70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Chiến dịch Điện Biên Phủ là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) của Việt Nam. 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng của quân dân ta tạo nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

0

Lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của QĐND Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, ngày 7/5/1954. (Ảnh: tư liệu).

Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã mở nhiều chiến dịch lớn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được động viên và phát huy. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, sức mạnh đó đã được phát huy ở mức cao nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp hậu phương – tiền tuyến

Bên cạnh tinh thần đại đoàn kết và những đóng góp sức người, sức của to lớn cho chiến dịch, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam còn được thể hiện ở tinh thần quyết chiến, quyết thắng; đặc biệt là các chiến sĩ xung kích ngoài mặt trận, trực tiếp chiến đấu với quân thù. Đảng ta đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời yêu cầu của bộ đội trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch.

Thông qua các đợt học tập, chỉnh quân chính trị, phát động căm thù, đặc biệt là sau khi được học tập, quán triệt các mệnh lệnh của cấp trên về tăng cường ý thức chấp hành kỷ luật chiến trường, thực hiện tốt nhiệm vụ và kế hoạch tác chiến chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, tinh thần quyết chiến, quyết thắng được nâng cao trong cán bộ, chiến sĩ, tạo nên ưu thế tuyệt đối về sức mạnh chính trị, tinh thần, góp phần làm nên thắng lợi.

Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của quân dân ta không chỉ thể hiện ở sự đoàn kết giữa các dân tộc mà còn thể hiện ở sự đoàn kết, chi viện giữa các vùng, miền, các địa phương trong cả nước; sức mạnh của các tầng lớp Nhân dân, đoàn thể, các tôn giáo, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích; là sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam chiến đấu theo mục tiêu lý tưởng của Đảng dưới ngọn cờ mặt trận đoàn kết.

Với Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân ta ở khắp các địa phương trên cả nước, đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai và Nhân dân, buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó.

Bên cạnh đó, các lực lượng thanh niên, phụ nữ khắp mọi miền đất nước tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh chính trị, “phá tề trừ gian”, binh, địch vận…

Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch dài ngày, nơi tập trung những nỗ lực cao nhất của cả hai bên. Chính vì vậy, đây là cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ với nhiều mất mát, hy sinh. Nhưng dưới sự lãnh đạo, giáo dục, tổ chức và rèn luyện của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguồn sức mạnh tinh thần vô địch của dân tộc đã được khơi dậy, chuyển hóa thành sức mạnh vật chất để chiến thắng kẻ thù.

Sự hy sinh to lớn của quân dân Tây Bắc

Tải gạo phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh: tư liệu).

Tải gạo phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh: tư liệu).

Trận quyết chiến Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, xa hậu phương, có nhiều đèo cao, vực sâu, mạng lưới giao thông chiến lược hầu như chưa có. Trong khi đó, miền Tây Bắc vừa được giải phóng, kinh tế còn chậm phát triển, đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy, để bảo đảm một khối lượng lớn vật chất hậu cần, kỹ thuật cho một chiến dịch lớn chưa từng có và diễn ra dài ngày là điều cực kỳ khó khăn, đòi hỏi phải phát huy cao độ bản lĩnh và trí tuệ của cả dân tộc.

Với tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, cộng đồng các dân tộc Tây Bắc đã có những hy sinh, đóng góp trực tiếp vào Chiến thắng Điện Biên Phủ. Quân và dân các dân tộc Tây Bắc đã làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp hòng chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết giữa các dân tộc. Âm mưu của địch càng thâm độc, hành động của địch càng dã man; thì lòng căm thù của Nhân dân các dân tộc càng sục sôi, ý chí chiến đấu vì độc lập càng nhân lên gấp bội.

Nhân dân Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương tại chỗ của mặt trận Điện Biên Phủ. Cuộc chiến đấu đã diễn ra vô cùng gay go và quyết liệt. Bộ đội địa phương, dân quân du kích và đồng bào các dân tộc Tây Bắc, không chỉ tích cực phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực, mà còn huy động tối đa sức người, sức của phục vụ cho chiến dịch.

Ở nhiều nơi do địch đánh phá, để có lương thực kịp thời nuôi bộ đội, đồng bào đồng ý giao cả những rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị tự thu hoạch rồi sau ghi số lại. Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn giã gạo vào cả ban đêm cho bộ đội, điều mà trước đó theo phong tục lâu đời rất kiêng kỵ. Chỉ có sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ, đồng bào mới sẵn sàng đóng góp cho chiến dịch như vậy.

Trong điều kiện bị địch đánh phá ác liệt và trong hoàn cảnh khó khăn nhiều mặt lúc đó, sự tham gia chủ động, tích cực, toàn diện cho mặt trận Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời tinh thần yêu nước và cách mạng, tinh thần đoàn kết vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Với niềm tự hào chính đáng đó, quân và dân các dân tộc Tây Bắc sẽ phát huy truyền thống Điện Biên Phủ trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa quê hương, đất nước ngày hôm nay.

Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, tính chung trong chiến dịch, Nhân dân ta đã đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thô, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền.

Lam Hạnh / Baophapluat