Túi ba gang cũng thua vali, thùng xốp
“Ăn một quả, trả cục vàng/ May túi ba gang, mang đi mà đựng”, lời con chim trong truyện cổ tích xưa những tưởng thế là to tát lắm thì ngày nay, ngẫm ra có vẻ đã lạc hậu. Túi ba gang hẳn cũng “chào thua” những vụ nhận hối lộ hàng triệu USD đựng trong các vali, thùng xốp hiện nay...
Dạo trước, trong chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” có đặt ra câu hỏi: “Trong truyện “Ăn khế trả vàng”, chim thần mách bảo vợ chồng người em trai may túi ba gang để theo chim ra đảo lấy vàng. Giả sử túi ba gang có chiều dài 3 gang, rộng 1 gang, sâu 3 gang và một gang tay dài 20 cm. Cho biết khối lượng riêng của vàng là 19,3g/cm3. Hỏi khi túi căng đầy vàng thì số vàng trong túi nặng bao nhiêu kg?”.
Đây chỉ là câu hỏi mang tính ước lệ để thử hình dung số vàng nhét trong chiếc túi ba gang là bao nhiêu. Người anh trong truyện cổ tích vì tham lam, may hẳn túi 12 gang khiến chim không thể bay nổi, chao đảo làm người anh rơi xuống biển mà chết.
Mấy năm nay, những vụ án đưa, nhận hối lộ đình đám không thấy người ta nói đến vàng, không thấy nói đến túi bao nhiêu gang cả. Chỉ có những thửa đất quy đổi ra vàng, những ngôi nhà quy đổi ra vàng. Tiền hối lộ cũng thay dần những cụm từ vài tỉ hay vài chục tỉ bằng những con số nghe vẻ “Tây hóa”, quy bằng bao nhiêu triệu USD. Số triệu USD ấy không phải bỏ trong túi vải mấy gang mà được mô tả xếp đầy trong vali, trong những thùng xốp.
Những thùng xốp không phải đựng hoa quả, không phải đựng thịt cá như thông thường.
Đó là thùng xốp chất đầy USD và cũng không phải một thùng mà nhiều thùng. Kết luận điều tra vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB cho thấy, bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bị cáo buộc nhận hối lộ “khủng”, phá vỡ mọi kỷ lục được thiết lập trong các vụ án trước đó. Bà Nhàn bị cáo buộc nhận hối lộ từ lãnh đạo Ngân hàng SCB thông qua chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, để bưng bít, bỏ qua các sai phạm tại SCB. Trong thời gian thanh tra, với tư cách là trưởng đoàn, bà Nhàn đã nhiều lần nhận tiền từ SCB thông qua ông Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT), ông Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc) và ông Nguyễn Nam Tuấn (lái xe của ông Văn). Tổng số tiền nhận hối lộ lên tới 5,2 triệu USD, tương đương 118 tỉ đồng.
Trong đó, khoảng tháng 3/2018, ông Thành và ông Văn ra Hà Nội, lên phòng làm việc của bà Nhàn ở trụ sở cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, đưa cho bà Nhàn một túi quả cherry và một túi đựng 200.000 USD. Bà Nhàn mang tiền về cất ở nhà. Từ tháng 10 đến tháng 12/2018 là giai đoạn dự thảo kết luận thanh tra, xin ý kiến các bộ, ngành và sau đó ban hành kết luận thanh tra tại SCB, ông Văn và lái xe Tuấn 3 lần mang các thùng xốp đựng USD để đưa cho bà Nhàn. Trong đó, một lần với thùng xốp đựng 1 triệu USD và sau đó thì 2 thùng xốp đựng 2 triệu USD/thùng. Sau mỗi lần đưa tiền tại nhà riêng, bà Nhàn hỏi thì được cho biết tiền này là của bà Trương Mỹ Lan cảm ơn bà Nhàn vì đã giúp và hỗ trợ cho SCB trong quá trình thanh tra. Nhận tiền được cất đầy trong các thùng xốp, bà Nhàn cho vào thùng khác, cất giấu trong phòng ngủ.
Sau khi vụ án bị khởi tố, khoảng tháng 12/2022, bà Nhàn chia số tiền thành 2 phần, mang 2,6 triệu USD gửi nhờ tại nhà họ hàng ở Nam Định. Số tiền còn lại, bà Nhàn cho vào thùng sắt khóa, mang sang nhà em trai cùng cha khác mẹ cất vào tủ phòng ngủ. Bà Nhàn khóa tủ và cầm chìa khóa. Đáng chú ý, khi tiến hành thanh tra, bà Đỗ Thị Nhàn cùng các thành viên biết rõ thực trạng sai phạm nghiêm trọng của SCB nhưng vì động cơ cá nhân, bà Nhàn đã cố tình che giấu, bưng bít, chỉ đạo cấp dưới dự thảo kết luận thanh tra và báo cáo không trung thực, đầy đủ lên lãnh đạo NHNN và Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho SCB tiếp tục được thực hiện đề án tái cơ cấu.
