Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhằm thảo luận, góp ý kiến về một số dự án luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.
Ngày 28-3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 3, để cho ý kiến về 4 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc xây dựng, hoàn thiện, đồng bộ thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là 1 trong 3 đột phá chiến lược trong phát triển đất nước nhanh và bền vững đã được đề ra từ Đại hội Đảng lần thứ XI và tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII và cho cả giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo, định hướng cho hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV. Trong đó, đặt ra yêu cầu Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị thế trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; đẩy nhanh tốc độ và chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá cho phát triển kinh tế – xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành kế hoạch số 81 để triển khai thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó, xác định 137 nhiệm vụ lập pháp với 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, huy động quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp thứ 3 sắp tới có nội dung trọng tâm về công tác lập pháp. Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương tổng hợp, nghiêm túc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội…
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc chuẩn bị kỹ lưỡng các dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua nhằm bảo đảm chất lượng cao nhất cho các dự án luật, đồng thời có thể tiết kiệm tối đa thời gian họp tại kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt, then chốt, phát huy bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết.
Đồng thời, thảo luận, tranh luận để thể hiện rõ chính kiến, có phân tích sâu sắc, lập luận thuyết phục, phản biện tích cực về các vấn đề của dự thảo luật cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện, đảm bảo chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3.
Qua xem xét, nghiên cứu kết quả tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến góp ý của nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc và lựa chọn 4 dự án Luật gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) để thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này.
Các dự thảo Luật này đã được nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua, bước đầu có chỉnh sửa, tiếp thu, chỉnh lý, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong những phiên họp gần đây. Đây là những dự án luật nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận và đại biểu Quốc hội, có nhiều quy định mới, đối tượng chịu ảnh hưởng rộng, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, cần được tiếp tục cân nhắc, vì vậy rất cần sự đóng góp ý kiến của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Cụ thể, đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, những vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ…
Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp tháng 3-2022 với nhiều vấn đề cần được thảo luận kỹ hơn như hậu kiểm phim phát hành trên Internet, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Với Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), vẫn còn những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau như bổ sung danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”, “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, vấn đề khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách…
Đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), vấn đề cần nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa là về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, nội dung về bảo hiểm vi mô và một số vấn đề khác.
Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được tổ chức để tiếp thu nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội, góp phần tạo cơ sở hoàn thiện, nâng cao chất lượng các Dự án Luật trước khi trình Quốc hội.
Theo Minh Chiến (NLĐ)
Link gốc: https://nld.com.vn/thoi-su/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-du-hoi-nghi-dai-bieu-quoc-hoi-hoat-dong-chuyen-trach-20220328105744883.htm