Nghệ An quyết tâm ‘làm sạch’ ma túy tại các địa bàn biên giới

UBND tỉnh Nghệ An vừa có Công văn số 3354/UBND-NC ngày 13 tháng 5 năm 2022 về việc tăng cường công tác phòng, chống, đấu tranh “làm sạch” ma túy tại địa bàn các xã biên giới trên địa bàn tỉnh.

0

Trong đó nêu rõ: Thời gian qua, các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tại các xã biên giới vẫn diễn biến phức tạp.

Hiện nay, 27/27 xã biên giới có ma túy, trong đó có nhiều xã trọng điểm phức tạp về ma túy; số người nghiện ma túy còn nhiều; hoạt động của tội phạm liên quan đến các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy tiềm ẩn nguy cơ cao; các đối tượng phạm tội về ma túy thường trung chuyển ma túy từ Lào vào địa bàn tỉnh, đi các địa phương khác tiêu thụ (qua theo dõi, 80% lượng ma túy thu giữ được trên địa bàn tỉnh có nguồn gốc thẩm lậu qua biên giới Việt – Lào)…

Các đối tượng trong đường dây vận chuyển 150 bánh heroin và tang vật. Ảnh tư liệu: Trọng Tuấn

Để tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy tại địa bàn 27 xã biên giới, “làm sạch” ma túy trên tuyến biên giới giáp Lào, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các xã biên giới, ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

Công an tỉnh

– Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng (Bộ đội Biên phòng, Hải quan) tiếp tục tăng cường triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy nói chung, trong đó, ưu tiên lực lượng, phương tiện, biện pháp triển khai công tác “làm sạch” ma túy tại 27 xã biên giới, bảo đảm tiến độ Đề án xây dựng “xã biên giới sạch về ma túy” trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong năm 2022.

Đại tá Nguyễn Đức Hải-PGĐ Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo quá trình tấn công các tụ điểm ma túy tại Quế Phong vào rạng sáng 20.4. Ảnh: Vương Linh.

– Chủ động tham mưu, huy động các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ công tác phòng, chống ma túy; phối hợp Sở Tài chính tham mưu kinh phí hỗ trợ công tác “xây dựng xã biên giới sạch về ma túy” tại 27 xã biên giới.

Ra mắt mô hình xã sạch ma túy ở Nậm Càn ( Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Tình Dương

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:

– Triển khai thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện tại các huyện biên giới, trong đó, phối hợp với lực lượng Công an các cấp có cơ chế ưu tiên đối với công tác tiếp nhận đối tượng cai nghiện bắt buộc của các xã biên giới theo hướng hỗ trợ tiếp nhận “trái tuyến” đối với các trường hợp người nghiện tại 27 xã biên giới đưa vào cai nghiện trong các cơ sở cai nghiện xa địa bàn cư trú, cách ly, vô hiệu hóa việc người nghiện liên hệ với các đối tượng khác.

Tiêm thuốc cắt cơn giải độc cho người nghiện ma túy tổng hợp tại Trung tâm LĐXH TP. Vinh. Ảnh tư liệu

– Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế và các sở, ngành có liên quan hướng dẫn, thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn có liên quan (trước mắt, sớm tham mưu văn bản hướng dãn quy trình thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng).

Dạy nghề mộc mỹ nghệ cho học viên cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục – Lao động – Xã hội huyện Tương Dương. Ảnh tư liệu

– Chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quan triển khai các giải pháp tăng cường công tác giáo dục, dạy nghề cho người nghiện ma túy; công tác tái hòa nhập cộng đồng, quản lý sau cai nghiện và tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại các xã biên giới, hạn chế thấp nhất khả năng tái nghiện.

Đối với Sở Y tế UBND tỉnh yêu cầu: Chủ trì, phối hợp với các ngành và UBND 06 huyện biên giới ưu tiên lực lượng, phương tiện triển khai điều trị nghiện đối với các đối tượng nghiện thuộc địa bàn 27 xã biên giới.

Tiến hành rà soát, nắm tình hình và bổ sung, hỗ trợ cho lực lượng y tế làm công tác cai nghiện tại địa bàn các huyện, xã biên giới; nhất là ưu tiên hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị y tế, dụng cụ test thử ma túy… cho các cơ sở có chức năng xác định tình trạng nghiện tại địa bàn các huyện, xã biên giới.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

– Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông phòng, chống ma túy tại địa bàn các xã biên giới. Huy động lực lượng, phương tiện kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở tại các xã biên giới, đấu tranh quyết liệt với các đường dây, ổ nhóm tội phạm trên tuyến biên giới.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn tuần tra trên các đường mòn, lối mở. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Hải quan trong triển khai các phương án nghiệp vụ nhằm “làm sạch” ma túy tại địa bàn xã biên giới. Chủ động triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về kiểm soát và đấu tranh với tội phạm ma túy qua biên giới với các lực lượng chức năng của Lào phía đối biên.

