Nâng giá thiết bị để bòn rút ngân sách
Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung xảy ra tình trạng nâng giá thiết bị để trục lợi ngân sách, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hàng chục tỉ đồng. Ngoài những vụ việc đã bị phanh phui, vẫn còn một số dự án, gói thầu có dấu hiệu vi phạm đang rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ.
Thực hiện chủ trương đầu tư, nâng cấp Cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp trực tuyến tại Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh, cuối năm 2021, Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh được giao làm chủ đầu tư gói thầu “Mua sắm thiết bị, phần mềm nâng cấp Cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; bổ sung trang thiết bị cho Trung tâm tích hợp dữ liệu đáp ứng Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị định số 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ”.
Gói thầu trị giá hơn 13,661 tỷ đồng được mời thầu rộng rãi trên cổng đấu thầu quốc gia. Duy nhất liên danh Công ty TNHH công nghệ Hoành Sơn, địa chỉ tại TP Hà Tĩnh và Công ty Cổ phần Tin học Tân Dân, địa chỉ tại TP Hà Nội (Liên danh nhà thầu Hoành Sơn – Tân Dân) dự và thắng thầu với giá gần 13,624 tỷ đồng. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên, Liên danh nhà thầu Hoành Sơn – Tân Dân “một mình một ngựa” để trúng thầu, dù hình thức đấu thầu qua mạng hay trực tiếp và được công bố rộng rãi. Chỉ tính riêng trong khoảng thời gian 3 năm trở lại đây, doanh nghiệp này đã liên tiếp sở hữu nhiều gói thầu cung cấp giải pháp phần mềm và mua sắm trang thiết bị trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh với tổng giá trị lên đến gần 100 tỷ đồng.
Đơn cử, trong năm 2021, liên danh nhà thầu này đã liêp tiếp trúng hàng loạt gói thầu công nghệ thông tin tại ủy ban các huyện, thành, thị trên địa bàn Hà Tĩnh. Trong đó, đáng chú ý là gói thầu hơn 12,5 tỷ đồng tại UBND huyện Hương Khê; gói thầu với giá hơn 9,85 tỷ đồng tại UBND huyện Lộc Hà; gói thầu với giá 8,89 tỷ đồng tại UBND huyện Thạch Hà; gói thầu 9,1 tỷ đồng tại UBND thị xã Hồng Lĩnh…
Từ năm 2018 đến nay, Công ty Hoành Sơn đã tham dự 11 gói thầu, trong đó trúng 10 gói thầu với tổng giá trị lên đến hơn 95 tỷ đồng. Dự án duy nhất doanh nghiệp này trượt thầu là gói cải tạo lắp đặt mạng máy tính Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh, với giá trị chưa đến 160 triệu đồng. Điều đáng nói, trong số các gói thầu mà liên doanh hai công ty này thực hiện, qua khảo sát đều có dấu hiệu “đội giá” thiết bị. Đơn cử, gói thầu được thực hiện tại UBND huyện Lộc Hà, nhiều thiết bị so với sản phẩm cùng xuất xứ, thông số kỹ thuật được bán trên thị trường, trên cùng một thời điểm có giá cao ngất ngưởng.
Cụ thể, đầu ghi hình có xuất xứ từ Trung Quốc giá hơn 26,3 triệu đồng, trong khi đó với sản phẩm có cùng model, thông số kỹ thuật nhưng trên thị trường bán lẻ có giá dao động từ 10-12 triệu đồng; tivi Smart LG 4K 65 inch xuất xứ từ Indonesia giá hơn 30,4 triệu đồng, trong khi giá thị trường chỉ từ 13-15 triệu đồng; máy in Brother có xuất xứ Việt Nam 9,2 triệu đồng, nhưng giá thị trường chỉ từ 3,2 – 4,6 triệu đồng…
Liên quan đến các sản phẩm mà Liên danh Công ty Hoành Sơn – Tân Dân trúng thầu, sau khi nhận được thông tin về việc một số mã hàng có sự chênh lệch về giá, huyện Lộc Hà đã có văn bản gửi đơn vị thẩm định yêu cầu kiểm tra lại một số mã hàng, đồng thời thuê một đơn vị tư vấn thẩm định giá độc lập. Kết quả, sau khi soát xét lại thì có 6 – 8 mã hàng có sự chênh lệch yêu cầu đơn vị thẩm định lại giá sau đó mới tiếp tục cho triển khai.
Tương tự liên danh nhà thầu Hoành Sơn – Tân Dân, những năm qua, Công ty Cổ phần Vạn Xuân, địa chỉ tại TP Hà Tĩnh cũng đã tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh và liên tiếp trúng nhiều gói thầu mua sắm thiết bị, phần mềm và xây lắp trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với tổng trị giá lên đến gần 80 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong 2 năm 2021 – 2022, có 6 gói thầu thực hiện Đề án “Quản lý hoạt động Truyền thanh – Truyền hình” tại Trung tâm Văn hóa Truyền thông ở các huyện Vũ Quang, Thạch Hà, Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh, đều có hình thức chào hàng cạnh tranh qua mạng nhưng Công ty Vạn Xuân đều trúng thầu với cùng một kịch bản “không đối thủ”.
