Huyện miền núi Nghệ An xóa đói giảm nghèo nhờ cây lùng
Nhờ trồng và thu hoạch cây lùng, người dân ở huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) có thêm nguồn thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Người dân huyện Quế Phong, Nghệ An thu hoạch cây lùng. |
Giảm nghèo nhờ giống cây bản địa
Huyện miền núi biên giới Quế Phong (Nghệ An) có gần 190.000ha rừng tự nhiên, độ che phủ rừng đạt 77,03%. Trong số các sản phẩm lâm nghiệp, lùng là loài cây đặc hữu, tập trung nhiều ở 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ với diện tích hơn 17.000ha.
Giống cây thuộc họ tre này có đặc tính đốt dài, sợi trắng, mịn, phù hợp cho việc sản xuất các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ cao cấp xuất khẩu, đặc biệt là hàng mây tre đan.
Trước đây, người dân thường khai thác lùng theo hình thức tự phát, thậm chí chặt cả bụi. Việc khai thác quá mức đã dẫn đến diện tích và sản lượng ngày càng suy giảm, không tạo được giá trị kinh tế bền vững.
Từ năm 2018 đến 2022, huyện Quế Phong triển khai dự án Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ cây lùng và dự án Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Tre và Nghêu ở Việt Nam nhằm mục đích giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững. Đồng thời, dự án cũng hướng đến việc bảo vệ và phát triển nguồn gen cây trồng đặc sản của vùng đất Quế Phong.
Các dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho bà con kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc và khai thác rừng lùng theo tiêu chuẩn FSC. Sau vài năm triển khai, các hộ dân đã thu hoạch được số lượng cây đáng kể, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Giá trị kinh tế của giống cây này cũng được cải thiện đáng kể, giúp người dân tăng thu nhập và cải thiện đời sống của họ.
Đang cùng vợ thu hoạch những cây lùng già, ông Vi Văn Tâm (trú tại bản Pù Duộc, xã Đồng Văn) cho biết, gia đình mình được địa phương giao bảo vệ và chăm sóc 7,5ha lùng. Mặc dù không cho thu nhập cao, nhưng giống cây này có thể khai thác liên tục trong nhiều năm, không tốn chi phí và rất ít công chăm sóc.
Theo ông Tâm, trước đây, người dân thu hoạch lùng rồi bán cho thương lái với giá rẻ. Tuy nhiên, khi đạt chứng chỉ FSC một số công ty đã cam kết thu mua trực tiếp nên giá cả tăng lên đáng kể.
“Trồng cây lùng không tốn kém chi phí, phân bón, thậm chí công chăm sóc cũng rất ít. Mỗi năm 1 đến 2 đợt, tranh thủ những lúc đồng ruộng nhàn rỗi vợ chồng tôi lại đi chặt về. Chỉ cần khai thác cây đúng độ tuổi, không chặt cả cụm thì năm nào cũng được bán”, ông Tâm chia sẻ.
Tùy vào thời điểm, thân cây lùng có giá từ 110.000-140.000 đồng/tạ; còn phần ngọn, mắt, lá có giá 50.000-80.000 đồng/tạ. Với hơn 7ha, mỗi năm gia đình gia đình ông Tâm có thêm thu nhập từ 25-30 triệu đồng.
Ông Lang Văn Hiền (trú tại bản Khủn Na, xã Đồng Văn) cho biết, trước đây người dân khai thác lùng theo kiểu tự phát, khi cần tiền là vào rừng chặt cây bán dẫn đến năng suất ngày càng giảm sút.
Thế nhưng từ khi được tập huấn, người dân đã biết được cách chăm sóc, khai thác theo trữ lượng, tuổi cây, cách chặt sát gốc và dọn rác sau khi khai thác. Bên cạnh đó, nhờ nhân giống, trồng thâm canh nên mật độ cây trong rừng tăng lên, mang lại hiệu quả kinh tế.
Theo ông Hiền, ngoài số tiền bán lùng từ 25-30 triệu đồng/năm, gia đình ông còn đường Nhà nước chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng 600.000 đồng/ha/năm. Số tiền này tuy không nhiều nhưng phần nào giúp gia đình ông Hiền ổn định cuộc sống, có tiền nuôi các con ăn học.
Cánh rừng lùng ở xã Đồng Văn, huyện Quế Phong. |
Xây dựng chuỗi giá trị bền vững
Năm 2021, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ đã trao Chứng chỉ FSC đã trao chứng chỉ FSC cho nhóm 212 hộ dân trồng và khai thác 938ha rừng lùng tại xã Đồng Văn và Thông Thụ. Đây địa phương đầu tiên của Nghệ An được nhận chứng chỉ này.
Ông Lương Thái Quý – Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết, trước đây cây lùng nhỏ và bị suy thoái, sau khi có dự án, người dân được hướng dẫn chăm sóc đúng quy trình nên cây lùng đem lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với trước.
Bên cạnh đó, cây lùng còn có khả năng chịu hạn tốt và phù hợp với điều kiện địa chất, khí hậu ở vùng núi. Nếu sử dụng kỹ thuật trồng cây đúng cách cũng giúp giảm thiểu tác động của con người đến môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu các vấn đề về khí hậu.
“Lùng là sản phẩm có thế mạnh đối với địa phương, hàng năm mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Khi được cấp Chứng chỉ FSC, địa phương hy vọng đây là một kênh thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo”, ông Quý chia sẻ.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu được làm từ cây lùng. |
Ông Phan Trọng Dũng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết, nhờ có các dự án mà người dân biết cách trồng, chăm sóc và khai thác cây lùng có hiệu quả, không bị tận diệt. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp từ loại cây này cũng mở rộng được thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, cuối năm 2023, diện tích rừng lùng ở xã Đồng Văn và Thông Thụ được cấp Chứng chỉ FSC đã hết hạn (2 năm). Chính quyền địa phương đang hỗ trợ người dân và các tổ chức liên quan làm hồ sơ để đánh giá, cấp lại chứng chỉ này.
Theo ông Dũng, trong thời gian tới huyện Quế Phong sẽ tiếp tục mở rộng diện tích rừng lùng đạt Chứng chỉ FSC tại 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ với diện tích khoảng trên 1.700ha. Qua đó, giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế trên chính quê hương của mình.
Chứng chỉ FSC được cấp bởi Hội đồng Quản lý rừng thế giới (Forest Stewardship Council), nhằm khuyến khích các hoạt động khai thác đi đôi với phát triển bền vững tài nguyên rừng, ngăn chặn việc khai thác rừng bừa bãi.
FSC là chứng chỉ được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương).