Du lịch đường sắt: trải nghiệm đáng thử dịp Hè năm 2024

Trong bối cảnh khan hiếm vé của ngành hàng không, những chuyến tàu chất lượng cao, tàu du lịch, kết nối di sản đang được ngành đường sắt đẩy mạnh khai thác. Du lịch Hè năm 2024 bằng đường sắt hứa hẹn là trải nghiệm đáng thử cho người dân.

Nhiều điểm đến hấp dẫn

Theo số liệu thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trong năm 2023, doanh thu toàn tổng công ty đạt 8.503,8 tỷ đồng đạt 101,7% kế hoạch năm; vận chuyển 6,1 triệu lượt hành khách, bằng 135,4% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt 3.973,4 tỷ đồng, bằng 107,0% so với cùng kỳ.

Dịp cao điểm tết Nguyên Đán 2024 (từ 26/1 – 26/2/2024), hành khách đi tàu đạt hơn 720.000 khách, tăng trưởng 5%. Doanh thu đạt hơn 436 tỷ đồng, tăng trưởng 6%.

Như vậy, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng của ngành Đường sắt. Nhìn nhận thành quả này, ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, một trong những kết quả bước đầu được ghi nhận về thay đổi của VNR là thay đổi về tư duy.

Thời gian qua, ngành Đường sắt liên tiếp ra mắt các chương trình, sản phẩm độc đáo với mục tiêu nâng cao chất lượng, gắn du lịch với “đánh thức di sản”. Từ chỗ cung cấp dịch vụ vận tải, ngành Đường sắt đã “bắt tay” với du lịch để phục vụ và mang đến những trải nghiệm độc đáo cho khách hàng.

Từ năm 2023 đến năm 2024, một số tuyến tàu gắn liền với du lịch được hành khách đánh giá cao như: đoàn tàu Hà Nội – Hải Phòng với trải nghiệm ẩm thực – food tour Hải Phòng; đoàn tàu SE19/20 chạy tuyến Hà Nội – Đà Nẵng với trải nghiệm đi tàu ấn tượng như: không gian cao cấp, bố trí phòng VIP ngồi đợi tàu và có lối ra ga, lên tàu riêng, có dịch vụ xe đưa, đón khách tại nhà.

Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, đoàn tàu SE19/20 là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đem đến cho hành khách những trải nghiệm tốt nhất. Sau đó, ngành sẽ từng bước nhân rộng trên một số tuyến đường sắt khác.

Bên cạnh 2 chuyến tàu trên, một chuyến tàu khác cũng giành được nhiều sự quan tâm của khách du lịch là chuyến tàu Kết nối di sản miền Trung giữa hai địa phương Huế và Đà Nẵng.

Trên hành trình Huế – Đà Nẵng, tàu sẽ dừng đỗ tại ga Lăng Cô 10 phút để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp, check-in, chụp ảnh vịnh Lăng Cô – một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức ẩm thực đặc sắc của địa phương, thưởng thức các chương trình văn hoá nghệ thuật đặc sắc.

Ca Huế là một trong trải nghiệm hấp dẫn du khách trên tàu Huế - Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Long
Ca Huế là một trong trải nghiệm hấp dẫn du khách trên tàu Huế – Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Long

Ngoài ra, tại ga Huế và ga Đà Nẵng, ngay khu vực phía trước nhà ga, các địa phương đã bố trí xe đạp cho thuê tự động bằng hình thức quét mã QR để thuận tiện cho du khách tham quan các danh lam thắng cảnh. Trong tháng 4 này, đoàn tàu sẽ được trang bị wifi để phục vụ hành khách.

Giá vé tàu được đánh giá là vừa phải ở mức 150.000 đồng/người/lượt cho toàn tuyến Huế – Đà Nẵng, 110.000 đồng cho tuyến Huế – Lăng Cô và 70.000 đồng cho tuyến Lăng Cô – Đà Nẵng. Tỉnh Thừa Thiên Huế còn áp dụng chính sách hỗ trợ giảm giá cho các tổ chức, cá nhân khi tham quan các điểm du lịch tại Huế (áp dụng cho 1 lần cho mỗi vé tàu).