Điều đáng nói, tại các gói thầu này, ngoài việc doanh nghiệp “một mình một ngựa” tham gia đấu thầu thì kết quả trúng thầu có tỷ lệ giảm giá cho vốn ngân sách vô cùng “khiêm tốn”, tiết kiệm chỉ từ 0,1% – 0,7% so với mức giá mà gói thầu công bố. Ngoài ra, tại các gói thầu mà Công ty Cổ phần Vạn Xuân thực hiện, nhiều thiết bị có dấu hiệu đội giá. Đơn cử, tại Trung tâm Văn hóa Truyền thông huyện Kỳ Anh, doanh nghiệp này trúng thầu với giá 584 triệu đồng, thực hiện mua sắm cung cấp 17 thiết bị, phụ kiện và phần mềm. Trong đó, nhiều thiết bị giá cao ngất ngưởng như Máy quay Sony (PXW-Z190V) xuất xứ Trung Quốc có giá 127,980 triệu đồng (giá thị trường là gần 110 triệu đồng); Máy chủ dựng phim (Precision 7920 Rack – Silver 4208) có giá 151,420 triệu đồng (giá thị trường khoảng 124 triệu đồng)…
Cũng dịp này, tại Trường Đại học Hà Tĩnh, ngày 5/1/2021, Hiệu trưởng trường này là ông Đoàn Hoài Sơn đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn gói thầu mua sắm trang thiết bị hạ tầng CNTT, phần mềm quản lý đào tạo, đường truyền Internet và đào tạo cán bộ quản lý vận hành hệ thống cho đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty CP Công nghệ thông tin Lam Hồng (địa chỉ tại TP Hà Tĩnh) – Công ty TNHH Công nghệ Anh Quân (địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh) với giá trúng thầu là gần 14,3 tỷ đồng. Thiết bị tại gói thầu này khi được nhà thầu báo giá, đem so sánh với giá thị trường cũng có dấu hiệu đội giá bất thường. Có thể kể đến như thiết bị mạng xuất xứ Trung Quốc có giá 61.450.000 đồng (giá thị trường 27.735.000 đồng); Module quang HP có giá 24.300.000 đồng (giá thị trường là 4.099.000 đồng); 180 bộ phát wifi Cambium có giá 9.700.000 đồng (giá thị trường là 4.000.000 đồng); Đầu ghi hình Hikvision có giá 126.000.000 đồng (giá thị trường là 46.387.000 đồng)…
Đặc biệt, tại các thiết bị là phần mềm ứng dụng, giá cả chênh nhau rất rõ rệt so với các cơ sở giáo dục khác. Đơn cử, phần mềm hệ thống quản lý đào tạo được Trường Đại học Hà Tĩnh mua với giá 1,93 tỷ đồng, trong khi cũng với phần mềm này, Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh chỉ mua với giá chỉ hơn 1,3 tỷ đồng, thấp hơn 611 triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề nâng giá thiết bị trong đấu thầu, ngày 31/5, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án nâng khống giá bán thiết bị y tế tại các bệnh viện tuyến huyện, tuyên phạt 13 bị cáo là giám đốc doanh nghiệp, giám đốc các bệnh viện và kế toán, trưởng phòng tổng cộng 642 tháng tù.
Cụ thể, dưới sự “đạo diễn” của Mai Thị Hoa (SN 1974), Giám đốc Công ty CP Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh, mặc dù biết rõ giá thị trường của một bộ máy giặt sấy cleantech, xuất xứ Hàn Quốc có giá từ 520 – 560 triệu đồng. Tuy nhiên để vụ lợi, trong các năm 2018 và 2019, bị cáo này đã liên hệ với giám đốc bệnh viện các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn và Nghi Xuân đặt vấn đề sẽ hướng dẫn xin kinh phí để mua sắm máy giặt, máy sấy công nghiệp với giá khoảng 3 tỷ đồng/bộ và được các giám đốc bệnh viện đồng ý.
Để qua mặt cơ quan chức năng, từ việc làm hồ sơ, tờ trình xin hỗ trợ kinh phí đến việc thuê công ty thẩm định, lập ra các doanh nghiệp “ma” để làm giả hồ sơ đấu thầu, tất cả đều do Mai Thị Hoa thực hiện. Kết quả, Công ty CP Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh đã thắng thầu, mua sắm 5 bộ máy giặt, máy sấy xuất xứ từ Hàn Quốc cho 5 bệnh viện nói trên với số tiền hơn 14,4 tỷ đồng. Trong khi, thực tế Hoa chỉ mua với giá giá 523,6 triệu đồng/bộ để bàn giao, lắp đặt tại các bệnh viện trên theo hợp đồng đã ký kết, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 9,4 tỷ đồng.
Theo Thiên Thảo/CAND
Link gốc: https://cand.com.vn/Ban-tin-113/nang-gia-thiet-bi-de-bon-rut-ngan-sach-i657309/