Lương nhà nước 10 triệu/tháng cũng chỉ ngang thu nhập lao động trình độ thấp

Sớm cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cấp bách được ĐBQH Tạ Thị Yên đưa ra để giữ chân cán bộ, công chức, viên chức trước thực trạng nhiều người "bỏ công sang tư" hiện nay.

0

Trao đổi với VietNamNet, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tạ Thị Yên – ĐBQH tỉnh Điện Biên bày tỏ “thực sự rất đáng tiếc” trước tình trạng cán bộ, công chức, viên chức khu vực công nghỉ việc chuyển sang khu vực tư, đặc biệt là với ngành y tế và giáo dục.

Đặc biệt, đây là với nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản về chuyên môn, đã được tuyển chọn kỹ càng ở đầu vào, đã nhiều năm công tác nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế.

“Với khát vọng phát triển, lấy người dân là trung tâm của phục vụ của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng cao, trong đó có lĩnh vực giáo dục, y tế càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết”, bà Yên nhấn mạnh.

ĐBQH Tạ Thị Yên – Phó Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tuy nhiên, nữ đại biểu tỉnh Điện Biên cũng nhìn nhận một thực tế, việc lựa chọn công việc theo đúng ngành nghề được đào tạo và được trả lương xứng đáng là một nhu cầu tự nhiên của mỗi người lao động kể cả khu vực công hay khu vực tư. Khi môi trường và khả năng làm việc tốt hơn thì hiệu quả, năng suất đóng góp cho toàn xã hội cũng sẽ cao hơn.

“Sự chuyển dịch lao động cũng có những mặt tích cực, cũng như là sự vận hành phù hợp với cơ chế thị trường, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa khu vực công và khu vực tư trong việc thu hút nhân tài bằng những cơ chế chính sách về lao động tiền lương hợp lý”, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu nói.

Lương công chức 10 triệu chỉ bằng lương lao động tay nghề thấp

Theo bà, đâu là nguyên nhân khiến nhiều cán bộ, công viên chức rời bỏ khu vực công sang khu vực tư?

Tôi cho rằng, nguyên nhân chính là do chính sách tiền lương ở khu vực công hiện nay còn thấp, không bảo đảm đời sống. Bên cạnh đó, làm việc trong khu vực công có những áp lực, đòi hỏi ràng buộc riêng. Mức độ đãi ngộ chưa tương xứng trong giai đoạn vừa qua, nhất là giai đoạn cao điểm của dịch bệnh covid-19 đối với ngành y tế và phần nào ở ngành giáo dục càng cho thấy rõ điểm này.

Trong khi đó, khu vực tư nhân có điều kiện môi trường làm việc tốt hơn, sẵn sàng tuyển lựa những người đã có kinh nghiệm làm việc trong khu vực công chuyển sang với mức lương hấp dẫn hơn nhiều lần và nhiều đãi ngộ về vật chất, cơ hội học tập và thăng tiến.

Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII cũng nêu rõ, chính sách tiền lương trong khu vực công “chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động”.

Ông bà ta đã đúc kết “có thực mới vực được đạo”. Để cán bộ, công viên chức yên tâm làm việc thì chuyện lương bổng là yếu tố rất quan trọng. Vậy với mức lương cán bộ, công viên chức (đã có thâm niên) chỉ trên dưới 10 triệu như hiện nay, liệu có quá thấp so với yêu cầu của cuộc sống?

Chắc chắn 10 triệu đồng một tháng là mức lương không cao, thậm chí chỉ là mức lương cho lao động tay nghề thấp ở khu vực tư nhân. Nếu tính cả những nhu cầu chính đáng như tiền học cho con, mua xe máy để đi lại, hay khám chữa bệnh và cuối cùng là mua nhà thì mức lương đó là rất thấp.

Một số chuyên gia đã từng đưa ra bài toán giả sử hộ gia đình trẻ có tổng thu nhập 20 triệu/tháng muốn mua căn hộ 70m2, đơn giá khoảng 20 triệu đồng/m2, giá nhà khoảng 1,5 tỷ tại Hà Nội thì cần 20 năm để trả hết nợ để mua nhà, trong trường hợp sử dụng 50% thu nhập để trả nợ và lãi suất vay ngân hàng trung bình ở mức 10%/năm như hiện nay.

Loại bỏ tâm lý vào nhà nước vì “món màu mỡ” ngoài lương

Cũng có ý kiến băn khoăn rằng, nếu nói lương thấp tại sao vẫn có nhiều người tìm cách, thậm chí là “chạy chọt” để vào làm việc trong cơ quan nhà nước?

Tôi cho rằng, đây là động cơ không trong sáng của một số người. Họ cho rằng được vào làm việc trong cơ quan nhà nước sẽ có “chỗ dựa” ổn định với chế độ “biên chế trọn đời”. Đáng chú ý là còn có tư tưởng vào nhà nước để “thăng quan tiến chức”.

Họ cho rằng khi đã vào nhà nước rồi, kể cả không thích làm việc thì cũng không ai đuổi được và dễ dàng tạo dựng các mối quan hệ, có thời gian nhàn hạ để làm việc cá nhân khác kiếm ra tiền.

Đây chính là nguyên nhân khiến cho nhiều người biết rằng mặc dù tiền lương thấp nhưng vẫn muốn được vào làm việc trong cơ quan nhà nước, thậm chí nhiều người tìm mọi cách “chạy chọt” để vào nhà nước.

Một lý do khác, đó là một bộ phận do năng lực chuyên môn, trình độ yếu kém không thể trụ được ở khu vực tư nhân muốn vào Nhà nước để “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.

