‘Đã tới lúc bỏ độc quyền vàng miếng’

Bỏ độc quyền là giải pháp dài hạn, được nhiều chuyên gia ủng hộ để giá vàng miếng không còn “đắt” một cách vô lý so với thế giới.

Trước 2012, chính sách quản lý thông thoáng khiến vàng miếng từng được xem là hàng hóa thông thường, thậm chí dần trở thành phương tiện thanh toán trong nước. Thời điểm đó, các giao dịch vay mượn, trả nợ hay mua nhà, xe… cũng được nhiều người dân quy đổi ra vàng.

Việc cho các ngân hàng thương mại huy động và cấp phép các sàn mọc lên, khiến tình trạng “vàng hóa” càng mất kiểm soát. Nhiều sàn vàng trong nước môi giới, tổ chức các sàn giao dịch mini làm chân rết cho sàn lớn, liên kết với nhau làm giá, đầu cơ trên thị trường.

Chính sách quản lý vàng bị buông lỏng, khiến thị trường lộn xộn. Năm 2010-2011, Việt Nam chứng kiến cơn “sốt” khi người dân đổ xô mua vàng lúc giá thế giới biến động mạnh.

Cơn sốt vàng từng khuynh đảo thị trường tài chính năm 2011. Ảnh:Hoàng Hà.

Để chấm dứt tình trạng này, Nghị định 24 ra đời năm 2012. Kể từ đó, Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, chọn SJC – đơn vị chiếm trên 90% thị phần vàng miếng – làm thương hiệu quốc gia. Từ 9 thương hiệu vàng miếng được cấp phép, thị trường chỉ còn một loại hợp pháp duy nhất.

Đồng thời, việc dừng hoạt động huy động, dẹp bỏ các “sàn” vàng sau đó, cũng loại bỏ rủi ro khỏi hoạt động của các ngân hàng.

Chính sách này đã thay đổi căn bản thị trường trong chục năm qua. Mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng thu hẹp dần, từ 12.000 doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh xuống còn khoảng 2.600 địa điểm thuộc 37 ngân hàng, doanh nghiệp, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước. Thị trường không còn tình trạng bất ổn như trước đây, “vàng hóa” cũng được hạn chế.

Trong chục năm qua, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép sản xuất thêm vàng miếng, cũng không cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng để sản xuất trang sức mỹ nghệ. Máy móc của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) – đơn vị được thuê gia công, dập vàng miếng – được niêm phong suốt thập kỷ qua. Tuy nhiên, chính sách “cấm cửa” kéo dài hơn một thập kỷ, dần bộc lộ những bất cập.

Vàng miếng ngày càng “đắt” so với thế giới

Từ 2013, giá vàng miếng thường chênh lệch vài triệu, thậm chí có những lúc thấp hơn cả kim loại quý trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, vào những thời điểm nhu cầu trong nước đi lên, giá vàng miếng ngày càng lệch quỹ đạo, đặc biệt từ sau giai đoạn Covid-19.

Càng vào những giai đoạn thị trường lên cơn sốt, giá vàng miếng SJC càng bỏ xa thị trường quốc tế. Từ mức chênh chỉ vài triệu đồng, giá kim loại quý liên tục bỏ xa thế giới và gần đây chênh 19-20 triệu một lượng. Trong khu vực, không quốc gia nào có chênh lệch giá vàng với thế giới hàng trăm USD như Việt Nam.

Sự khan hiếm “giả tạo” của vàng miếng, theo Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) là nguyên nhân chính khiến giá duy trì khoảng cách lớn với thế giới.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch VGTA nói, nguồn cung vàng miếng không đổi khiến giá tăng mạnh vào những thời điểm nhu cầu trong nước biến động và đi lên. Quy luật này tương tự khi nhìn sang Bitcoin. Bởi tính khan hiếm về nguồn cung, kênh đầu tư này mang nặng yếu tố tâm lý.

Tuy nhiên, trên quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, chênh lệch giữa giá vàng miếng với thế giới cao hay thấp, không ảnh hưởng đến quyền lợi số đông người dân, ngoại trừ nhóm đầu cơ. Nếu người dân mua vàng SJC giá cao thì bán cao, còn mua các loại vàng khác thấp, bán ra thấp. Chỉ có nhóm đầu cơ chịu nhiều rủi ro khi giá vàng biến động khó lường.

Đồng thời, mức chênh lệch cao theo nhà điều hành, cũng không ảnh hưởng hệ thống tổ chức tín dụng, tỷ giá và thị trường ngoại hối chính thức. Có 21 ngân hàng được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng nhưng hầu hết doanh số rất thấp, có những nơi doanh số về 0. Do đó, chênh lệch cũng ít ảnh hưởng tỷ giá và thị trường ngoại hối chính thức.

Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng vàng miếng đang “đắt” một cách vô lý so với thế giới. Trong đó, SJC – đơn vị độc quyền thương hiệu vàng miếng – nhiều lần bị đặt dấu hỏi về việc hưởng lợi nhờ mức chênh này.

