Vì sao hàng loạt phố kinh doanh tại TP Vinh ế ẩm?
Các tuyến phố kinh doanh một thời rất sầm uất trên các khu đất “vàng” ở TP. Vinh (Nghệ An) như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong… đều rơi vào tình trạng đìu hiu, vắng khách.
Sáng 28.8, phóng viên trực tiếp khảo sát tại một số tuyến phố kinh doanh tại TP. Vinh để ghi nhận tình hình hoạt động tại đây. Theo quan sát, trong giờ hoạt động hành chính, nhưng nhiều ki ốt dọc tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai vẫn đóng cửa.
Nhiều ki ốt dán thông báo cho thuê kèm theo số điện thoại. Nhiều ki ốt kinh doanh dịch vụ đang hoạt động thì rất vắng khách, đìu hiu.
Ông Nguyễn Văn Trung (55 tuổi), bảo vệ cho một cơ sở kinh doanh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: “Phố Minh Khai có giá đất đắt nhất TP. Vinh, hơn 100 triệu đồng/m2, trước đây kinh doanh rất sầm uất, với rất nhiều ki ốt bán hàng, sửa chữa điện thoại, máy tính. Nhưng thời gian từ năm ngoái trở lại đây rất vắng khách, nhiều người thuê đã trả lại mặt bằng”.
Theo ông Trung, sau dịch COVID-19, sức mua giảm hẳn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ làm ăn rất khó khăn.
Tình hình tương tự diễn ra ở các tuyến phố khác một thời cũng rất sầm uất như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ…
“Tôi thuê ki ốt này đã 3 năm, giá thuê 10 triệu đồng/tháng, cao hơn so với những tuyến phố khác, nhưng dạo gần đây rất vắng khách. Tôi đã trao đổi với chủ nhà để trả lại ki ốt, tìm địa điểm có giá thuê rẻ hơn” – chủ một cơ sở kinh doanh ẩm thực tại đường Nguyễn Văn Cừ cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên, các ki ốt kinh doanh dịch vụ dọc các tuyến đường lớn hầu hết diện tích nhỏ, một số tuyến đường cấm dừng đậu ô tô vào giờ cao điểm, nên rất bất tiện cho khách hàng đi ô tô.
“Bây giờ ưu tiên lựa chọn hàng đầu của tôi và bạn bè khi đi mua sắm, cà phê, ăn uống hay giải trí…là phải có chỗ đậu ô tô thoải mái, không ngại xa, không cần phải mặt đường, vì mặt đường rất bất tiện” – chị Hoàng Thu Hương (45 tuổi, trú phường Hà Huy Tập, TP. Vinh chia sẻ).
Các ki ốt kinh doanh ở các mặt đường lớn trước đây là lợi thế, nhưng nay đã trở nên khó khăn do giá cả thuê mặt bằng cao, chật chội, thiếu chỗ đậu xe. Bên cạnh đó xu hướng mua hàng online ngày càng trở nên phổ biến nên khách hàng càng ít đến mua trực tiếp” – chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Hải (Nghệ An) cho biết.
Ngoài ra, người dân cũng phản ánh tình trạng một số ki ốt không niêm yết giá, bán hàng giá cao hơn so với mặt bằng chung, kỹ năng giao tiếp chưa tốt…dẫn đến giảm sút uy tín, giảm khách hàng.
“Theo tôi, đây là một xu hướng tất yếu, buộc các chủ cơ sở kinh doanh phải thay đổi để đáp ứng xu hướng mua sắm mới của khách hàng, đồng thời giải phóng tình trạng ách tắc, lộn xộn do việc kinh doanh ở các ki ốt mặt tiền gây ra” – chuyên gia Trần Hoàng Hải khẳng định.
Tác giả: Quang Đại
Nguồn: laodong.vn