Nghệ An: 9 tháng đầu năm 2022, giải ngân đầu tư công chỉ đạt 33,94%

Sốt ruột với tốc độ giải ngân “rùa bò”, Nghệ An đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thủ tục cũng như tiến độ giải ngân đầu tư công năm 2022 chậm.

Qua 9 tháng của năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Nghệ An mới đạt 33,94%. Từ nay đến cuối năm, Nghệ An tiếp tục đốc thúc bằng nhiều giải pháp để tỷ lệ giải ngân vốn đạt tối thiểu 50%.

Giải ngân nhỏ giọt

Chỉ còn chưa đến 3 tháng nữa là kết thúc năm 2022, song theo số liệu trong buổi họp báo quý 3 ngày 13/10 từ Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Nghệ An, tính đến cuối tháng 9, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý mới giải ngân được 33,94%.

Cũng theo Sở này, năm 2022, Nghệ An được giao kế hoạch vốn đầu tư công tập trung 7.124,7 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương hơn 5.566 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 1.557 tỷ đồng. Tỉnh đã phân bổ chi tiết cho 201 dự án với số vốn hơn 5.801 tỷ đồng, còn hơn 1.322 tỷ đồng chưa được giao chi tiết cho các chủ đầu tư.

Qua 9 tháng của năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Nghệ An mới đạt 33,94%

Đến ngày 10/9, tổng vốn đầu tư công tập trung của tỉnh đã giải ngân hơn 2.119 tỷ đồng, đạt 29,74%; nếu không tính các khoản chưa phân bổ chi tiết (bao gồm nguồn chương trình mục tiêu quốc gia và vốn chuẩn bị đầu tư nguồn ngân sách địa phương) kết quả giải ngân đạt 36,52%; kế hoạch vốn kéo dài đã giải ngân hơn 360 tỷ đồng, đạt 13,3%. Hiện trong kế hoạch, vẫn còn gần 1.323 tỷ đồng chưa được giao chi tiết, trong đó có trên 1.295 tỷ đồng Chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo thống kê, tính đến ngày 10/9, tỉnh Nghệ An có 18/21 huyện, thành phố, thị xã và 28/44 chủ đầu tư giải ngân dưới mức bình quân chung. Trong đó, 15 đơn vị chủ đầu tư và 61/201 dự án chưa thực hiện giải ngân. Tỷ lệ giải ngân chung của toàn tỉnh chỉ đạt 36,52%, nếu tính cả giải ngân nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia (giao vốn trong tháng 5/2022) thì tỷ lệ giải ngân chỉ mới đạt 29,7%.

Đến hết năm 2022, dự kiến có 27 dự án không giải ngân hết, với số vốn hơn 560 tỷ đồng. Một số đơn vị có vốn lớn và nhiều dự án giải ngân dưới 50%, gồm khối huyện, thành, thị: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương và Diễn Châu; khối ngành: Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, có 4 dự án trọng điểm tiến độ giải ngân chậm: Dự án Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (giai đoạn 2); Dự án đường ngang N5 trong Khu kinh tế Đông Nam; Dự án đường ngang N2 trong Khu kinh tế Đông Nam; Dự án đường giao thông nối quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ).

Cũng theo số liệu tỉnh Nghệ An công bố, có 14 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân gồm: Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nghệ An, Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Tây Bắc Nghệ An, Công ty TNHH Thuỷ lợi Phủ Quỳ, Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An, trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Nghệ An, Sở Nội vụ, trường Đại học Y khoa Vinh, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An…

Nhìn nhận và đánh giá những nguyên nhân, hạn chế, tồn tại trong về vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan thì một số sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, một số đơn vị năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu, lựa chọn tư vấn chưa đảm bảo năng lực. Công tác chuẩn bị đầu tư còn hạn chế, chuẩn bị dự án không kỹ, không sát, hồ sơ thủ tục chậm. Về giải phóng mặt bằng có những nguyên nhân khách quan nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan, các địa phương cần quan tâm và xác định mặt bằng phải đi trước một bước…

