Nhiều bất cập trong pháp luật đất đai từ một vụ phá rừng ở Nghệ An
Liên quan vụ phá rừng vừa xảy ra trên núi Giăng Màn, thuộc xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương (Nghệ An), cơ quan chức năng xác định khu vực bị chặt phá là rừng tự nhiên đã được giao cho ông Cao Trọng Hồng, trú thị xã Thái Hoà, quản lý bảo vệ.
Ông Hồng là người xây dựng công trình trái phép trên đất lâm nghiệp tại đây từ năm 2017. Mặc dù UBND huyện Thanh Chương đã ra quyết định xử phạt hành chính và buộc ông Cao Trọng Hồng phải khôi phục hiện trạng của đất trước khi vi phạm nhưng đến nay, công trình này vẫn chưa bị xử lý.
Điều bất cập khiến dư luận quan tâm là ông Hồng có hộ khẩu thường trú tại thị xã Thái Hòa, tại sao lại được giao quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Thanh Chương?.
Theo quy định, đất lâm nghiệp là của nhà nước, là tài sản công, được cơ quan có thẩm quyền giao cho người dân địa phương để quản lý, bảo vệ… không thu tiền sử dụng đất. Nghĩa là đất lâm nghiệp không được giao cho người có hộ khẩu thường trú ngoài địa phương.
Tuy nhiên, sau khi đã được giao đất, mặc dù không có nhu cầu hoặc khả năng sử dụng, người dân lại chuyển nhượng cho người khác (thường là các đại gia lắm tiền nhiều của ở các địa phương khác nhau) mà không trả lại cho nhà nước.
Vì pháp luật không có quy định cấm chuyển nhượng và không quy định điều kiện đối tượng nhận chuyển nhượng đất lâm nghiệp, nên trong nhiều năm qua, nhiều người ngoại huyện, ngoại tỉnh đã mua hàng ngàn ha đất rừng từ người dân địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Sau khi mua được đất lâm nghiệp, nhiều chủ đất rừng đã tìm cách chuyển đổi sang các loại hình chăn nuôi, kinh doanh du lịch…, trong đó có nhiều người dân xây dựng các công trình trái phép, không phép. Việc làm nói trên dẫn đến tài nguyên của quốc gia bị thất thoát, nhiều người thu lợi rất lớn trên tài sản công.
Vấn đề quản lý đất nông nghiệp cũng tương tự. Đất trồng lúa, đất nông nghiệp, là của nhà nước, địa phương giao cho dân không thu tiền để sản xuất, khi giao phải xem xét đối tượng cụ thể. Nhưng sau khi được cấp sổ đỏ, nhiều hộ không sử dụng đã cho người khác thuê lại, hoặc chuyển nhượng (bán) cho cá nhân khác, doanh nghiệp.
Do đó, đã xảy ra tình trạng nông dân cần đất để sản xuất thì không có đất, còn người không làm nông nghiệp thì lại có quyền sử dụng đất công được cấp để cho thuê hoặc bán lấy tiền. Khi những người này qua đời thì con cháu được hưởng thừa kế, cho dù con cháu không làm nghề nông.
Việc thiếu chặt chẽ, nhất quán trong các quy định về pháp luật đất đai như trên dẫn đến tài nguyên đất đai bị thất thoát, gây bất bình đẳng trong quyền tiếp cận đất đai của người dân và làm đội vốn, chậm trễ các công trình, dự án công cộng cần thu hồi đất.
Do đó, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần xem xét điều chỉnh, bổ sung các quy định trong pháp luật về đất đai, bảo đảm sự thống nhất, chặt chẽ, tôn trọng quyền của người sử dụng đất nhưng phải đặt quyền lợi của tập thể, địa phương, quốc gia lên trên hết, không cho phép bất cứ cá nhân nào trục lợi từ tài nguyên quốc gia.
Theo Quang Đại
Link gốc: https://laodong.vn/ban-doc/nhieu-bat-cap-trong-phap-luat-dat-dai-tu-mot-vu-pha-rung-o-nghe-an-1186786.ldo