Danh sách các doanh nghiệp đưa hối lộ vụ trong vụ án ‘chuyến bay giải cứu’
Theo cơ quan điều tra, khi bị yêu cầu hoặc bị gây khó dễ để được phê duyệt, tổ chức chuyến bay, các đại diện doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau trực tiếp hoặc qua trung gian đưa hối lộ số lượng tiền rất lớn cho những người có nhiệm vụ, quyền hạn.
Liên quan đến vụ án “chuyến bay giải cứu”, kết luận điều tra của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa ban hành cho thấy, có hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước nhưng thực tế chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp triển khai sau khi được duyệt.
Cơ quan điều tra cho rằng, để doanh nghiệp được tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước phải qua nhiều bước, nhiều công đoạn khác nhau theo trình tự thủ tục như: Có văn bản chấp thuận của Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ; có văn bản chấp thuận chủ trương cách ly y tế của UBND các tỉnh…
Song song với đó, doanh nghiệp còn phải ký hợp đồng đặt cọc tiền thuê tàu bay với hãng hàng không, ký hợp đồng thuê khách sạn… Do vậy, nếu không được Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ và địa phương chấp thuận chuyến bay và chủ trương cách ly y tế theo dự kiến thì doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại lớn về tài chính.
“Tại thời điểm đó, cũng vì dịch bệnh COVID-19 nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không có nguồn thu, không có việc làm khác, trong khi họ vẫn phải chi phí tiền thuê mặt bằng, trả lương cho nhân viên. Vì vậy, khi bị yêu cầu hoặc bị gây khó dễ để được phê duyệt, tổ chức chuyến bay các đối tượng đại diện doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau, trực tiếp hoặc qua trung gian, đưa tiền số lượng lớn cho những người có nhiệm vụ, quyền hạn”, kết luận nêu.
Đưa hối lộ số tiền ‘khủng’
Trong số các đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ, có bị can Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhật Minh. Cơ quan điều tra cáo buộc, Nghĩa đã liên hệ, đặt vấn đề và đưa hối lộ tổng cộng tổng cộng hơn 5,2 tỷ đồng và 185.500 USD (tương đương 4,4 tỷ) cho 8 cá nhân, trong đó có cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận 40.000 USD; cựu cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan 20.000 USD và cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam 60.000 USD và 450 triệu đồng.
Bị can Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng giám đốc Công ty Bluesky. Do cùng góp vốn để kinh doanh, điều hành hoạt động của công ty nên cả hai thống nhất chi hối lộ tổng hơn 38 tỷ đồng cho 13 cá nhân, để được cấp phép thực hiện các chuyến bay giải cứu. Điển hình trong số bị can nhận hối lộ từ Sơn và Hằng có Phạm Trung Kiên, thư ký thứ trưởng Bộ Y tế nhận 6 tỷ đồng; cựu Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam Trần Văn Tân nhận 5 tỷ đồng.
Bị can Hằng còn chi hơn 2,6 triệu USD để nhờ Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó giám đốc Công an Hà Nội kết nối ‘chạy án’ giúp khi bị điều tra.
Bị can Võ Thị Hồng, Giám đốc Công ty Minh Ngọc và bị can Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Vitrato, đưa hối lộ cho cựu cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan 20.000 USD; hối lộ Đỗ Hoàng Tùng (thuộc cấp của Hương Lan) 25.000 USD. Toàn vụ án, cơ quan chức năng cáo buộc Hồng đưa hối lộ tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng; Tuấn hối lộ hơn 7,4 tỷ đồng.
Bị can Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty An Bình, đưa hối lộ hơn 34,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Mơ còn khai đưa tiền cho một số cá nhân khác, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang làm rõ.
Các bị can Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Hoàng Long Luxury đưa hối lộ hơn 27 tỷ đồng; Vũ Thùy Dương, Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt đưa hối lộ hơn 24 tỷ đồng và Hoàng Anh Kiếm, đưa hối lộ hơn 22 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Thị Tường Vy, Giám đốc Công ty ATA đưa hối lộ hơn 11,8 tỷ đồng.
Bị can Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty Masterlife, đưa hối lộ hơn 8,1 tỷ đồng.
Các bị can Nguyễn Thị Hiền, lao động tự do, hối lộ 4,1 tỷ đồng; Lê Thị Ngọc Anh, nhân viên Vụ Lễ tân Ban đối ngoại Trung ương, hối lộ 5,5 tỷ đồng và 91.500 USD; còn bị can Phạm Thị Kim Ngân, công tác tại Tạp chí Thanh tra Chính phủ, môi giới giúp Ngọc Anh đưa hối lộ 86.500 USD.
Bị can Phạm Bích Hằng, Phó giám đốc Công ty Du lịch quốc tế, hối lộ gần 1,2 tỷ đồng; bị can Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế và bị can Phạm Bá Sơn, nhân viên Công ty Thái Hòa, cùng đưa hối lộ gần 800 triệu đồng. Riêng Phạm Minh Tuấn còn bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt hơn 5,6 tỷ đồng.
Bị can Đào Minh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun, đưa hối lộ hơn 3,5 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Thị Dung Hạnh, Giám đốc Công ty G19, đưa hối lộ hơn 3 tỷ đồng.
Bị can Phan Thị Mai, Giám đốc Công ty Sao Hà Nội đưa hối lộ tổng cộng hơn 2,3 tỷ đồng.
Bị can Vũ Minh Thắng, Giám đốc Công ty Thuận An, đưa hối lộ hơn 2,1 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Công ty Sang Trọng và bị can Trần Hồng Hà, Giám đốc Công ty Sao Việt, cùng đưa hối lộ hơn 1,6 tỷ đồng.
Bị can Trần Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Phi Trường, hối lộ hơn 600 triệu đồng.
Bị can Tào Đức Hiệp, Giám đốc Công ty Công đoàn Đường sắt, hối lộ 21.000 USD cho ba cá nhân có thẩm quyền.
Bị can Đào Thị Chung Thủy, lao động tự do, hối lộ 18.900 USD cho bị can Lý Tiến Hùng, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga.
Cuối cùng là bị can Trần Thị Hà Liên, lao động tự do, có hành vi mối giới trung gian đưa hối lộ 5,5 tỷ đồng cho các cá nhân có thẩm quyền xin cấp phép cho Công ty Skyone, Công ty ATA và Công ty Việt Nam Travelmart. Hiện Trần Hà Liên đang bỏ trốn, cơ quan điều tra đã tách vụ án, xử lý sau.
Theo Hoàng An – Minh Đức
Link gốc: https://tienphong.vn/danh-sach-cac-doanh-nghiep-dua-hoi-lo-vu-trong-vu-an-chuyen-bay-giai-cuu-post1523720.tpo