‘Việt Nam là điểm đến ổn định trong thế giới bất ổn’
Đó là chia sẻ của nghị sĩ Bernd Lange, chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, trong buổi họp báo ngày 18-1 tại Hà Nội.
Nghị sĩ Bernd Lange đang có chuyến công tác đến Việt Nam và điểm lại một số kết quả sau 3 năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Cùng khoảng thời gian này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đang bắt đầu các chuyến thăm đến Hungary và Romania – hai nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU).
Đẩy nhanh phê chuẩn EVIPA
Khẳng định Thủ tướng Phạm Minh Chính “là một người bạn của châu Âu” và cũng thường xuyên đến với châu Âu, Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier bày tỏ vui mừng và gửi lời chúc chuyến thăm của Thủ tướng đến Hungary và Romania sẽ gặt hái nhiều thành công.
“Cùng với chính phủ Hungary và Romania, Thủ tướng sẽ thảo luận về các khía cạnh khác nhau của Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, hợp tác song phương giữa EU và Việt Nam trong các vấn đề thương mại, kinh tế, hành động về khí hậu cũng như hòa bình và an ninh trên thế giới” – Đại sứ Guerrier nói với Tuổi Trẻ ngày 19-1.
Thời gian qua, Việt Nam không ngừng thúc đẩy các thành viên EU phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA). Hungary là quốc gia đầu tiên trong khối phê chuẩn hiệp định này.
Theo đại sứ Guerrier, EVIPA là một hiệp định rất quan trọng để bảo vệ các khoản đầu tư. Với nguồn đầu tư rất mạnh và sẵn có từ châu Âu tại Việt Nam, ông khẳng định việc thực thi EVIPA sẽ củng cố thêm sự hiện diện và đầu tư của EU tại Việt Nam.
“Hiện đã có 17/27 quốc gia thành viên EU phê chuẩn EVIPA. Vì vậy, cũng như phía Việt Nam, tôi rất mong muốn quá trình phê chuẩn EVIPA được đẩy nhanh và hoàn tất càng sớm càng tốt. Chúng tôi đang nỗ lực làm việc với 10 quốc gia thành viên còn lại để đẩy nhanh quá trình phê chuẩn của họ” – ông nói.
EVFTA đã thành công
Chính thức có hiệu lực từ tháng 8-2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đem đến cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ từ cả hai phía với 99% số dòng thuế được xóa bỏ.
Thuế suất 0% được áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu mà hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản nhiệt đới, đồ gỗ… của Việt Nam; và ô tô, máy móc – thiết bị, rượu bia, dược phẩm, nông sản ôn đới… của châu Âu.
Theo nghị sĩ Bernd Lange, 71% dòng thuế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU, và 65% dòng thuế cho hàng hóa xuất khẩu của EU sang Việt Nam đã được dỡ bỏ. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng 20% sau 3 năm thực thi EVFTA.
“Tôi có thể nói hiệp định này thực sự là một câu chuyện thành công” – ông khẳng định và rất vui mừng vì cả hai bên đã thực sự thực hiện các cam kết, nghĩa vụ của EVFTA.
Nghị sĩ Lange cũng cho biết đã thảo luận với phía Việt Nam về các tiến bộ cần tiếp tục đạt được trong quá trình triển khai EVFTA, chẳng hạn như thúc đẩy quy trình xử lý hồ sơ cấp phép các mặt hàng xuất khẩu sang hai bên thuận lợi, nhanh chóng hơn.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về quan hệ Việt Nam – EU, ông Bernd Lange nhận định Việt Nam đóng vai trò quan trọng ở cả khía cạnh kinh tế lẫn địa chính trị: “Hai nhân tố này dẫn đến sự trao đổi sâu rộng (của EU) với Việt Nam”.
Hiện nay EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam và còn rất nhiều khoản đầu tư khác của EU đang trên đường đến với Việt Nam. “ASEAN rõ ràng là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Và trong khu vực đó, Việt Nam là số 1”, ông Bernd Lange nói.
Thủ tướng hội kiến tổng thống, lãnh đạo Quốc hội Hungary
Sáng 19-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu các hoạt động trong ngày thứ hai thăm chính thức Hungary. Sau khi thăm Công ty dược phẩm Gedeon Richter Plc, Thủ tướng có cuộc hội kiến với Tổng thống Hungary Katalin Novak.
Tại cuộc tiếp, bà Katalin Novak khẳng định Hungary luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất ở khu vực Đông Nam Á và mong muốn quan hệ hợp tác với Việt Nam tiếp tục phát triển sâu rộng trên tất cả lĩnh vực trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, trở thành một mô hình kiểu mẫu trong hợp tác Đông – Tây. Bà cũng chia sẻ những tình cảm đặc biệt dành cho đất nước và con người Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với các nước bạn truyền thống, trong đó có Hungary là đối tác ưu tiên tại khu vực Trung Đông Âu.
Trưa cùng ngày, Thủ tướng đã gặp Phó chủ tịch Quốc hội Hungary Jakab István. Thủ tướng đề nghị Quốc hội Hungary ủng hộ, hỗ trợ chính phủ hai nước triển khai các thỏa thuận hợp tác quan trọng mà hai bên đã đạt được trong chuyến thăm trên nhiều lĩnh vực chính trị.
Nhân dịp này, Thủ tướng chân thành cảm ơn Quốc hội Hungary là quốc hội đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) đã phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), đồng thời đề nghị Quốc hội Hungary thúc đẩy các nước EU còn lại sớm phê chuẩn hiệp định này cũng như ủng hộ việc EC sớm dỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam.
Cuối ngày 19-1, Thủ tướng dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Hungary, thăm và phát biểu chính sách tại Trường đại học Hành chính công quốc gia Hungary. Ông cũng sẽ gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt tại Hungary.