2 địa phương kiến nghị bỏ ngưỡng 0 trong xử lý vi phạm nồng độ cồn

Ngoài cử tri, UBND hai tỉnh cũng có kiến nghị về quy định ngưỡng 0 trong xử lý vi phạm nồng độ cồn.

0
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: Xuyên Đông

Như Lao Động đã thông tin, cử tri Hòa Bình phản ánh, theo quy định của pháp luật thì không có mức tối thiểu cho nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Đây là quy định khá nghiêm khắc trong luật, áp dụng để ngăn chặn tình trạng sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông với tỉ lệ tuyệt đối mà không có nới lỏng về ngưỡng giới hạn bị xử phạt.

Thực tế cho thấy, việc quy định tuyệt đối mà không có ngưỡng giới hạn tối thiểu nồng độ cồn bị xử phạt như hiện nay là rất khó khăn cho người dân và lực lượng chức năng trong thực thi công vụ.

Nhiều trường hợp người dân có sử dụng rượu bia từ trưa hoặc tối hôm trước nhưng khi kiểm tra nồng độ cồn thì đa số vẫn còn nồng độ cồn trong máu và hơi thở nên các trường hợp này sẽ bị xử phạt theo quy định.

Từ thực tiễn này, cử tri đề nghị điều chỉnh, sửa đổi theo hướng có quy định giới hạn mức nồng độ cồn tối thiểu khi tham gia giao thông.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều đơn vị cũng kiến nghị bỏ ngưỡng 0 trong xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Cho ý kiến về dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông, 2 địa phương cũng kiến nghị bỏ quy định ngưỡng vi phạm nồng độ cồn bằng 0.

UBND tỉnh Thanh Hóa bày tỏ, Khoản 1 (Điều 8) quy định về hành vi “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Theo quy định này được hiểu là nồng độ cồn trong máu ở mức trên 0 miligam/100 mililit máu hoặc trên 0 miligam/1 lit khi thở là đã vi phạm.

Dự thảo Luật không quy định cụ thể nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở ở mức bao nhiêu thì vi phạm là chưa phù hợp với thực tiễn.

Vì vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét quy định cụ thể nội dung này.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, Khoản 1 (Điều 8) đề nghị bổ sung nội dung “vượt quá mức quy định” vào cuối câu, viết lại thành “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định”.

Theo đó, cần quy định mức tối thiểu nhằm bảo đảm các quyền cơ bản của công dân (thực tế một số thực phẩm có thể tạo ra nồng độ cồn nhưng không ảnh hưởng tới hành vi, năng lực của người điều khiển phương tiện giao thông). Đồng thời, bổ sung khoản quy định “Chính phủ quy định chi tiết Khoản 1 Điều này”.

Tiếp thu, giải trình, ý kiến UBND tỉnh Thanh Hóa và UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Công an cho biết, việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở không có nồng độ cồn đang thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là rất hiệu quả, phòng ngừa tai nạn giao thông.

Được biết, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dự kiến sẽ thông qua vào tháng 5.2024.

Tác giả: Hiếu Anh

Nguồn: laodong.vn