Tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững
Sáng 21/3, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An với sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng. Tham dự cuộc họp có Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung.
Toàn cảnh cuộc họp. |
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo) cho biết, tỉnh Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế, hội tụ nhiều yếu tố về điều kiện thuận lợi để phát triển; nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ kết nối hai miền Bắc Nam, trong hành lang kinh tế Đông – Tây nối liền Myanmar – Thái Lan – Lào – Việt Nam theo Quốc lộ 7 thông ra biển Đông qua cảng Cửa Lò. Hệ thống cơ sở hạ tầng của Nghệ An đầy đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, đường biển và đường thuỷ nội địa. Tuy nhiên, Nghệ An vẫn chưa tận dụng được lợi thế của mình để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khái quát nội dung các chính sách. |
Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù là cần thiết nhằm thể chế hoá đầy đủ Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistic, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Để đạt được mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, UBND tỉnh Nghệ An đề xuất 05 nhóm lĩnh vực với tổng số 18 chính sách, gồm: Quản lý tài chính – ngân sách nhà nước (05 chính sách); quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường (04 chính sách); quản lý đầu tư (04 chính sách); phát triển kinh tế biển (02 chính sách); tổ chức bộ máy và biên chế (03 chính sách).
Đại diện Bộ Ngoại giao góp ý. |
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã cho ý kiến cụ thể về từng nhóm chính sách. Cụ thể, đối với Chính sách 1 (Nhóm Chính sách phát triển kinh tế biển), đại diện Bộ Ngoại giao cơ bản nhất trí với đề xuất chỉ lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với thủ tục giải quyết hồ sơ đề nghị giao khu vực biển cho nhà đầu tư trong nước thực hiện dự án nuôi trồng thuỷ sản nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng khu vực biển được tiến hành hoạt động trong thời gian nhanh nhất. Ngoài ra, đồng chí đề nghị tỉnh rà soát, bảo đảm công tác giao và cấp phép khu vực biển để nuôi trồng thuỷ sản phù hợp với quy hoạch về không gian biển và bảo đảm yếu tố về bảo vệ môi trường.
Đối với Chính sách 5 (Nhóm chính sách quản lý quy hoạch đô thị, tài nguyên và môi trường) về kinh doanh tín chỉ các-bon rừng, hiện nay luật pháp Việt Nam chưa có quy định cụ thể về chuyển nhượng, mua bán, trao đổi tín chỉ các-bon rừng. Vì vậy, đồng chí đề nghị tỉnh Nghệ An xin thêm ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời cân nhắc và có đánh giá kỹ đối với đề xuất này để bảo đảm tính khả thi của chính sách.
Đại diện Bộ Quốc phòng phát biểu. |
Cơ bản thống nhất với các chính sách, đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị UBND tỉnh Nghệ An nghiên cứu, tổ chức khảo sát, đánh giá tác động bảo đảm tính khách quan, toàn diện giữa phát triển kinh tế – xã hội với quốc phòng, an ninh. Đồng thời, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu thêm các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đã di cư tự do có nơi cư trú hợp pháp, sinh kế bền vững, có đất sản xuất, được tiếp cận các dịch vụ cơ bản và đảm bảo an sinh xã hội theo quan điểm của Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.
Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định còn cho một số ý kiến khác như: đánh giá tác động đầy đủ, rõ ràng cơ sở đề xuất các chính sách mới; làm rõ việc bổ sung thêm 01 Phó Chủ tịch UBND tỉnh so với quy định hiện hành để phụ trách địa bàn vùng miền núi; hồ sơ, trình tự, thủ tục xây dựng Nghị quyết của Quốc hội…
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị là cơ sở pháp lý quan trọng để địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển. |
Sau khi nghe các ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết hiện cả nước có 9 địa phương có Nghị quyết của Bộ Chính trị, trong đó có tỉnh Nghệ An. Theo ông, Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An đã bước đầu giải quyết khó khăn cho tỉnh, tuy nhiên một số quy định chưa thực sự tháo gỡ vướng mắc cho địa phương.
Khái quát một số đặc thù về diện tích, dân số của tỉnh, ông Trung nhấn mạnh Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị là cơ sở pháp lý quan trọng để địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển. Theo đó, các chính sách tại đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của tỉnh Nghệ An bám sát chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 39-NQ/TW để vừa đảm bảo tính đặc thù cho địa phương vừa không “phá vỡ” sự đồng bộ với hệ thống pháp luật. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh đã cho ý kiến cụ thể đối với từng chính sách và cho cho biết sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các nội dung.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận cuộc họp thẩm định. |
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết được chuẩn bị công phu, thể hiện đầy đủ các cơ sở chính trị pháp lý. Theo Thứ trưởng, tỉnh Nghệ An có nhiều thuận lợi hơn các nơi khác khi đã có Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội. Tuy nhiên, tỉnh Nghệ An với đặc thù dân số đông, diện tích rộng lớn phần nào đã gây ra khó khăn cho địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Cho ý kiến cụ thể hơn, Thứ trưởng cho rằng cần quy định cơ chế thu hút doanh nghiệp vào logistic, du lịch biển, công nghiệp hàng hải…; rà soát chính sách đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế; tập trung thể hiện chi tiết hơn các quy định về phân cấp, phân quyền trong tổ chức bộ máy, biên chế…
Bảo Ngọc / baophapluat.vn