Giá vàng tăng điên cuồng, vì sao chưa ‘xóa sổ’ chính sách độc quyền?

Sau một ngày giá vàng lên đỉnh trên mốc 80 triệu đồng/lượng, sáng nay vàng SJC tiếp tục lập lại đỉnh này. Giá vàng chênh với thế giới hơn 19 triệu đồng/lượng. Theo các chuyên gia, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước nên nhập khẩu vàng tăng nguồn cung để hạ nhiệt giá vàng, đồng thời cho phép nhập vàng để kéo khoảng cách giữa vàng trong nước và thế giới gần nhau.

0

Lấy lại mốc 80 triệu đồng/lượng

Sau phiên mở cửa giao dịch sáng 27/12, giá vàng miếng SJC liên tục điều chỉnh tăng lên mức 79,7 triệu đồng/lượng rồi nhanh chóng lên mốc 80 triệu đồng/lượng bán ra vào lúc 9h30.

Theo đó, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết 78,3 – 80 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra. Chênh lệch mua vào, bán ra lên tới 1,7 triệu đồng/lượng.

Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng bám sát khi đưa vàng SJC lên mức 79,95 triệu đồng/lượng bán ra. Theo đại diện doanh nghiệp này cho biết, sáng 27/12, ghi nhận lượng mua vào chiếm 55% còn lượng bán ra chiếm 45%.

Vàng miếng SJC 2 ngày đều cán mốc 80 triệu đồng/lượng (ảnh: Duy Phạm).

Trao đổi với PV Tiền Phong, ngày 27/12, ông Trần Việt Dũng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng – cho biết, chỉ thời gian ngắn vừa qua, thị trường chứng kiến sự tăng giá chóng mặt của giá vàng, đặc biệt 2 hôm nay, giá vàng miếng lập đỉnh trên 80 triệu đồng/lượng, mức cao chưa từng có trong lịch sử, cao hơn giá vàng thế giới khoảng 19 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước với giá vàng thế giới liên tục tăng những ngày gần đây, khi giá vàng miếng tăng mạnh hơn nhiều so với giá quốc tế.

Theo ông Dũng, giá vàng thế giới đang ở trong một môi trường thuận lợi hỗ trợ xu hướng tăng giá, với tín hiệu giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) từ 2024, theo đó, USD và lãi suất trái phiếu của Mỹ giảm. Căng thẳng địa chính trị cũng khiến nhà đầu tư trên thế giới lo âu hơn, và gia tăng nắm giữ kim loại quý này. Một lực đẩy quan trọng khác đến từ việc các Ngân hàng Trung ương trên thế giới tích cực gia tăng mua vào, đặc biệt năm 2022 ghi nhận hơn 1.100 tấn mua vào tương đương 30% tổng sản lượng vàng sản xuất trên toàn thế giới.

Người dân đổ xô đi mua bán vàng ngày 26/12 (ảnh: Duy Phạm).

Ông Dũng cho rằng, hiện trong nước bối cảnh lãi suất tiết kiệm tiền đồng xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua, thị trường chứng khoán nhiều biến động, bất động sản trầm lắng nên người dân thường có xu hướng mua vàng để đảm bảo giá trị tài sản. Bên cạnh, giai đoạn cuối năm là thời điểm nhu cầu mua tích trữ vàng tăng cao, trong khi nguồn cung vàng SJC chỉ quanh quẩn trong dân và doanh nghiệp mà không được sản xuất thêm dẫn đến việc giá vàng tăng mạnh trong thời gian qua và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2024.

Tuy nhiên, ông Dũng lưu ý, chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và thế giới đã lên tới 19 triệu đồng/lượng (cao hơn mức giá vàng đạt đỉnh vào tháng 3/2022 là 17 triệu đồng/lượng) nên đà tăng nóng trong thời gian qua của giá vàng sẽ có khả năng chững lại khi tâm lý chốt lời của những người nắm giữ vàng sẽ ngày càng gia tăng.

Can thiệp thị trường bằng cách nào?

Trước sự tăng giá của vàng SJC, nhiều chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên đấu thầu cung vàng ra thị trường để bình ổn thị trường. Việc đấu thầu vàng Ngân hàng Nhà nước đã dừng cách đây gần 10 năm. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng.

PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế – nhận định, việc độc quyền cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Cụ thể, người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác mà họ đã mua nắm giữ từ bao lâu với giá rẻ hơn vàng SJC, mặc dù chất lượng như nhau.

“Chính sách độc quyền vàng gây thiếu nguồn cung, làm cho thị trường bị đẩy nóng lên, gây bất lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế” , ông Long nêu quan điểm.

Theo chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh Ngoại hối, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng mà không nên tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông Long đặt vấn đề trước hết cần cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên vật liệu để sản xuất vàng. “Nếu để doanh nghiệp tự xuất và nhập khẩu vàng thì luồng vàng ra – vào Việt Nam sẽ nhanh hơn, cân bằng được giá trong nước với giá thế giới ”, ông Long nói.

Việc độc quyền cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng.

Từng trao đổi về vấn đề kinh doanh độc quyền vàng trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng lý giải, trước đây thị trường vàng gây nhiều hệ lụy, bất ổn nền kinh tế nên Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 với chủ trương chống vàng hóa.

Trong đó, Nghị định 24 có chính sách quan trọng là Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá tình hình sản xuất vàng miếng, có rất nhiều thương hiệu khác nhau song SJC chiếm trên 90% trên thị trường.

Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc lựa chọn thương hiệu nào để sản xuất, lựa chọn thương hiệu riêng hay chọn thương hiệu khác. Tuy nhiên, sau khi phân tích đánh giá lợi ích, chi phí, nếu chọn một thương hiệu riêng của Ngân hàng Nhà nước hoặc một thương hiệu khác thì người dân sẽ chuyển đổi vàng đang chiếm 90% trên thị trường sang thương hiệu khác.

Việc này mất rất nhiều chi phí của xã hội vào việc không cần thiết. Chính vì vậy, sau Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước sản xuất vàng miếng nhưng thuê SJC gia công, dưới sự quản lý chặt chẽ của đơn vị này.

Bà Hồng cũng khẳng định, với vai trò quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ sẵn sàng điều tiết giá vàng nếu thấy cần thiết, tuy nhiên chỉ trong trường hợp cần thiết mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp.

Tác giả: Ngọc Mai

Nguồn: tienphong.vn