Khai thác sản phẩm du lịch – từ tỉnh bạn nhìn về Hà Tĩnh

Sau “giấc ngủ đông” kéo dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến nay, cùng với cả nước, du lịch Hà Tĩnh đã có sự hồi phục khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc khai thác sản phẩm du lịch vẫn là câu chuyện đi mãi chưa thấy đích…

Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là văn hóa ẩm thực. Ảnh Phan Trâm

Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng du lịch, đáp ứng nhu cầu du khách ở đa dạng loại hình như: du lịch văn hóa – lịch sử; du lịch sinh thái; du lịch trải nghiệm… Hà Tĩnh cũng có nhiều giá trị văn hóa độc đáo, nhiều làn điệu dân ca, là nơi có nhiều trò chơi dân gian, lễ hội, làng nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực đặc sắc.

Hiện nay, nhiều đặc sản của địa phương đã được công nhận là sản phẩm OCOP, hằng năm, nhiều mặt hàng trong số đó được đưa đi giới thiệu, quảng bá ở các “sân chơi” của ngành du lịch toàn quốc. Tuy nhiên, du khách nếu muốn mua các sản phẩm đó ở Hà Tĩnh vẫn khó tìm được một địa chỉ dễ dàng.

Những cửa hàng bày bán các loại đặc sản của Hà Tĩnh tại khu du lịch như cửa hàng OCOP ở Thiên Cầm là rất hiếm.

Là một người đam mê du lịch, chị Trần Thị Trang Nhung ở phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) cho rằng, du lịch Hà Tĩnh chưa có nhiều chỗ cho khách tiêu tiền. Nếu như ở các tỉnh khác, người ta xây dựng được các cửa hàng, thậm chí cả trung tâm thương mại để bán đặc sản địa phương ngay các khu, điểm du lịch thì tại Hà Tĩnh lại chưa có hoặc nếu có thì khá mờ nhạt. Ngoại trừ kẹo cu đơ là sản phẩm có thể bắt gặp ở dọc các tuyến đường thì còn lại đều “gây khó” cho du khách khi có ý tìm mua.

Nhìn ra tỉnh bạn, tại Sa Pa (Lào Cai), du khách có thể thỏa sức mua sắm các sản phẩm về làm quà ở khu chợ đêm hoặc các tuyến phố. Rất nhiều cửa hàng bán các loại đặc sản của Sa Pa như: hạt dẻ, bánh hạt dẻ, các sản phẩm từ táo mèo, nấm hương rừng, thịt trâu gác bếp, thịt lợn gác bếp… Tại nhiều điểm đến nổi tiếng như: bản Cát Cát, Fansipan Legend, bản Tà Phìn, Tả Van… ngành du lịch Lào Cai đều khai thác khá triệt để các tiềm năng về sản phẩm du lịch, nhất là đặc sản địa phương bằng hệ thống cửa hàng, trung tâm mua sắm ngay tại các địa điểm đó. Đó là chưa kể, chợ được xây dựng ngay cạnh bến xe cũng có thể khai thác thêm nhu cầu cuối cùng của du khách là mua hàng về làm quà sau chuyến đi.

Tại Sa Pa, khách du lịch có thể dễ dàng mua các loại sản phẩm đặc trưng ở bất kỳ nơi đâu với cùng một mức giá.

Chị Trần Thị Quỳnh ở xã Thạch Đài (Thạch Hà) chia sẻ: “Đến Sa Pa, điều tôi thích nhất là con người thân thiện và sự thống nhất về giá cả của hệ thống dịch vụ ở đây. Cùng một sản phẩm du lịch, tôi có thể yên tâm mua ở khu du lịch hoặc ở chợ, ở trung tâm thương mại đều không sợ bị “chặt chém” do có sự thống nhất về giá cả. Hoặc tôi có thể đi taxi cũng có thể đi Grab, đi xe tư nhân mà không phải lo lắng về giá cả vì các lái xe đều thông tin cho du khách về giá trước khi sử dụng dịch vụ”.

Hà Tĩnh cũng tự hào là địa phương có nguồn ẩm thực phong phú, dồi dào, nhưng lại chưa xây dựng được các thương hiệu, nhân hiệu khiến du khách phải tìm đến bằng được để thưởng thức và mua sản phẩm về làm quà. Không ở đâu xa, tại Quảng Bình, quán “bánh bèo mệ Xuân” từ lâu đã là một địa chỉ được các lái xe taxi, xe điện, lễ tân khách sạn giới thiệu với du khách và hầu như đoàn khách nào cũng tìm đến thưởng thức, mua bánh bèo, bánh nậm về làm quà. Hoặc tại Hội An (Quảng Nam), bên cạnh khai thác các nhân hiệu nổi tiếng về ẩm thực như: bánh mỳ Phượng, cơm gà bà Buội, quán nước thảo mộc Mót… để thu hút du khách thì hệ thống cửa hàng bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương như đèn lồng, túi cói, quần áo linen… với thái độ phục vụ hết sức thân thiện, cởi mở đã khiến khách hàng không phải đắn đo nhiều khi “móc hầu bao”…

Tại Quảng Bình, quán “bánh bèo mệ Xuân” từ lâu đã là một địa chỉ được các lái xe taxi, xe điện, lễ tân khách sạn giới thiệu với du khách và hầu như đoàn khách nào cũng tìm đến thưởng thức, mua bánh bèo, bánh nậm về làm quà.

Du lịch Hà Tĩnh đang mắc phải những hạn chế bởi những lý do khách quan lẫn chủ quan, cần thêm thời gian để cải thiện. Nhằm khai thác triệt để các nguồn thu từ du lịch trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng hệ thống cửa hàng có quy mô, có sự liên kết chéo để quảng bá sản phẩm đặc sản giữa các địa phương trong tỉnh với nhau; việc xây dựng nhân hiệu ẩm thực và cách quảng bá nhân hiệu đó; sự thống nhất về giá cả giữa các địa điểm bán hàng… là những việc trong tầm tay, có thể triển khai để tăng tính hấp dẫn vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa tăng nguồn thu cho ngành du lịch.

Theo Phong Linh

Link gốc: https://baohatinh.vn/du-lich/khai-thac-san-pham-du-lich-tu-tinh-ban-nhin-ve-ha-tinh/234035.htm