Nghịch lý bóng đá Việt Nam: Cầu thủ trẻ ngày càng nhiều, V.League lại giảm đội
Tương lai của lứa U23 Việt Nam bỗng dưng được bàn rất nhiều sau U23 châu Á 2022. Nhưng vấn đề thực sự nằm ở đâu?
Sòng phẳng, thành tích ấn tượng ở VCK U23 châu Á 2022 trở thành bệ phóng về hiệu ứng dư luận cho U23 Việt Nam, giống như Saostar từng phân tích trận đấu với U23 Hàn Quốc. Đây là cơ hội đổi đời cho các cầu thủ trẻ lẫn HLV Gong Oh-kyun.
Vấn đề đặt ra không nằm ở một lứa cầu thủ như U23 Việt Nam mà cả nền bóng đá, khi càng ngày càng có nhiều lứa cầu thủ trẻ ra đời. Họ sẽ có cơ hội chơi bóng như thế nào, hay tạo ra sự lãng phí?
Có ý kiến cho rằng, V.League cần thêm các tiêu chí dùng cầu thủ trẻ cho các CLB. Ví dụ mỗi trận đấu cần có 2-3 cầu thủ dưới 23 tuổi được CLB cho thi đấu.
Một ý kiến khác là các giải trẻ cần được tổ chức nhiều hơn, thậm chí theo thể thức League để các cầu thủ trẻ được thi đấu.
Những ý kiến ở trên không sai. Nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự chuyển dịch của cả nền bóng đá không đồng bộ với hệ thống chuyên nghiệp. Một bên thay đổi chóng mặt, một bên đi lùi về số đội.
Nở rộ bóng đá trẻ sau hiệu ứng HAGL và U23 châu Á 2018
Đầu tiên, cố HLV Alfred Riedl từng đưa ra khái niệm “xây nhà từ nóc” với bóng đá Việt Nam. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã thay đổi rất lớn trong công tác đào tạo trẻ, phải nói là xuất hiện trên khắp cả nước.
Năm 2007, bầu Đức mở Học viện bóng đá HAGL Arsenal – JMG, qua đó xây viên gạch đầu tiên về hành trình đạo trẻ cho bóng đá nước nhà. Hai năm sau, trung tâm PVF ra đời. Lứa Công Phượng tạo ra hiệu ứng chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt Nam về tình yêu của khán giả và đóng góp lớn cho các ĐTQG. Bây giờ có thêm Học viện Nutifood, Lyon, Juventus, trung tâm bóng đá Viettel, cùng nhiều trung tâm cộng đồng khác. Các CLB cũng dịch chuyển về khâu đào tạo trẻ như Bình Dương, Hà Nội, SLNA…
Có thể thấy hiệu ứng mang tên “đám trẻ của bầu Đức” từ Học viện HAGL đã thay đổi cả nền bóng đá về đào tạo trẻ và dịch chuyển chóng mặt trong 15 năm qua. Đặc biệt, bóng đá còn được kích cầu rất lớn với xã hội qua một loạt thành công từ đầu năm 2018 đến nay.
Hơn một tháng qua, bóng đá diễn ra từ SEA Games 31 đến VCK U23 châu Á 2022. Nhưng bóng đá trong nước vẫn đang nóng với các cuộc tuyển sinh quy mô lớn của Học viện Nutifood, HAGL là ví dụ. Nutifood tuyển rộng rãi với 10 đợt tuyển sinh cho lứa tuổi sinh năm 2010-2011. Đây là ví dụ để thấy được sự chuyển dịch rất lớn trong đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam, bởi Học viện Nutifood đào tạo theo nguyên tắc phi lợi nhuận.
