Việt Nam thiệt hại 1,4 tỷ USD vì thiếu điện

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, phí tổn kinh tế của các đợt mất điện vào tháng 5 và 6 vừa qua là khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP. Qua một khảo sát nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp ở miền Bắc cho biết tổn thất về doanh thu lên đến 10%.

Báo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của WB cho thấy, ước tính ảnh hưởng của các đợt mất điện tháng 5, 6 vừa qua tại Việt Nam lên tới khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP. Căn cứ vào ước thiếu hụt cung đến tháng 6, theo WB, nhu cầu năng lượng không được đáp ứng, tổn thất về doanh thu cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ở mức khoảng 75 triệu USD.

Để giảm nhẹ rủi ro an ninh năng lượng và tổn thất kinh tế trong tương lai, WB khuyến nghị một số giải pháp trước mắt cho Việt Nam, như tránh chậm trễ trong lịch biểu vận hành thương mại các nhà máy điện trong năm 2024 và 2025; xử lý nhanh quy trình phê duyệt và triển khai đầu tư về truyền tải.

Theo WB, Việt Nam cũng cần đa dạng hóa nguồn cung, chuyển từ cơ cấu năng lượng năm 2025 sang dựa nhiều hơn vào nguồn nhập khẩu trong khu vực. Các biện pháp tiết kiệm năng lượng cũng có thể đem lại tác động, nếu thiết lập ngay hệ thống theo dõi và chỉ tiêu bắt buộc theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tăng trưởng GDP đang phụ thuộc nhiều vào khu vực xuất khẩu.

Tăng trưởng năm nay của Việt Nam được dự báo chậm lại, nhưng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nay và những năm tiếp theo. Cụ thể, WB dự báo, kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm 2023, với dự báo phục hồi dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025. Tuy có chững lại, nhưng cầu trong nước dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng chính trong năm 2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến tăng nhẹ từ mức bình quân 3,1% trong năm 2022 lên bình quân 3,5% trong năm nay.

Về động lực tăng trưởng cho thời gian tới, WB đặc biệt nhấn mạnh vào đầu tư công. Tuy nhiên, đầu tư công đang ở mức thấp so với nhu cầu ngày lớn của Việt Nam. Từ năm 2011 đến năm 2022, tỷ lệ chi đầu tư công so với tổng chi ngân sách nhà nước, và so với GDP đã giảm lần lượt từ 27% xuống 20% và từ 8% xuống 6%.

Nhìn chung, nền kinh tế vẫn tương đối thiếu vốn đầu tư, đầu tư công tính trên mỗi đầu người và trên mỗi lao động vẫn thấp hơn nhiều so với mức ở các quốc gia thu nhập trung bình cao và quốc gia thu nhập cao.

Tại Việt Nam, đầu tư công tính trên mỗi đầu người và trên mỗi lao động vẫn thấp hơn nhiều so với mức ở các quốc gia (dữ liệu: WB).

WB cho rằng, Việt Nam còn dư địa tài khóa rộng – nợ công và nợ được khu vực công bảo lãnh đang ở mức 35,7% GDP vào năm 2022, so với ngưỡng nợ 60% do Quốc hội đề ra – và có thể chi đầu tư công nhiều hơn để đẩy mạnh tăng trưởng bền vững

“Mặc dù tăng mức đầu tư là cần thiết, nhưng Việt Nam cũng cần chú trọng tăng hiệu quả, hiệu suất đầu tư công. Trong giai đoạn 2011-2019, nền kinh tế phải bỏ ra đến sáu đồng cho đầu tư mới tạo ra được thêm sản lượng bằng một đồng VNĐ. Chính vì vậy, một USD đầu tư của Việt Nam tạo ra tăng trưởng thấp hơn so với Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan ở thời điểm có cùng mức thu nhập theo đầu người và cùng trình độ phát triển tương đương”, báo cáo của WB cho hay.

WB cũng khuyến nghị Việt Nam thực hiện 5 giải pháp để phát huy hiệu quả của đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đó là cải thiện việc lập kế hoạch và thẩm định dự án đầu tư công; biến chi đầu tư công trở thành công trình hạ tầng hiệu quả; tăng cường quản lý tài sản công, nâng cao hiệu quả thu, chi ngân sách; thiết lập chiến lược, kế hoạch và chương trình đầu tư công phù hợp; cải thiện cơ chế quản lý đầu tư và quan hệ ngân sách giữa các cấp chính quyền theo hướng hiện đại.

Theo Việt Linh

Link gốc: https://tienphong.vn/viet-nam-thiet-hai-14-ty-usd-vi-thieu-dien-post1559172.tpo