Vụ án đã phá kỷ lục mà ông Nguyễn Bắc Son nắm giữ lâu nay. Hồi xét xử ông Son, chủ tọa phiên tòa đánh giá “đây là vụ nhận hối lộ lớn chưa từng có trong lịch sử tố tụng!”. Theo cáo trạng, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai nhận trong quá trình thực hiện dự án, ông Phạm Nhật Vũ nhiều lần gọi điện thoại liên lạc, nhắn tin để thúc đẩy nhanh chóng việc mua bán, với mong muốn ông Son chỉ đạo để AVG sớm bán được cổ phần. Sau khi hoàn thành dự án MobiFone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, Vũ đã đến nhà riêng đưa cho ông Nguyễn Bắc Son số tiền 3 triệu USD.
Ông Son đã mang 3 triệu USD lên phòng làm việc tại tầng 2, xếp đầy vào 1 vali du lịch màu đen nhãn hiệu Samsonite và 1 balo du lịch tối màu. Số tiền còn lại xếp vào 1 vali du lịch loại to màu trắng nhãn hiệu Samsonite. Sau khi xếp tiền vào vali, ông Son mang ra ngoài ban công quây kín bằng khung nhôm kính cất giấu. Sau này, những vụ nhận hối lộ triệu USD khác cũng được nhắc đến những chiếc vali như Hoàng Văn Hưng trong vụ “chuyến bay giải cứu”.
Giờ đây, các vụ án nhận hối lộ, con số triệu USD đang trở nên quen thuộc. Người ta không còn lạ lẫm với 1-2 triệu USD, không còn lạ lẫm với những chiếc vali chất ngoại tệ. Nhưng, cái cách mà các cựu quan chức nhận tiền thì mỗi vụ mỗi vẻ và hình ảnh những thùng xốp chứa USD trong vụ cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II vừa phá kỷ lục mới về số tiền nhận hối lộ, vừa gây ngạc nhiên với cái cách người ta chất tiền như chất hoa quả, thịt cá trong thùng xốp.
Tội nhận hối lộ được Nhà nước ta quy định từ rất sớm. Tại Điều 1, Sắc lệnh số 223-SL ngày 17/11/1946 quy định: Công chức nhận hối lộ bị phạt tù từ 5 năm đến 20 năm và phạt bạc gấp đôi tang vật hối lộ. Tang vật hối lộ bị tịch thu sung công, người phạm tội còn có thể bị tịch thu nhiều nhất là đến ba phần tư gia sản. Năm 1985, Bộ luật Hình sự (BLHS) đầu tiên của nước ta được ban hành, trong đó tội nhận hối lộ tại khoản 1, Điều 226 quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền của hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm một việc thuộc trách nhiệm của mình hoặc không làm một việc phải làm, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm… Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân”.
Đến nay, BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017 đã quy định cụ thể, chi tiết tội đưa hối lộ, tương ứng với các khung hình phạt. Người có chức vụ theo Điều 277 BLHS “là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”. Hành vi phải có sự thỏa thuận trước (trực tiếp hoặc qua trung gian) giữa người đưa hối lộ và người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Người có chức vụ, quyền hạn đã đồng ý nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất đó mà không phụ thuộc vào việc trên thực tế đã có việc giao nhận hay chưa. Hình thức của hối lộ có thể là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (vàng bạc, nhà đất…). Khung hình phạt cao nhất quy định tại khoản 4, Điều 354 là phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên.
Quy định là như vậy, tuy nhiên thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy, với mức định lượng nhận hối lộ 1 tỷ đồng, tòa rất khó tuyên trong khung hình phạt cao nhất là tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Như trong phiên tòa “chuyến bay giải cứu”, hầu hết các bị cáo đều nhận hối lộ cao hơn con số 1 tỷ đồng, nếu áp dụng theo khung điều luật này thì các bị cáo đều phải nhận thấp nhất 20 năm tù, cao nhất tử hình. Nhận hối lộ mức cao nhất là bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) với 253 lần, tổng số tiền 42,6 tỷ đồng. Trong phần luận tội, VKS đánh giá bị cáo Kiên nhận hối lộ với “thủ đoạn trắng trợn nhất”, VKS đề nghị tử hình, tòa tuyên phạt tù chung thân. Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan với cáo buộc nhận hối lộ tới 25 tỷ đồng, án phạt chung thân. Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng được xác định nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng, án phạt 16 năm tù. Trong khi những bị cáo nhận hối lộ mức 2-3 tỷ đồng như cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ nhận án phạt 3 năm tù; bị cáo Nguyễn Hồng Hà, cựu Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản án 4 năm tù, cáo buộc nhận hối lộ 2 tỷ đồng…
Theo hội đồng xét xử, tính đến trước thời điểm tuyên án, 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” đã nộp tiền khắc phục hậu quả 130 tỷ đồng và 1,5 triệu USD, riêng nhóm bị cáo nhận hối lộ đã nộp 90 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Phạm Trung Kiên đã nộp 35 tỷ.
Vấn đề đặt ra là trong điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay, việc định khung nhận hối lộ 1 tỷ đồng có thể bị tử hình liệu còn phù hợp? Thực tế, những vụ án lớn bị truy tố gần đây, các quan chức cỡ cấp cục, cấp bộ, cấp phòng, thư ký… thì số tiền nhận hối lộ đã tính bằng hàng triệu USD hay hàng chục tỷ đồng trở lên. Trước 3 triệu USD là “chưa từng có trong lịch sử tố tụng”, nay điều chưa từng có ấy bị thay thế bởi con số 5,2 triệu USD. Và, trong tương lai, chưa biết những kỷ lục nào sẽ thay thế?