Nutifood, PVF cùng một số trung tâm đào tạo cầu thủ nhưng không có đội chơi V.League. Họ trở thành nơi cung cấp cầu thủ cho hạng Nhất, V.League. Ví dụ nhiều cầu thủ PVF từng được cho CLB Hà Nội, Đà Nẵng như Bùi Tiến Dụng, Hà Đức Chinh, Trọng Hóa, Thái Quý, Thanh Thịnh…
Các trung tâm bóng đá được đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng đóng góp cầu thủ. Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội thuộc Trung tâm huấn luyện thi đấu TDTT – Sở VHTT Hà Nội cho Hà Nội FC rất nhiều cầu thủ giỏi như Duy Mạnh, Quang Hải, Đình Trọng, Đức Huy, Thành Chung, Hùng Dũng, Tuấn Hải…
CLB HAGL là trường hợp đặc biệt của bóng đá Việt Nam. HAGL đào tạo trên 2 hướng là Học viện và Năng khiếu. Những cầu thủ thi rớt Học viện nhưng có cơ hội đào tạo theo dạng Năng khiếu. Minh Vương, Châu Ngọc Quang thuộc lứa Năng khiếu là ví dụ. HAGL cho nhiều CLB mượn cầu thủ. V.League từng có CLB TPHCM, Viettel, Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Phòng mượn quân của HAGL. Giải hạng Nhất có CLB Vũng Tàu, Phố Hiến, Cần Thơ, Bình Phước, CAND, Đắk Lắk, Phú Yên, Long An…
Tất cả cho thấy bóng đá Việt Nam về cơ bản đã xóa được khái niệm “xây nhà từ nóc”, khi bóng đá trẻ trở thành xu thế chung và nở rộ ở mọi nơi. Và không chỉ có một lứa U23 vừa tạo ra sự ấn tượng mà tương lai sẽ có thêm nhiều thế hệ trẻ tài năng khác.
Nhưng sân chơi chuyên nghiệp đứng yên về số đội
Đào tạo cầu thủ để làm gì? Chắc chắn là phải thi đấu chuyên nghiệp và đóng góp cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Nhưng nghịch lý là sân chơi chuyên nghiệp chưa phát triển tương xứng.
Năm 2000, V.League dịch chuyển sang chuyên nghiệp với 10 đội tham gia. Năm 2006, 13 đội tham gia. Năm 2007 đi vào lịch sử với 14 đội. Con số này duy trì được 6 năm, khi năm 2013 chỉ còn 12 đội do một số CLB giải thể, bỏ giải. Năm 2015 – 2021 có 14 đội. Năm nay (2022) có 13 đội đá V.League, còn giải hạng Nhất có 12 đội.
Lấy cột mốc là năm 2007 vì có hai câu chuyện lịch sử cho bóng đá Việt Nam: V.League có 14 đội tham gia và Học viện HAGL ra đời. Một bên đến hiện tại số đội từ 14 xuống còn 13, một bên ban đầu có một Học viện bây giờ nở rộ công tác đào tạo trẻ khắp cả nước. Đây là điểm quan trọng để thấy nghịch lý về sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Số đội chuyên nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội cho các cầu thủ trẻ được thi đấu và phát triển. Trường hợp CLB Quảng Ninh nghỉ ở mùa giải này là ví dụ. Những cầu thủ giỏi của Quảng Ninh được các đội V.League chiêu mộ và đá chính, tức những cầu thủ trẻ cũng giảm đi cơ hội được chơi bóng ở V.League.
Hệ thống đào tạo trẻ phát triển nở rộ nhưng số đội chuyên nghiệp giảm đi, còn giải hạng Nhất ít đội hơn V.League đã là nghịch lý về mô hình bóng đá chuyên nghiệp. Đây là bài toán quan trọng nhất mà bóng đá Việt Nam phải giải được. Vì số đội quá ít thì cầu thủ trẻ khó có môi trường thi đấu. Câu chuyện này chính là tình trạng của lứa U23 Việt Nam và tất cả cầu thủ trẻ khác, họ thiếu đất diễn vì không thể cạnh tranh với các đàn anh.