Lý giải cho tình trạng này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An – ông Nguyễn Xuân Đức cho biết, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chậm, tỷ lệ đạt thấp là do giá của các loại vật liệu xây dựng tăng đột biến; quy trình thực hiện thủ tục đối với các công trình khởi công mới và công trình chuyển tiếp có gói thầu mới mất nhiều thời gian; nguồn vốn kéo dài từ các năm trước sang năm 2022 giải ngân chậm; các dự án ODA còn nhiều vướng mắc…

Một nguyên nhân nữa dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công là một số chủ đầu tư, ngành, huyện chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Năng lực một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu tư vấn, xây lắp, giám sát… chưa đáp ứng yêu cầu.

Đốc thúc mạnh việc giải ngân

Trong năm 2022, để đốc thúc công tác giải ngân, UBND tỉnh Nghệ An đã bám sát các văn bản chỉ đạo từ Trung ương, đồng thời ban hành nhiều văn bản đôn đốc, thành lập đoàn kiểm tra, làm việc với địa phương để hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc… về việc giải ngân. Song các giải pháp mà chính quyền tỉnh Nghệ An đề ra từ đầu năm chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Trước tình trạng có tiền mà không tiêu được lặp đi, lặp lại nhiều năm, tại cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – ông Nguyễn Đức Trung cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ đốc thúc mạnh mẽ việc giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, lãnh đạo tỉnh đã đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện. Mục tiêu cao nhất là phải hoàn thành Nghị quyết 124 về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 mà Chính phủ vừa mới ban hành.

Chủ tịch UBND nhấn mạnh chỉ tiêu giải ngân đầu tư công phải đưa vào kết quả đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng để gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời Sở Kế hoạch và Đầu tư phải đôn đốc các chủ đầu tư cam kết về mặt tiến độ; kịp thời báo cáo các vướng mắc, hạn chế và tham mưu hướng giải quyết. Những chủ đầu tư nào không đảm bảo đúng tiến độ, có thể thay thay thế… Đề nghị Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước cùng phối hợp để giám sát tiến độ giải ngân thực tế.

Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với 3 ngành chủ trì là Nông nghiệp, Lao động – Thương bình và Xã hội, Ban Dân tộc cùng rà soát và hoàn thành giao vốn, chậm nhất trước ngày 30/9. Trên cơ sở đó, tham mưu ban hành quy định để phân cấp, phân quyền trong quản lý vốn, quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Cố gắng đến cuối năm phải hoàn thành giải ngân được 50% nguồn vốn đầu tư công của các chương trình mục tiêu.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An – ông Lê Hồng Vinh cho rằng, để đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân đầu tư công, cần xây dựng tiến độ chi tiết của từng dự án theo các mốc thời gian cụ thể; rà soát đánh giá lại năng lực của nhà thầu, đơn vị tư vấn; nghiệm thu theo tuần, theo tháng để giải ngân tốt hơn và thường xuyên báo cáo giám sát đầu tư để điều chỉnh giá, tránh thất thoát, lãng phí, quản lý dự án tốt hơn; chủ động đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt, cần mạnh dạn điều chỉnh những chủ đầu tư không đủ năng lực, kinh nghiệm; không giao làm chủ đầu tư các dự án cho những đơn vị này những năm tiếp theo. Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Hồng Vinh không vì tiến độ giải ngân mà làm ẩu, không đảm bảo chất lượng công trình.

Chỉ ra nguyên nhân khó tiêu tiền ở các dự án đầu tư công, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện còn thiếu quyết liệt. Các cơ quan chủ quản phải tăng cường giám sát chủ đầu tư về tình hình giải ngân. Đặc biệt người đứng đầu đơn vị chủ quản phải trực tiếp chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, đơn vị mình và chịu trách nhiệm trước cấp trên.

Theo Hoàng Trinh

Link gốc: https://congthuong.vn/nghe-an-9-thang-dau-nam-2022-giai-ngan-dau-tu-cong-chi-dat-3394-223241.html