Tim Cook bay thẳng tới Hà Nội: Chiến lược đưa Việt Nam thành nhà lắp ráp lớn nhất của Apple

Ngày 15/4, CEO Apple Tim Cook đã có chuyến viếng thăm bất ngờ tới Việt Nam. Cùng ngày, nhà sản xuất iPhone đã công bố kế hoạch tăng cường chi tiêu tại Việt Nam, cho thấy mức độ quan tâm tới thị trường này, cũng như nỗ lực thúc đẩy doanh số tại các nền kinh tế mới nổi tại Đông Nam Á.

0

Chuyến thăm bất ngờ

Theo truyền thông địa phương, rạng sáng 15/4, CEO Apple đã di chuyển bằng máy bay riêng tới Hà Nội. Theo kế hoạch, ông sẽ có lịch trình khá dày trong hai ngày 15-16/4.

“Không có nơi nào như Việt Nam, một đất nước sôi động và xinh đẹp. Tôi vô cùng hào hứng khi được tới đây kết nối với sinh viên, nhà sáng tạo và khách hàng, hiểu hơn về sự đa dạng trong cách họ sử dụng sản phẩm của chúng tôi để làm nên những điều phi thường”, vị CEO chia sẻ ngay khi vừa đến Hà Nội.

Dự kiến, ông Cook sẽ gặp gỡ nhiều nhà sáng tạo nội dung, lập trình viên và có một số hoạt động liên quan tới giáo dục trong chuyến thăm Hà Nội lần này.

Cùng ngày, Apple công bố kế hoạch tăng cường chi tiêu cho các nhà cung cấp tại Việt Nam, nhưng không nêu chi tiết về số tiền sẽ chi tiêu hoặc số tiền sẽ tập trung vào đâu.

Theo CNBC, chuyến thăm của ông Cook diễn ra vào thời điểm thử thách đối với gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Số liệu do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) công bố ngày 15/4 cho thấy lô hàng iPhone toàn cầu đã giảm 10% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên của năm 2024.

Apple cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường smartphone cao cấp nơi hãng hoạt động, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc. Trong khi đó, tại Việt Nam, Apple đã âm thầm trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ 3 về số lượng xuất xưởng, sau nhà sản xuất điện tử Trung Quốc Oppo và Samsung của Hàn Quốc.

Do đó, chuyến đi này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh số của “ông lớn” smartphone tại Việt Nam – một thị trường mới nổi có lực lương iFan – người hâm mộ iPhone, hùng hậu, cũng như tốc độ công nghệ hoá cao.

CEO Apple Tim Cook tại Hà Nội ngày 15/4. 

Apple đặt cược ngày càng lớn vào Việt Nam

Chuyến đi của ông Cook diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu như một phần trong nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc.

Hơn nữa, theo chiến lược của Apple, Việt Nam sẽ trở thành nhà lắp ráp cuối cùng lớn nhất của hãng. Thị trường này đã nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc trong những năm gần đây, với các nhà cung cấp như Luxshare, Foxconn, Compal và GoerTek đang vận hành các nhà máy sử dụng hơn 150.000 lao động Việt Nam.

“Việt Nam quan trọng đối với Apple không chỉ vì lượng người hâm mộ ngày càng tăng ở đó mà còn vì ngành công nghiệp này đang phòng ngừa rủi ro bằng cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất ngoài Trung Quốc. Điều đó bao gồm các địa điểm quan trọng như Việt Nam, nơi Samsung đã hiện diện từ lâu”, Bryan Ma, phó chủ tịch nghiên cứu thiết bị khách hàng tại IDC, nhận định.

Nhà sản xuất iPhone cho biết đã chi gần 400.000 tỷ đồng (16 tỷ USD) kể từ năm 2019 thông qua chuỗi cung ứng tại Việt Nam và tăng hơn gấp đôi chi tiêu hàng năm tại quốc gia này trong cùng thời kỳ.

“Từ việc hợp tác với các nhà cung cấp địa phương, đến hỗ trợ các dự án nước sạch và các cơ hội giáo dục, chúng tôi cam kết tiếp tục tăng cường kết nối tại Việt Nam”, ông Cook cho biết trong tuyên bố ngày 15/4.

Trước đây, Trung Quốc là địa điểm thống trị đối với các nhà cung cấp của Apple, chiếm 44% đến 47% hoạt động sản xuất của họ trong 5 năm tính đến năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm xuống còn 41% vào năm 2020 và tiếp tục xuống còn 36% vào năm 2021.

Ngược lại, thị phần của Việt Nam lại tăng từ 2,2% lên 3,7% trong cùng thời kỳ. Apple và các đối tác đang tích cực làm việc để đa dạng hóa các khoản đầu tư của họ, trong đó Việt Nam được định vị là một trung tâm sản xuất thay thế.