Tuy nhiên, phải khẳng định, vẫn có nhiều người vào làm việc trong cơ quan nhà nước với mong muốn thực sự cống hiến, phụng sự đất nước và người dân, tiếp nối truyền thống của gia đình.

Còn một khi đã “chạy chọt” để vào nhà nước thì đó là hành vi tiêu cực, cần phải được lên án mạnh mẽ. Để tránh tình trạng này, cần có cơ chế chính sách tiếp tục đổi mới hình thức tuyển dụng vào công chức nhà nước, thống nhất trong việc kiểm định chất lượng đầu vào, việc thi tuyển phải đảm bảo công khai, minh bạch, tránh hình thức hóa trong công tác thi tuyển.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế mạnh mẽ, nghiên cứu đổi mới bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, để kịp thời sàng lọc, loại bỏ những cán bộ, công chức năng lực yếu kém. Từ đó loại bỏ tư tưởng trì trệ, an phận thủ thường đối với những công, viên chức lười, chây ì trong bộ máy.

Thực tế cũng không ít tư tưởng nghĩ rằng vào cơ quan nhà nước sẽ được hưởng nhiều đãi ngộ khác ngoài lương, thậm chí với một số vị trí, “món” ngoài lương này còn màu mỡ hơn. Thực tế làm công tác liên quan đến cán bộ thời gian qua, bà thấy thế nào?

Thời gian qua, có hiện tượng cán bộ, công chức hưởng lương từ NSNN để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp nhưng đã lợi dụng vị trí công tác, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thu lợi bất chính.

Cụ thể là, khi giải quyết công việc gây khó dễ, sách nhiễu để được “bồi dưỡng, bôi trơn”. Có những trường hợp cán bộ, công chức bị xử lý vì hành vi tham nhũng cho thấy số tiền tham nhũng được gấp nhiều lần lương. Nhiều cán bộ cao cấp cũng đã bị kỷ luật, bị truy tố trách nhiệm hình sự về hành vi này ở mức xử lý rất cao với án phạt tù lên tới 20-30 năm thậm chí là chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, có nhiều trường hợp cán bộ, công chức có mức sống, tài sản cao hơn rất nhiều so với thu nhập mà không chứng minh được nguồn gốc của tài sản hay giải thích về nguồn gốc của tài sản thiếu thuyết phục.

Đây chính là nguyên nhân gây nên tư tưởng cho rằng vào cơ quan nhà nước sẽ được hưởng nhiều đãi ngộ khác ngoài lương, thậm chí với một số vị trí, “món” ngoài lương này còn màu mỡ hơn lương.

Tuy nhiên đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” ở một số ít vị trí liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp cộng thêm việc kiểm soát quyền lực thiếu chặt chẽ và sự tha hoá, biến chất của cán bộ, công chức mới gây nên tình trạng trên. Còn đa phần cán bộ, công chức chỉ đơn thuần là được trả lương phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước.

Tôi tin tưởng rằng với những đổi mới trong công tác quản lý nhà nước như chuyển đổi số, số hóa, dần dần tất cả quy trình, thủ tục sẽ trở nên minh bạch hơn, công khai hơn và sẽ còn không tâm lý vào nhà nước để trông chờ vào “món màu mỡ” ngoài lương.

Cải cách tiền lương sớm ngày nào tốt ngày đó

Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII về cải cách tiền lương được kỳ vọng là một trong những giải pháp căn cơ để cán bộ, công viên chức “sống được bằng lương”. Tuy nhiên do tác động của dịch bệnh, 2 năm qua vẫn chưa thể thực hiện được việc này. Đến nay, theo bà đã là thời điểm chín mùi để cải cách tiền lương giữ chân cán bộ công viên chức gắn bó với khu vực công?

Việc cải cách tiền lương, gắn liền với việc xác định vị trí công tác là rất quan trọng, làm sớm được ngày nào tốt ngày đó. Do điều này có liên quan đến các cân đối lớn của nền kinh tế nên các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan sẽ phải cân nhắc.

Tuy nhiên, trong bài toán chi phí-hiệu quả thì tăng lương chắc chắn phải gắn với tinh giản biên chế và tăng cường chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức Nhà nước.

Quy mô của nền kinh tế và thu NSNN tăng dần qua các năm cũng có thể được sử dụng cho việc tăng lương. Bên cạnh đó là công tác chống thất thu ngân sách và thực hành tiết kiệm chi, chống lãng phí.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần tham khảo thêm cách tính và chi trả lương của khu vực tư nhân trong việc trả lương ở khu vực công. Chẳng hạn như việc áp dụng chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI), các mô hình quản lý hữu hiệu lĩnh vực công của các nước có cùng điều kiện, hoàn cảnh…

Đồng thời, nghiên cứu thêm một số chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức ngoài chế độ tiền lương như: Chính sách vay ưu đãi mua nhà, mua xe, bảo hiểm… mà nhiều nước trên thế giới hiện nay đã áp dụng.

Cộng thêm cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, chế tài xử lý đủ sức răn đe để cán bộ, công chức “không muốn, không dám và không thể” tham nhũng. Bởi nếu bị thôi việc thì sẽ không được hưởng các chính sách đó nữa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của bản thân và gia đình.

Một điều nữa là cần có chính sách khen thưởng thỏa đáng trên cơ sở đánh giá công bằng những đóng góp, thành tích của cán bộ, công chức trong suốt quá trình cống hiến khi công tác.

Theo Thu Hằng

Link gốc: https://vietnamnet.vn/luong-nha-nuoc-10-trieu-thang-cung-chi-ngang-thu-nhap-lao-dong-trinh-do-thap-2055382.html?utm_source=coccoc&utm_medium=ccnews