải xắn tay cùng ngành Thể thao trong việc này thay vì để ngành tự giải quyết. Bởi xét cho cùng, đấy là việc tốt cho hình ảnh của thể thao Việt Nam nói chung.
Truyền thông phòng, chống doping tại 15 giải đấu trong năm 2024
Theo kế hoạch, Trung tâm phòng, chống doping và y học thể thao Việt Nam sẽ thực hiện truyền thông về phòng, chống doping tại 15 giải đấu trong nước năm 2024. Việc này cũng mang đến hiệu ứng tích cực nhưng chính các HLV, VĐV cũng mong muốn có nhiều hơn mẫu thử doping được thực hiện để tạo nên những sân chơi thực sự công bằng. (Minh Khuê)
Theo: Minh Hà
Nguồn: camd.com.vn