Cục Hải quan tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị chức năng tại các cửa khẩu tăng cường kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ tội phạm ma túy. Thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng trong triển khai các phương án nghiệp vụ, đấu tranh, bắt giữ tội phạm ma túy tại cửa khẩu.

Lực lượng chức năng kiểm tra tang vật trong một chuyên án ma túy. Ảnh: Hải Thượng

Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh: Chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp với Cơ quan điều tra các cấp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án về ma túy tại tuyến biên giới; phối hợp trong công tác lập hồ sơ cai nghiện, xét xử bảo đảm kịp thời, đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, tại mỗi huyện biên giới, phối hợp với lực lượng Công an lựa chọn và tổ chức ít nhất 01 phiên tòa lưu động để răn đe tội phạm và tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân tại các xã biên giới.

Xét xử lưu động các đối tượng liên quan đến mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy tại xã Keng Đu, Kỳ Sơn. Ảnh: Đài truyền hình Kỳ Sơn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo rà soát, đánh giá việc triển khai các chính sách phát triển kinh tế – xã hội tại địa bàn các xã biên giới; trên cơ sở đó, có cơ chế ưu tiên trong triển khai các chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nhất là ưu tiên vay vốn, hỗ trợ con giống, cây trồng, tạo việc làm… cho nhân dân tại các xã biên giới, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, loại bỏ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm ma túy.

Ban Dân tộc tỉnh: Tăng cường triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã biên giới, nhất là đối với những địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

– Đối với MTTQ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, UBND tỉnh đề nghị:

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân tại các xã biên giới tích cực tham gia phòng, chống ma túy, tố giác tội phạm về ma túy; xây dựng, củng cố, duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình, phần việc, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống ma túy; chỉ đạo các cấp Hội phối hợp lực lượng Công an các cấp làm tốt công tác cai nghiện ma túy, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy sau cai.

Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh trao 20 suất quà cho các học viên rèn luyện tốt trong thời gian qua. Ảnh: Thanh Quỳnh

Tăng cường các hoạt động giám sát các cơ quan, tổ chức, địa phương trong công tác thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống ma túy tại địa bàn các huyện, xã biên giới, kịp thời kiến nghị các giải pháp phù họp, hiệu quả phòng, chống ma túy tại địa bàn xã biên giới.

UBND các huyện Thanh Chưong, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong:

– Tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn huyện nói chung và tại địa bàn các xã biên giới nói riêng; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, “làm sạch” ma túy tại các xã biên giới của các ngành, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp, nhất là người đứng đầu.

Ra mắt mô hình xã biên giới sạch ma túy ở Hạnh Lâm (Thanh Chương). Ảnh: Đức Vũ

– Rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại các xã biên giới; ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho công tác “làm sạch” ma túy và ưu tiên triển khai các chính sách xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện để phát triển sản xuất, hỗ trợ nguồn vốn, con giống… cho các đối tượng yếu thế, đối tượng có nguy cơ phạm tội, đối tượng chấp hành xong án phạt tù, đối tượng sau cai nghiện… tại các xã biên giới.

Đặc biệt, việc triển khai chính sách phải gắn với thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách tại từng địa bàn cấp xã bảo đảm thực chất, phù hợp với đặc điểm tình hình và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Bàn giao xe cho 27 xã biên giới. Ảnh tư liệu: Đặng Cường

UBND tỉnh cũng yêu cầu Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An: Tăng thời lượng đưa tin, phát sóng, bài viết tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy tại địa bàn 27 xã biên giới; tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống ma túy, tuyên truyền “gương người tốt, việc tốt”, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống ma túy tại 27 xã biên giới.

Ngày 7/4/2022, Giám đốc Công an tỉnh đã ký Quyết định số 318/QĐ-CAT-PV01 về việc ban hành Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy” trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đề án triển khai tại 27 xã biên giới thuộc 6 huyện biên giới Nghệ An gồm: Anh Sơn (xã Phúc Sơn), Thanh Chương (gồm 5 xã: Ngọc Lâm, Thanh Sơn, Thanh Đức, Hạnh Lâm, Thanh Thủy), Tương Dương (gồm 4 xã: Tam Quang, Tam Hợp, Mai Sơn, Nhôn Mai), Con Cuông (gồm 2 xã: Môn Sơn, Châu Khê), Kỳ Sơn (gồm 11 xã: Nậm Cắn, Nậm Càn, Mỹ Lý, Bắc Lý, Na Loi, Na Ngoi, Tà Cạ, Đoọc Mạy, Keng Đu, Mường Ải, Mường Típ), Quế Phong (gồm 4 xã: Tri Lễ, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Thông Thụ). Đề án thực hiện từ ngày 15/4/2022 đến hết năm 2022, được chia làm 3 giai đoạn.

Theo Khánh Ly/Báo Nghệ an

Link gốc: https://baonghean.vn/nghe-an-quyet-tam-lam-sach-ma-tuy-tai-cac-dia-ban-bien-gioi-306715.html