Nghệ An: Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút dòng vốn ngoại

Trước sự dịch chuyển làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp FDI, Nghệ An đã có hàng loạt đổi mới trong thu hút đầu tư nước ngoài và đã có nhiều tín hiệu tích cực.

0

Theo đó, tỉnh Nghệ An hiện đã chấp thuận chủ trương đầu tư của Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) để sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn. Được biết, dự án sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn của Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) được tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 22/6/2023 vừa qua.

Theo đó, dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD hiện đang trong quá trình điều chỉnh chứng nhận đầu tư. Nhà máy của dự án có công suất thiết kế gần 40.000 tấn thanh silic/năm, gần 30.000 tấn tấm đĩa bán dẫn/năm. Sản phẩm dịch vụ cung cấp gồm: Thanh silic, đĩa bán dẫn và hoạt động cho thuê nhà xưởng.

Dự án dự kiến hoàn thành các thủ tục để được bàn giao mặt bằng; triển khai xây dựng nhà xưởng và mua sắm máy móc, thiết bị từ tháng 6/2023 đến tháng 10/2023; tháng 11/2023 sẽ sản xuất thử và sản xuất chính thức giai đoạn đầu của dự án; đến tháng 6/2025 đưa toàn bộ dự án vào hoạt động.

Nhà đầu tư của dự án là Công ty con thuộc sở hữu của Tập đoàn Jiangsu Runergy New Energy Technology (Trung Quốc); được thành lập năm 2013, có trụ sở chính tại Diêm Thành, Giang Tô, Trung Quốc và là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời với đội ngũ nhân sự hơn 4.500 người làm việc tại các cơ sở sản xuất, nghiên cứu ở châu Á và châu Mỹ.

Dự án đầu tư sản xuất đĩa bán dẫn tinh thể tại Nghệ An là dự án khởi đầu trong chuỗi kế hoạch đầu tư tại Việt Nam của tập đoàn, với các dự án tiếp theo có thể nâng tổng số vốn đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam lên tới 1,2 – 1,4 tỷ USD.

Có thể nói, Khu công nghiệp Hoàng Mai I nói riêng và thị xã Hoàng Mai nói chung đã và đang từng bước xuất hiện trên bản đồ thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi tìm hiểu và lựa chọn vị trí đầu tư dự án tại Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo số liệu từ ở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An, đến ngày 22/8, tỉnh đã cấp mới cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 4.263 tỷ đồng, nâng tổng số dự án cấp mới từ đầu năm đến nay là 79 dự án. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm từ đầu năm đến nay là hơn 28.834 tỷ đồng, tăng 2,6% về số dự án và tăng 1,4 lần về tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Riêng vốn FDI, từ đầu năm đến 23/8  tỉnh đã thu hút được 890 triệu USD và đang có tín hiệu vượt mốc 1 tỷ USD.  Kết quả nói trên là rất đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong bối cảnh nhiều địa phương gặp khó khăn về thu hút vốn đầu tư.

Dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai I đã hoàn thiện gần như toàn bộ phần kết cấu hạ tầng xây dựng và đã thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài đến với KCN. ảnh BNA.

Từ năm 2019 đến nay, Nghệ An đã thu hút được hơn 1,8 tỷ USD vốn FDI, trong đó có 4 dự án đầu tư lớn thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT với tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD. Lần đầu tiên, trong 8 tháng đầu năm 2022, Nghệ An lọt vào Top 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước.

Hiện, tỉnh này có 115 dự án FDI còn hiệu lực thuộc 14 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đăng ký trên 2,5 tỷ USD. Cùng với những nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đến từ nước ngoài như VSIP, WHA… và thông qua hàng loạt các dự án có nguồn vốn FDI “khủng” được triển khai xây dựng trên địa bàn như Foxconn, Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT… với tổng vốn đầu tư lớn

Ông Nguyễn Đức Trung  Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, trong quy hoạch tỉnh nghệ An giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Nghị quyết đều xác định, Khu kinh tế Đông Nam là một trong 2 động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Khu công nghiệp Hoàng Mai nằm trong khu vực động lực và tăng trưởng nên vai trò và vị trí đều rất quan trọng.

Với việc liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy hoàn thiện hạ tầng giao thông… nhà đầu tư cũng kỳ vọng thời gian tới, Nghệ An tạo môi trường thông thoáng trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, mới đây địa phương này chỉ đạo nghiêm cấm việc cán bộ sách nhiễu, cố tình tự đặt thêm thành phần hồ sơ ngoài quy định cho phép của pháp luật đối với người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh Nghệ An còn yêu cầu các cấp, ngành phải tăng cường các hoạt động kiểm tra nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về chuẩn mực xử sự, thái độ giao tiếp ứng xử, nội quy, giờ giấc làm việc.

Theo ông Nguyễn Đức Trung, 4 năm gần đây, trước sự dịch chuyển làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp FDI, Nghệ An đã có hàng loạt đổi mới trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư; thúc đẩy, hỗ trợ triển khai có hiệu quả các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp; tích cực, chủ động và linh hoạt trong xúc tiến, thu hút đầu tư, thường xuyên quan tâm, hỗ trợ triển khai các thủ tục của các dự án FDI. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của dự án FDI trọng điểm, đã được giảm 2/3 so với thời gian theo quy định.

Tác giả: Minh Tâm – Hà Hằng

Nguồn: nguoiduatin.vn