Nghệ An: Đốc thúc kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2024
Ngày 20/02, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An – Tổ trưởng Tổ công tác số 2 của UBND tỉnh đã ký ban hành Kế hoạch số 115/KH-T2 của Tổ công tác về triển khai nhiệm vụ chỉ đạo về lĩnh vực đầu tư công năm 2024.
Theo đó, Tổ công tác sẽ thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra, đốc thúc các địa phương thực hiện khối lượng và giải ngân kế hoạch đầu tư công bắt đầu từ tháng 3/2024. Cùng với đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, các Sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị xã, các Ban Quản lý dự án và các chủ đầu tư định kỳ theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của từng dự án. Bắt đầu từ tháng 4/2024, phối hợp với các chủ đầu tư rà soát, đánh giá khả năng thực hiện và giải ngân cả năm của các dự án. Từ tháng 6/2024, rà soát, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh điều chuyển vốn của các dự án không có khả năng triển khai hoặc triển khai chậm theo quy định.
Sở Tài chính ưu tiên đảm bảo đủ nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhập Tabmis cho các dự án kịp thời để các chủ đầu tư giải ngân vốn. Định kỳ tổng hợp báo cáo gửi UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) tình hình nhập Tabmis của từng dự án và tình hình giải ngân nguồn thu sử dụng đất và nguồn bội chi ngân sách địa phương để theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo.
Kho bạc Nhà nước tỉnh chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với các chủ đầu tư kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh về thủ tục thanh toán để giải ngân vốn kịp thời theo quy định. Phối hợp với Sở Tài chính thực hiện thủ tục kéo dài các dự án theo quy định. Định kỳ tổng hợp báo cáo gửi UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) tình hình giải ngân của từng dự án để theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo.
UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, kịp thời giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc (nếu có) để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công kịp thời.
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành (nhất là Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung ưu tiên xử lý hồ sơ thủ tục liên quan các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao.
Các cơ quan chủ trì tham mưu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh) tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2024 và kế hoạch các năm trước kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024).
Bên cạnh đó, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các Ban quản lý dự án và các chủ đầu tư phải thường xuyên cập nhật các quy định mới trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, đặc biệt là Luật Đấu thầu 2023 và các văn bản hướng dẫn. Đối với các dự án khởi công mới, thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch, để lựa chọn các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công có chất lượng, năng lực và kinh nghiệm. Xây dựng kịch bản, kế hoạch thực hiện và cam kết giải ngân từng tháng của năm 2024 cho từng dự án (bao gồm kế hoạch thực hiện giải phóng mặt bằng, hồ sơ thủ tục, khối lượng thi công…); chịu trách nhiệm và thường xuyên rà soát để kịp thời đề xuất điều chỉnh, điều chuyển đối với số vốn dự kiến không giải ngân hết, báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính theo dõi, tổng hợp. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xử lý, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2024.