Hiện đường sắt đã và đang khai thác nhiều tuyến tàu gắn với du lịch bao gồm cả tuyến dài và tuyến ngắn như: tuyến TP Hồ Chí Minh – Nha Trang, Hà Nội – Hải Phòng, Đà Lạt – Trại Mát, Đà Nẵng – Huế, TP Hồ Chí Minh – Bình Thuận, Đà Nẵng – Quy Nhơn, Tàu hỏa leo núi Mường Hoa (Sa Pa)…

Chất lượng tăng, khách tăng

Dịp Lễ 10/3 và kì nghỉ 30/4 – 1/5 chuẩn bị mở màn cho hè năm 2024, nhiều đơn vị lữ hành cho biết, một số tuyến đường sắt từ Hà Nội đi Vinh, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng… trong tháng 4 và tháng 5 đã kín vé tàu.

Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, để phục vụ người dân, ngoài những mác tàu chạy cố định, dịp Lễ 30/4 – 1/5 và cao điểm Hè sắp tới, ngành Đường sắt tăng cường nhiều mác tàu phục vụ hành khách di chuyển được thuận tiện hơn và tiếp tục áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá.

Các tàu được bổ sung gồm Hà Nội – Đồng Hới, Hà Nội – Vinh,  Hà Nội – Thanh Hóa, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng…

Như vậy, hè này, người dân có thể lựa chọn tàu hoả để làm phương tiện di chuyển đến nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn trong nước với chi phí hợp lý và nhiều trải nghiệm mới mẻ.

Dịp này, đường sắt cũng tiếp tục áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá như: giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội, đoàn viên công đoàn, hành khách có thẻ khách hàng, giảm giá vé lượt về cho hành khách mua vé khứ hồi.

Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương đánh giá, chất lượng phục vụ tăng đi kèm với những sản phẩm ấn tượng, giá cả hợp lý, đã giúp ngành đường sắt tăng trưởng, dần lấy lại vị thế trong hoạt động vận tải và giành được thiện cảm của khách hàng.

Muốn phát triển hơn nữa, đường sắt cần đầu tư cả về phương tiện lẫn dịch vụ, phải có sự phối hợp giữa đường sắt và đường bộ để nâng cao trải nghiệm và sự thuận tiện cho hành khách.

Tàu Huế – Đà Nẵng đi ngang Lăng Cô, một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Ảnh: Trang Ly
Tàu Huế – Đà Nẵng đi ngang Lăng Cô, một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Ảnh: Trang Ly

Nhìn xa hơn, thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương và nhiều chuyên gia cho rằng, trong tương lai, khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hoàn thành thì tuyến đường sắt hiện hữu có thể để làm sản phẩm du lịch. Cần xây dựng phương án khai thác các tuyến tàu này để làm nổi bật nét độc đáo, tạo nên sức cạnh tranh.

Đường sắt rõ ràng không thể di chuyển nhanh bằng hàng không, cũng không thuận tiện kết nối bằng đường bộ, nhưng du lịch hè bằng tàu hoả lại là một trải nghiệm rất riêng, rất đặc biệt. Bởi, lợi thế của ngành đường sắt là khai thác được những cung đường uốn lượn tuyệt đẹp trên dải đất hình chữ S, với khung cảnh thiên nhiên non nước hữu tình đi qua núi cao, ngang những vùng biển đẹp, từ đô thị sầm uất đến miền quê hiền hoà.

Trên hành trình ấy, ngành đường sắt đang từng bước kết hợp chặt chẽ với ngành du lịch để thiết kế và ngày càng hoàn thiện hơn những trải nghiệm độc đáo, mới mẻ, ghi dấu ấn rõ nét của ngành đường sắt trong dịch vụ du lịch. Qua đó, mang đến hành trình di chuyển, tham quan, nghỉ dưỡng tuyệt vời cho mỗi người. Đây là một trải nghiệm rất đáng thử cho người dân trong dịp Hè năm 2024.

Huyền Sâm – Kinhtedothi