Hé lộ bức tranh tài chính ‘ảm đạm’ của Công ty CP Cấp nước Cửa Lò
Từ một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi, sau 7 năm cổ phần hoá và vay vốn mở rộng kinh doanh, Công ty CP Cấp nước Cửa Lò phải gánh khoản nợ hàng trăm tỷ và thua lỗ mỗi năm hơn 10 tỷ đồng.
Mở rộng kinh doanh thành ra thua lỗ
Công ty cổ phần cấp nước Cửa Lò được thành lập ngày 05/12/1998, có nhiệm vụ trực tiếp khai thác và quản lý hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thị xã Cửa Lò. Công suất cấp nước tại thời điểm trước 2017 là gần 3.000 m3/1 ngày đêm.
Năm 2017, Cấp nước Cửa Lò đã triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy nước Cửa Lò từ 3.000 m3 lên 13.000 m3/ngày đêm bao gồm: Xây dựng Nhà máy nước Nghi Hoa tại xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, với diện tích 8,1 ha, sử dụng nguồn nước từ sông Phương Tích và xây dựng trạm bơm tăng áp, văn phòng làm việc tại phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò với diện tích gần 1,3ha, đồng thời phát triển mạng lưới truyền tải phân phối, dịch vụ, đấu nối với 7.352 khách hàng.
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 16 triệu USD và thông qua đấu thầu quốc tế, đã lựa chọn được liên danh nhà thầu là Công ty CP Hà Huy, Công ty VINACONEX 12 và Công ty VIWASEEN 2. Trong tổng mức đầu tư gần 16 triệu USD, vốn vay từ Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) là 13 triệu USD, vốn đối ứng 3,3 triệu USD. UBND tỉnh Nghệ An là đơn vị bảo lãnh vốn vay này và có cam kết sẽ trả nợ thay cho chủ đầu tư trong trường hợp đơn vị này không thể trả nợ. Dự án hoàn thành và được đưa vào hoạt động đầu 2020.
Sau khi dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy cấp nước Cửa Lò từ 3.000m3 lên 13.000m3/ngày đêm hoàn thành đưa vào sử dụng, kết quả kinh doanh của Cấp nước Cửa Lò rơi vào thua lỗ. Công ty lỗ hơn 14 tỷ đồng và hơn 10 tỷ đồng trong 2 năm 2020 và 2021 trong khi doanh thu tương ứng mỗi năm chỉ đạt hơn 17 tỷ đồng và 21 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá vốn hàng bán tăng mạnh (1 phần do khấu hao tăng mạnh) làm cho lãi gộp bị âm. Đó là chưa kể đến áp lực trả lãi cho phần vốn đã vay mượn để đầu tư dự án. Nếu không có giải pháp tăng mạnh doanh thu, công ty khó thoát khỏi tình trạng lỗ.
Tính đến ngày 31/12/2018, cơ cấu cổ đông Cấp nước Cửa Lò gồm UBND tỉnh Nghệ An (56,33%); Công ty CP Cấp nước Sông Lam (20,70%) và ông Nguyễn Hữu Hải – con ruột ông Nguyễn Hữu Luận – Chủ tịch HĐQT Cấp nước Cửa Lò (20,70%).
Vào tháng 2/2022, UBND tỉnh Nghệ An dự kiến đưa ra bán đấu giá toàn bộ số cổ phần họ nắm giữ – hơn 2,7 triệu cổ phần Cấp nước Cửa Lò, tương đương tỷ lệ 56,33% tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Số cổ phần này được đánh giá là sẽ thu hút một số nhà đầu tư lớn, đặt biệt là Công ty cổ phần Đầu tư Tài nguyên nước Tuấn Lộc, đơn vị nắm giữ gần 80% cổ phần của Công ty CP Cấp nước Sông Lam (tính đến cuối 2018) và cũng nắm giữ cổ phần tại nhiều công ty cấp thoát nước quy mô nhỏ khác tại Việt Nam.