Chúng ta đặt vào trường hợp tăng thêm số đội: V.League có 16 đội, hạng Nhất có 18 đội. Bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể giải được câu chuyện tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ phát triển.
Hãy nhìn sang Thái Lan, Thai Premier League cũng dịch chuyển sang chuyên nghiệp từ năm 2001 với sự dao động 10-12 đội trong các mùa đầu tiên. Bây giờ giải đấu này có 16 đội, Thai League 2 có 18 đội. Thái Lan thực sự làm tốt hơn Việt Nam về sân chơi chuyên nghiệp để cho cầu thủ phát triển.
Tại sao V.League không phát triển số đội?
Lấy một CLB đặc biệt nhất ở V.League làm ví dụ. Hà Nội FC luôn có nhiều cầu thủ kế cận giỏi hơn các đội khác. Lý do đội bóng này tận dụng tài nguyên các nơi khác như Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội, PVF. Hà Nội FC được phép có đội đá hạng Nhất sau đó lên V.League và đổi tên, “chuyển hộ khẩu” từ Thủ đô vào TPHCM. Hà Nội FC cũng đem cả lứa cầu thủ trẻ chuyển sang cho CLB Hà Tĩnh. Họ còn có ông chủ liên quan đến CLB Quảng Nam, CLB Đà Nẵng. Nhưng cách làm này chỉ tốt cho Hà Nội FC, còn hậu quả khiến cho V.League bị mất niềm tin, dẫn đến nhiều đội bỏ cuộc chơi.
Bầu Trường (ông chủ CLB Ninh Bình – đội bóng đã nghỉ chuyên nghiệp) từng nói trên truyền thông: “Nếu được góp ý cho bóng đá Việt Nam có thể phát triển, tôi đề nghị VFF đừng để chuyện một ông chủ sở hữu đến 3-4 đội bóng ở V.League như ông bầu Đỗ Quang Hiển….
Như thế mới sòng phẳng và người ta mới hứng thú nhảy vào đầu tư cho bóng đá. Một mình anh Hiển có đến mấy đội thì ai mà chơi nữa bởi ba đánh một thì “không chột cũng què”. Nhiều người nói trong bối cảnh kinh tế khó khăn, có ông bầu chịu đầu tư nhiều đội bóng là tốt nhưng thật ra làm như vậy là hủy hoại bóng đá”.
Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm của V.League, rất nhiều ông bầu bỏ bóng đá. Có những người đã nói về câu chuyện “một ông chủ liên quan nhiều đội bóng”, sau đó họ nghỉ. Thậm chí, bầu Đức cũng từng bóng gió nói “năm đánh một”. Đó cũng là chuyện mất niềm tin vào sân chơi chuyên nghiệp.
Ngoài ra, có thêm những nguyên nhân khác như công tác trọng tài, điều kiện sân bãi, cơ sở vật chất, mô hình hoạt động theo kiểu làm bóng đá chỉ có chi mà không có thu…
Một bài toán khác là bóng đá Việt Nam phải có nhiều cầu thủ xuất ngoại để nâng tầm V.League. Chuyện các cầu thủ giỏi ra nước ngoài chơi bóng còn mở ra cơ hội cho các cầu thủ trẻ khác được thi đấu và phát triển ở V.League.
Bóng đá Việt Nam đã và đang thành công. Thành quả này chắc chắn do quá trình đào tạo trẻ làm tốt trong nhiều năm qua. Nhưng sân chơi chuyên nghiệp phải phát triển tương xứng, bằng không sẽ lãng phí công sức và tiền bạc của những người tâm huyết với bóng đá trẻ.
Theo Văn Nhân/Báo Dân việt
Link gốc: https://danviet.vn/nghich-ly-bong-da-viet-nam-cau-thu-tre-ngay-cang-nhieu-vleague-lai-giam-doi-20220617060910355.htm