Nghệ An: Ban hành Công điện phòng cháy, chữa cháy rừng

UBND tỉnh Nghệ An vừa ký ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, để chủ động các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa cháy rừng, xử lý nghiêm minh các đối tượng gây ra cháy rừng, đồng thời triển khai thực hiện tốt Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 04/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 19/4/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ đã ký ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND. Tại Công điện này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh.

Nghệ An: Ban hành Công điện phòng cháy, chữa cháy rừng - Ảnh 1
Nghệ An ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND, ngày 19/4/2024 về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Nghiêm cấm và đình chỉ tất cả các hoạt động đốt nương làm rẫy, xử lý thực bì trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm về công tác PCCCR, khẩn trương chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Cụ thể, thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác PCCCR, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Thực hiện kiểm tra, rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư; xây dựng phương án PCCCR cụ thể, chi tiết đầy đủ đảm bảo sát thực tiễn, đủ khả năng ứng phó với tình huống cháy rừng xảy ra; chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác PCCCR.

Cùng với đó, tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt thời kỳ cao điểm, các ngày nắng nóng có nguy cơ cháy rừng cao; rà soát, lập danh sách các khu rừng trọng điểm, có nguy cơ cháy cao, bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao (Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, Khu lăng mộ Vua Mai Hắc Đế, Khu lâm viên núi Quyết, Khu vực Đền Cuông…); kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, đảm bảo đầy đủ chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức PCCCR kịp thời, hiệu quả.

Nghiêm cấm và đình chỉ tất cả các hoạt động đốt nương làm rẫy, xử lý thực bì trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao

Khi cháy rừng xảy ra, yêu cầu lãnh đạo địa phương phải kịp thời có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo, điều động lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy chữa cháy. Đối với các khu rừng gần với khu dân cư, kho tàng, khi xẩy ra cháy, phải có phương án sẵn sàng, chủ động di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nghiêm cấm và đình chỉ tất cả các hoạt động đốt nương làm rẫy, xử lý thực bì, các hoạt động khác phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt có thể gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao.

Theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng. Thông tin, báo cáo ngay khi có cháy rừng xảy ra về Chi cục Kiểm lâm. Đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.

Nghệ An: Ban hành Công điện phòng cháy, chữa cháy rừng - Ảnh 2
Tháng 7/2023, một đám cháy lớn kéo dài, thiêu rụi khoảng 20 ha rừng thông tại xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn (Nghệ An).

Xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng không ứng cứu kịp thời, gây ra thiệt hại lớn 

Chủ tịch UBND các địa phương cấp huyện chỉ đạo công tác điều tra nguyên nhân, thủ phạm gây ra cháy rừng, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng không ứng cứu kịp thời, gây ra thiệt hại lớn.

Các địa phương xảy ra cháy rừng trong thời gian qua, khẩn trương tổ chức rút kinh nghiệm để khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện phương án tác chiến chữa cháy rừng tại địa phương, nhất là công tác huy động lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy chữa cháy, chủ động đưa ra giải pháp trong thời gian nắng nóng sắp tới.

UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nhất là các vùng trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, cung cấp thông tin cho các địa phương, chủ rừng và Nhân dân chủ động triển khai các biện pháp phù hợp để PCCCR, nâng cao cảnh giác. Duy trì, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng để thông tin kịp thời trên các phương tiện truyền thông.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra công tác PCCCR. Chỉ đạo rà soát khắc phục ngay những tồn tại trong việc thực hiện phương án PCCCR của địa phương, chủ rừng để phù hợp với tình hình thời tiết nắng nóng hiện nay.

Khi có cháy rừng xảy ra, chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ, đồng thời hướng dẫn các lực lượng, Nhân dân tham gia chữa cháy rừng. Phối hợp với các ngành chức năng khẩn trương điều tra, xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy và xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm và trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng…

Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn và các đơn vị trực thuộc có liên quan chuẩn bị các phương án về lực lượng, phương tiện, dụng cụ tham gia chữa cháy rừng, sẵn sàng phối hợp, ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có yêu cầu. Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an các địa phương phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác khám nghiệm hiện trường, điều tra, thu thập chứng cứ, truy tìm thủ phạm gây ra vụ cháy rừng để xử lý nghiêm đối tượng vi phạm.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh báo cáo Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều động lực lượng, phương tiện, hậu cần của các đơn vị thuộc Quân khu 4 đóng quân trên địa bàn các địa bàn tham gia chữa cháy rừng; chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý đóng quân trên địa bàn chuẩn bị phương án về lực lượng, phương tiện, vật tư chữa cháy rừng, sẵn sàng ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có yêu cầu.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng trực thuộc, đóng quân trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã chuẩn bị lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng, phối hợp với chính quyền các địa phương sẵn sàng ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có yêu cầu.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện đối với các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm đảm bảo từ Ngân sách tỉnh theo phân cấp hiện hành trong khả năng cân đối ngân sách địa phương.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An, Cổng thông tin điện tử tỉnh và các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, truyền thông về bảo vệ rừng và PCCCR; kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và dự báo cháy rừng và định hướng thông tin về các vụ cháy rừng xẩy ra kịp thời và chính xác.

Các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025 được thành lập tại Quyết định số 4064/QĐ- UBND ngày 21/12/2022 của UBND tỉnh thực hiện theo nhiệm vụ và địa bàn được phân công.

Tác giả: Nguyễn Công

Nguồn: kinhtemoitruong.vn