Thu hút khách du lịch nước ngoài, thúc đẩy kinh tế phát triển
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Công an chủ trì xây dựng hiện đang được Quốc hội cho ý kiến, xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
Với những chính sách sửa đổi về thị thực, tạo thuận lợi hơn nữa cho du khách nước ngoài đến Việt Nam, dự án Luật nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của dư luận.
Nâng thời hạn thị thực điện tử lên 3 tháng
Dự thảo Luật đã sửa đổi 7 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trong đó sửa đổi các quy định của Luật để tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài xuất nhập cảnh Việt Nam.
Cụ thể, dự thảo Luật đã quy định nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị 1 lần hoặc nhiều lần; mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phù hợp chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Đồng thời, dự thảo Luật cũng đã nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định để tăng cường công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp người nước ngoài vi phạm tại Việt Nam như bổ sung trách nhiệm của cơ sở lưu trú, nghĩa vụ của người nước ngoài trong việc xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú theo quy định; đổi tên Chương VII của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và bổ sung một điều quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan hoạt động của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.
Tác động lan tỏa phát triển kinh tế
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch ủng hộ và đồng tình các chính sách đề xuất tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài.
Các chính sách sửa đổi, bổ sung lần này đã nhằm đúng vào các điểm yếu của chính sách thị thực của Việt Nam. Các chính sách này khi được thông qua và có hiệu lực thi hành chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển ngành Du lịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa đối với du khách nước ngoài khi đến Việt Nam, thu hút nhiều hơn nữa lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam; giúp đa dạng hóa thị trường đối với ngành Du lịch.
Ông Hoàng Nhân Chính phân tích, thời gian qua, Hội đồng tư vấn du lịch đã làm khảo sát đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Kết quả cho thấy, sau đại dịch COVID-19, hành vi của khách du lịch trong nước cũng như quốc tế đều thay đổi. Một trong những đặc điểm thay đổi là khách du lịch có xu hướng đi du lịch theo nhóm nhỏ, hoặc tự đi, ít đi các đoàn với số lượng lớn như trước đây. Quyết định đi du lịch cũng thường nhanh hơn.
Nếu trước đây, khách du lịch nước ngoài thường đặt tour trước 6 tháng hoặc 1 năm thì hiện nay chỉ đặt trước khoảng 3 tuần đến 1 tháng. Khách lựa chọn đi du lịch ít nước hơn và dài ngày hơn, tập trung vào các sản phẩm du lịch mang tính nghỉ dưỡng như nghỉ dưỡng biển, các điểm đến có tính an toàn cao hơn cả về an ninh, dịch bệnh, môi trường…
Sau đại dịch COVID-19, độ dài tour trung bình từ 18-20 ngày, kéo dài hơn so với trước… Nước ta là một trong những nước mở cửa đón khách nước ngoài sớm sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên theo kết quả thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 chỉ đạt khoảng 3,6 triệu du khách so với kỳ vọng đặt ra là 5 triệu du khách. Theo ông Hoàng Nhân Chính, một trong những chính sách có thể có tác động ngay, sớm đối với phát triển du lịch chính là chính sách về thị thực.
Tuy nhiên, thay đổi chính sách về thị thực sẽ có tác động không chỉ đối với ngành Du lịch, còn tác động tốt đến ngành Hàng không, trao đổi thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư của người nước ngoài đối với Việt Nam cũng sẽ tốt hơn. Như vậy, chính sách thị thực không chỉ là chính sách ngắn hạn có tác động ngay đối với ngành Du lịch mà nó còn có tác động lan tỏa để thúc đẩy các ngành kinh tế khác nhau.
Ông Khâu Nghĩa Toàn, Giám đốc Công ty Du lịch Đông Nam Á chia sẻ, đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử lên 90 ngày theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là tín hiệu tốt đối với ngành Du lịch khi chính sách này được thông qua và có hiệu lực thi hành.
Theo đó khách sẽ đến Việt Nam du lịch nhiều hơn, ngành Du lịch dịch vụ cũng sẽ phát triển hồi phục. Thị thực dài sẽ giúp thời gian lưu trú lâu hơn, du khách có thể đi lại nhiều lần, theo đó sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí. Còn ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty Flamingo Redtours cho biết, thời hạn thị thực được nâng lên 90 ngày sẽ tạo những tác động rất tích cực cho cả doanh nghiệp lữ hành và du khách khi có nhu cầu tới Việt Nam.
Ông Hoan đánh giá, đây là mong muốn của cả ngành Du lịch. “Visa như là cái cổng, khi ta mở thì sẽ tạo ra sự thuận lợi, thông thoáng cho cả du khách, ngành Du lịch phát triển. Do vậy, ở góc độ công ty lữ hành chúng tôi kiến nghị các chính sách này nên sớm được áp dụng vào thực tiễn”, ông Hoan cho hay.
Theo: Nguyễn Hương – Lưu Hiệp
Link gốc: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/thu-hut-khach-du-lich-nuoc-ngoai-thuc-day-kinh-te-phat-trien-i695815/