Tổng giám đốc SJC Lê Thúy Hằng mới đây đã lên tiếng, đề xuất bỏ chính sách độc quyền, bởi cho rằng doanh nghiệp không được hưởng lợi gì.

Bà cho biết trước năm 2012 – thời điểm Nghị định 24 chưa ra đời, vốn sở hữu của doanh nghiệp là 400 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng 300-400 tỷ đồng một năm. Từ sau 2012, mức lãi sụt giảm mạnh, còn vài chục tỷ đồng. Do không được sản xuất vàng miếng, bà Hằng nói nhiều năm qua doanh nghiệp phải chuyển hướng làm vàng nữ trang và lãi chủ yếu từ phân khúc này.

Được, mất khi bỏ độc quyền vàng miếng

Trước áp lực từ dư luận và chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng để tăng cung cho thị trường, kỳ vọng thu hẹp được chênh lệch giá vàng miếng với thế giới.

Song, các chuyên gia đều nhìn nhận, đấu thầu chỉ là giải pháp tình thế trong ngắn hạn. Dài hơi hơn khi sửa đổi Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước cần tính đến phương án bỏ độc quyền vàng miếng SJC.

Gần đây, nhà điều hành cũng tính đến phương án bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, cấp phép sản xuất cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Ngân hàng Nhà nước vẫn nắm quyền chủ động điều tiết thị trường vàng thông qua việc cấp hạn mức sản xuất cho các doanh nghiệp, căn cứ trên mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

Với kịch bản này, thị trường có thể xuất hiện các thương hiệu vàng miếng ngoài SJC, nhưng nhiều khả năng SJC vẫn chiếm thị phần lớn. Ngay cả trước khi Nghị định 24 ban hành, đây đã là “thương hiệu độc quyền tự nhiên”, uy tín và chiếm trên 90% thị phần vàng miếng trên thị trường.

Phương án này theo các chuyên gia có lợi hơn so với cơ chế dùng dự trữ ngoại hối để nhập khẩu vàng can thiệp thị trường qua hình thức đấu thầu. Bởi, các doanh nghiệp sẽ tự cân đối nguồn ngoại tệ để nhập khẩu theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước thay vì phải “hy sinh” dự trữ ngoại hối.

Xoá bỏ độc quyền cộng với việc cho phép doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, sẽ giúp tăng cung ra thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá vàng miếng SJC với thế giới và các loại vàng trang sức mỹ nghệ hàm lượng 99,99% trên thị trường.

Tuy nhiên, chính sách này có thể vẫn tạo ra những mối lo với nhà điều hành tiền tệ. Việc cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, sẽ khiến nhu cầu USD tăng lên trên thị trường chính thức, có thể gây áp lực tỷ giá từng thời điểm.

Dẫu vậy theo ông Huỳnh Trung Khánh, quyền cấp phép nhập khẩu bao nhiêu vàng, vẫn nằm trong tay của Ngân hàng Nhà nước, do đó nhà điều hành có thể cân đối. Trên thực tế, ông Khánh cho rằng nhập khẩu vàng cũng không tiêu tốn nhiều ngoại tệ như các lĩnh vực khác. Với nhu cầu bình quân vàng đầu tư, gồm vàng miếng và nhẫn trơn 24K ước tính khoảng 30 tấn mỗi năm, lượng ngoại tệ cần thiết vào khoảng 2,3 tỷ USD, tính theo giá thế giới 76,7 USD mỗi kg như hiện hành.

Năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu 326 tỷ USD các mặt hàng từ quốc tế, trong đó, có những loại hàng hóa như nguyên phụ liệu thuốc lá cũng tiêu tốn trăm triệu USD, rau quả ngoại nhập gần 2 tỷ USD.

Trong một hội thảo gần đây, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cũng nêu quan điểm, nhập khẩu vàng không đáng ngại đến vấn đề tỷ giá. “Nhiều người lo nếu cho phép xuất nhập khẩu bình thường thì lấy đâu ra ngoại tệ. Nhưng thực tế, vàng nhập lậu xảy ra thời gian qua cũng cần đến ngoại tệ. Hơn nữa, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng ước tính không lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với nhập khẩu xăng dầu hay các loại nguyên nhiên liệu khác”, ông Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, việc chấm dứt chính sách ngân hàng huy động vàng từ 10 năm qua, theo ông, cũng đã loại bỏ mối nguy về “vàng” hóa nền kinh tế. “Chúng ta chỉ gọi là vàng hóa khi nó đi vào hệ thống ngân hàng, tức vàng trở thành tiền gửi, cho vay”, ông nói. Do đó, việc đề cập đến vàng hóa nền kinh tế khi xóa độc quyền vàng miếng, theo ông, không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại.

Tác giả: Quỳnh Trang

Nguồn: Vnexpress.net

bỏ độc quyền vàng miếnggiá vàng miếng