1.000 dân mới có 63 ô tô, Bộ Công Thương đặt mục tiêu năm 2030 tiêu thụ trên 1 triệu xe

Mức sở hữu xe bình quân đầu người năm 2023 là 63 xe/1.000 dân với sản lượng tiêu thụ đạt 302.000 xe, Bộ Công Thương đặt mục tiêu năm 2030 có thể tiêu thụ được 1 - 1,1 triệu ô tô.

0
Sản xuất xe ô tô của một doanh nghiệp trong nước – Ảnh: H.HẠNH

Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo quyết định của Thủ tướng về “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để lấy ý kiến.

Theo đó, dự thảo nêu quan điểm phát triển ngành ô tô trên cơ sở “đi tắt đón đầu” các xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ của sản xuất, tiêu dùng, từ sử dụng xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe tiết kiệm nhiên liệu, xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác…

Tăng quy mô sản lượng tiêu thụ gần gấp ba

Ngành công nghiệp ô tô sẽ phát triển mang tính đột phá trong nghiên cứu, mua bán, chuyển giao công nghệ các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô điện, sử dụng năng lượng mới, thân thiện với môi trường.

Mọi thành phần doanh nghiệp sẽ được phát huy tối đa tiềm năng, gắn với khuyến khích mở rộng tiêu dùng trong nước với quy mô thị trường đủ lớn.

Dự thảo đặt ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 tăng trưởng thị trường xe ô tô bình quân từ 14 – 16%/năm, tổng lượng xe tiêu thụ đạt khoảng 1 – 1,1 triệu chiếc; tỉ lệ xe điện và xe sử dụng hybrid, năng lượng mặt trời đạt 350.000 chiếc, xe lắp ráp sản xuất trong nước đạt tốc độ tăng 18 – 20%/năm, sản lượng đạt 600.000 – 700.000 chiếc, lượng tiêu thụ năm 2023 là 302.000 chiếc.

Đến năm 2045, tăng trưởng của thị trường là 11 – 12%, tổng lượng xe đạt 5 – 5,7 triệu chiếc, gồm tỉ lệ xe điện và xe sử dụng hybrid, năng lượng mặt trời, nhiên liệu xanh đạt 4,3 – 4,4 triệu chiếc, chiếm 80 – 85%.

Xe lắp ráp sản xuất trong nước tăng trưởng bình quân là 13 – 14%, sản lượng đạt 4 – 4,6 triệu chiếc, chiếm 80 – 85% nhu cầu nội địa.

Trong khi đó, theo thống kê của Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương, sản lượng sản xuất hằng năm của toàn ngành đạt khoảng 460.000 sản phẩm.

Trong đó xe con trung bình đạt 200.000 sản phẩm, xe tải và xe khách là 215.000 sản phẩm. Tỉ lệ ô tô trên 1.000 người dân năm của Việt Nam năm 2023 là 63 ô tô/1.000 dân.

Dự thảo cũng đạt ra mục tiêu xuất khẩu đến năm 2030 với phương tiện vận tải, linh kiện và phụ tùng ô tô đạt 14 tỉ USD; năm 2024 đạt 36 tỉ USD.

Đến năm 2030 bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ, đủ khả năng cung ứng 55 – 60% (về giá trị) linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Đến năm 2045, phấn đấu trở thành nhà cung cấp quan trọng nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô khu vực và thế giới. Đáp ứng trên 80 – 85% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Ưu tiên phát triển dòng xe thân thiện môi trường

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đưa ra các định hướng cụ thể. Bao gồm phát triển nhóm sản phẩm ưu tiên gồm xe tải, xe khách từ 10 chỗ trở lên, sẽ phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và các loại xe khách tầm trung và tầm ngắn.

Với xe chở người đến 9 chỗ ngồi, sẽ phát triển các dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu, xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới…

Với xe chuyên dụng là sản xuất, lắp ráp một số chủng loại xe có nhu cầu lớn (xe chở bê tông, xe xitec, xe phục vụ an ninh, quốc phòng…); khuyến khích sản xuất xe nông dụng nhỏ đa chức năng (kết hợp vận tải hàng hóa với một hay nhiều tính năng…).

Về công nghiệp hỗ trợ sẽ tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao để chế tạo được các chi tiết, linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe… để Việt Nam có thể sản xuất, đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.

Với các nhiệm vụ cụ thể, bộ đưa ra kế hoạch sẽ nghiên cứu, xây dựng trung tâm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo ô tô tại ba miền; xây dựng lộ trình chuyển đổi từ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện, có chính sách ưu tiên phát triển sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô điện; phát triển hạ tầng liên quan như trạm sạc, nạp nhiên liệu, biến áp, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật…

Bộ cũng đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển tiêu dùng nội địa, gồm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt; giảm lệ phí trước bạ cho các dòng xe HEV, PHEV và BEV; hỗ trợ khách hàng phí đỗ xe, thuế môi trường với các xe điện, sử dụng năng lượng mới; hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ…

Tác giả: Ngọc An

Nguồn: tuoitre.vn