Theo DigiTimes, Việt Nam sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple. Theo đánh giá của JPMorgan, dự đoán đến năm 2025, Hà Nội sẽ sản xuất 1/5 iPad và Đồng hồ Apple, 5% MacBook và 65% AirPods.

Việt Nam không chỉ đơn thuần là một trung tâm sản xuất mà còn là trở thành thị trường tiêu dùng sôi động. Với việc ra mắt Apple Store trực tuyến tại Việt Nam, Apple đang tích cực tương tác với người dùng Việt Nam, giúp họ mua sản phẩm dễ dàng và cung cấp hỗ trợ khách hàng thông qua đội ngũ nói tiếng Việt. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á thứ 3 cung cấp Apple Pay, càng nhấn mạnh tầm quan trọng của nền kinh tế này đối với gã khổng lồ công nghệ.

Theo danh sách nhà cung cấp của Apple gần nhất được công khai vào năm 2022, hiện có 26 nhà cung cấp với 28 nhà máy tại Việt Nam phục vụ nhu cầu sản xuất thiết bị điện tử của gã khổng lồ công nghệ. Các nhà máy này trải rộng khắp 15 tỉnh thành với phần lớn nằm ở phía Bắc.

Tháng 5/2023, Theo danh sách nhà cung cấp của Apple cho năm 2022, hiện có 26 nhà cung cấp với 28 nhà máy tại Việt Nam phục vụ nhu cầu sản xuất thiết bị điện tử của gã khổng lồ công nghệ. Các nhà máy này trải rộng khắp 15 tỉnh thành với phần lớn nằm ở phía Bắc.

Vào tháng 12/2023, tờ Nikkei đưa tin Apple đang chuyển một số nguồn lực kỹ thuật quan trọng của iPad sang Việt Nam, đa dạng chuỗi sản xuất tại Việt Nam với các sản phẩm MacBook, iPad và Apple Watch.

Những khoản đầu tư đáng chú ý từ nhà thầu của Apple vào Việt Nam

Tháng 6/2023, Compal Electronics, nhà thầu sản xuất quan trọng cho iPad và Apple Watch của Apple, đã có một bước đi quan trọng khi thuê đất để thành lập nhà máy mới tại Việt Nam. Nhà máy tọa lạc tại khu công nghiệp Liên Hà Thái, là một phần của dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD.

Liên doanh này dự kiến ​​sản xuất nhiều loại sản phẩm, bao gồm máy tính, thiết bị liên lạc và linh kiện điện tử, đồng thời dự kiến ​​sẽ tạo ra doanh thu ước tính khoảng 1,2 tỷ USD vào năm 2029 và 6,8 tỷ USD vào năm 2037.

Trước đó, Compal Electronics đã hoạt động tại tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam, sản xuất các sản phẩm của Apple. Việc mở rộng này nhấn mạnh cam kết của họ trong việc nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

Trong khi đó, Foxconn, một trong những nhà thầu lớn nhất của Apple, đang dần chuyển sản xuất iPad và MacBook sang Việt Nam, với hơn 60.000 nhân viên tại thị trường này. Đáng chú ý, Foxconn Industrial Internet (FII), một công ty con của Foxconn, dự kiến ​​sẽ cung cấp máy chủ sản xuất tại Việt Nam dành riêng cho Apple, hỗ trợ phát triển dịch vụ AI của công ty.

Lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa Công ty Cổ phần Green i -Park và Công ty TNHH Compal Electronics Việt Nam, diễn ra vào tháng 6/2023.

Đón “sóng” lớn, Việt Nam cần chuẩn bị những gì?

Trả lời VietnamFinance về chuyến thăm của CEO Tim Cook tới Hà Nội, ông Adam Stitkoff – Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham Hanoi), nhận định: “Apple là một công dân doanh nghiệp tốt và là công ty đi đầu trong việc thúc đẩy tính bền vững và đổi mới thông qua các hoạt động kinh doanh toàn cầu nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng có trách nhiệm và chống biến đổi khí hậu. Chuyến thăm Hà Nội của Tim Cook nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Theo đó, ông Adam Stitkoff cũng cho rằng “Việt Nam cần liên tục đánh giá lợi thế cạnh tranh của mình là gì”, với ưu tiên hàng đầu là nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như thực hành bền vững, cải thiện giấy phép lao động cho kỹ sư nước ngoài.

“Liệu có thể mua năng lượng sạch hay không là vấn đề cân nhắc đầu tư hàng đầu của nhiều công ty. Apple muốn kinh doanh nhiều hơn ở Việt Nam nhưng phải đáp ứng mục tiêu về lượng khí thải carbon của Tim Cook. Việc mở rộng nhanh chóng sẽ là thách thức nếu không có khả năng tiếp cận tốt hơn với năng lượng tái tạo và không có nguồn điện ổn định, giá cả phải chăng, đáng tin cậy và bền vững”, ông Adam nhận định.

Tác giả: Minh Ý

Nguồn: Báo Vietnamfinance