Ông Tập có quan hệ thân thiết với Việt Nam

Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 đến 13-12. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của ông trên cương vị người đứng đầu Trung Quốc.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư – Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đi dạo trên con đường xoài nối liền giữa Phủ chủ tịch và khu di tích nhà sàn Bác Hồ vào tháng 11-2017 – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Vượt qua mối quan hệ vừa đồng chí vừa láng giềng giữa Việt Nam và Trung Quốc, cá nhân Chủ tịch Tập Cận Bình có mối quan hệ thân thiết đặc biệt với Việt Nam.

“Định vị mới”, “tầm mức mới”

Năm 2017, ông Tập chọn Việt Nam là điểm đến nước ngoài đầu tiên sau khi ông tái đắc cử chức vụ tổng bí thư Trung Quốc ở Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX.

Còn năm 2022, ông Tập đã mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Trung Quốc ngay sau khi đắc cử nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba.

Vào thời điểm đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XX của Bắc Kinh.

Với chuyến thăm sắp tới, ông Tập có tổng cộng ba chuyến thăm Việt Nam kể từ khi ông trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đến thăm Trung Quốc ba lần vào các năm 2015, 2017 và 2022.

Chuyến đi của ông Tập diễn ra ngay sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi đầu tháng 12 này, trong đó ông Vương ca ngợi “lý tưởng giống nhau và cùng chia sẻ tương lai” giữa hai nước.

Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ gặp những nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và “thảo luận về việc đưa quan hệ Việt – Trung lên một vị trí cao hơn”.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước chuyến thăm, Trung Quốc và Việt Nam nhất trí “tăng cường sự đoàn kết, hữu nghị và tăng cường hợp tác cùng có lợi là vì lợi ích chung của cả hai bên”.

Lãnh đạo hai nước dự kiến thảo luận về việc nâng cấp quan hệ Việt – Trung, cụ thể tập trung vào sáu lĩnh vực chính bao gồm chính trị, an ninh, hợp tác thiết thực, hỗ trợ công, các vấn đề đa phương và hàng hải.

Còn theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ, chuyến thăm sắp tới của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ kỳ vọng về một “định vị mới” và “tầm mức mới” của quan hệ song phương Việt – Trung với những hợp tác mang tính thực chất và có hiệu ứng lan tỏa đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân.

Các ông lớn công nghệ để mắt Việt Nam

Trong thời gian qua, quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước ngày càng trở nên sâu sắc và là một trong những khía cạnh mang tính thực chất, có hiệu ứng lan tỏa cao.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong gần 20 năm qua và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Còn đối với Trung Quốc, Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu trong số các quốc gia trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Không xét đến Đài Loan và Hong Kong, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc trên thế giới chỉ đứng sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tính từ khi hai nước thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện từ năm 2008 đến nay, kim ngạch thương mại song phương tăng 9 lần, từ 20 tỉ USD năm 2008 lên gần 180 tỉ USD năm 2022.

Còn nếu nhìn lại thời điểm hai nước bắt đầu bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, kim ngạch thương mại đã tăng hơn 5.600 lần từ con số nhỏ nhoi 32 triệu USD.

Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Theo số liệu thống kê chính thức của Việt Nam, chỉ tính riêng trong 11 tháng đầu năm 2023, số vốn đầu tư đăng ký từ Trung Quốc và Hong Kong cộng lại đã tăng tới 8,2 tỉ USD, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế vì đại dịch.

Điều này khiến họ trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, vượt qua Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản. Chỉ nếu tính riêng Trung Quốc đại lục, số vốn đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam trong năm 2023 đứng thứ ba tại Việt Nam.

Còn nếu tính trong khoảng thời gian 15 năm qua thì đầu tư của Trung Quốc đại lục vào Việt Nam tăng hơn 10 lần, từ mức lũy kế 2 tỉ USD vào năm 2008 lên mức 25 tỉ USD hiện nay.

Điều đáng chú ý trong mối quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước, các “ông lớn” sản xuất công nghệ của Trung Quốc bắt đầu chú ý tới Việt Nam như một thị trường đầu tư thu hút.

Hai nhà sản xuất pin và hệ thống lưu trữ năng lượng hàng đầu Trung Quốc dự kiến đầu tư hơn 1 tỉ USD xây dựng nhà máy mới và mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Doanh nghiệp công nghệ lưu trữ năng lượng Hithium (Xiamen Hithium Energy Storage Technology), có đại bản doanh tại thành phố Hạ Môn, có kế hoạch đầu tư khoảng 900 triệu USD vào một nhà máy ở tỉnh Hải Dương, trong khi Tập đoàn Growatt New Energy đang mở rộng nhà máy tại thành phố cảng Hải Phòng với số vốn ước tính 300 triệu USD.

Chuyến thăm lần này của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng mang ý nghĩa thiết lập khuôn khổ tổng thể cho quan hệ Việt – Trung trong những năm sắp tới.

Thời gian qua hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đối thoại và hợp tác ở Biển Đông, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau trong nhiều vấn đề như củng cố và xây dựng đảng, chống tham nhũng, hướng dẫn dư luận quần chúng, hợp tác trong các vấn đề tam nông, nâng cao quản trị xã hội trong thời đại thông tin và ủng hộ quan điểm của nhau trong các diễn đàn đa phương.

Chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập tới Việt Nam vào cuối năm 2023 sẽ là một cái kết đẹp cho một năm ngoại giao sôi động của Việt Nam vì một đất nước hòa bình và phồn vinh.

                                                            15

Chuyến thăm của ông Tập mang ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với quan hệ giữa hai đảng cộng sản mà còn đối với quan hệ giữa hai nước, khi nó đánh dấu kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.

Tác giả: TS Nguyễn Thành Trung

Nguồn: tuoitre.vn

Ông Tập Cận BìnhThăm Việt Nam