“Đòn bẩy” tài chính tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo dữ liệu của VietnamFinance, trong giai đoạn 2019 – 2021, tài sản của cấp nước Cửa Lò biến động không đáng kể. Cụ thể, tổng tài sản của doanh nghiệp này vào năm 2019 là 310,6 tỷ đồng, rồi tăng lên 315,4 tỷ đồng vào năm 2020. Đến tháng 12/2021, tài sản của doanh nghiệp ở mức 331,2 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong tổng tài sản của cấp nước Cửa Lò là tài sản dài hạn, đặc biệt là tài sản dở dang và tài sản cố định.
Về nguồn vốn, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, cấp nước Cửa Lò cũng sử dụng đòn bẩy tài chính. Thế nhưng, mức độ sử dụng đòn bẩy của doanh nghiệp này là khá cao, gây sức ép lên khả năng thanh toán, tồn tại rủi ro tài chính đáng chú ý.
Cụ thể, trong khi vốn chủ sở hữu liên tục suy giảm từ mức 50 tỷ đồng xuống còn 25 tỷ đồng, thì nợ phải trả của cấp nước Cửa Lò lại liên tục gia tăng. Theo đó, nợ phải trả của doanh nghiệp vào năm 2019 là 260 tỷ (chiếm 83,8% nguồn vốn), năm 2020 là 281 tỷ đồng (chiếm 88,8% nguồn vốn) vào năm 2021 là 307 tỷ đồng (chiếm 92,4% nguồn vốn).
Nếu như năm 2019, số nợ của cấp nước Cửa Lò chủ yếu là nợ dài hạn thì đến năm 2020 và 2021 các khoản nợ của doanh nghiệp này lại chỉ tập trung nợ ngắn hạn
Lỗ càng ngày càng sâu
Về kết quả kinh doanh, giai đoạn 2019 – 2021, doanh thu thuần của cấp nước Cửa Lò tăng trưởng khá ổn định, từ mức 13 tỷ đồng (2019) lên 17 tỷ đồng (2020) và 20,6 tỷ đồng (2021). Dù vậy, giá vốn bán hàng luôn ở mức cao, lại tăng không kiểm soát khiến cho lợi nhuận gộp thu về của cấp nước Cửa Lò chẳng còn là bao, thậm chí thua lỗ ngày một trầm trọng.
Cụ thể, nếu như năm 2019, lợi nhuận gộp ở mức 4,7 tỷ đồng thì 2 năm tiếp theo, lợi nhuận gộp thể hiện trên sổ sách là âm 6 tỷ đồng. Sau khi trừ đi hàng loạt các chi phí khác (bán hàng, lãi vay, quản lý doanh nghiệp), cấp nước Cửa Lò chỉ báo lãi hơn 1,8 tỷ đồng trong năm 2019. Năm 2020 và 2021, doanh nghiệp này lần lượt báo lỗ 14,3 tỷ đồng và 10,2 tỷ đồng.
Năm 2021, tiền trả nợ gốc vay là 17,28 tỷ đồng (doanh thu 20,6 tỷ động). Đến ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu chỉ còn lại 24,3 tỷ đồng (năm 2020 và 2021, lỗ 24,5 tỷ đồng). Với đà thua lỗ này, thì việc mất vốn chủ sở hữu và phá sản ở Công ty CP cấp nước Cửa Lò sẽ xảy ra trong tương lai gần. Khi đó, UBND tỉnh Nghệ An phải chịu trách nhiệm về việc bảo lãnh vốn vay 13,3 triệu USD của dự án này.
Từ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi, trở thành thua lỗ mỗi năm hơn 10 tỷ đồng, sau 7 năm chuyển sang công ty cổ phần.
Theo Hà Thạch
Link gốc: https://vietnamfinance.vn/he-lo-buc-tranh-tai-chinh-am-dam-cua-cong-ty-cp-cap-nuoc-cua-lo-20180504224279778.htm