Đầu tư vào VinFast xuất phát từ trách nhiệm xã hội và lòng yêu nước

Dù biết các chiến lược đầu tư vào VinFast không đem về lợi nhuận như mong đợi nhưng Chủ tịch VinGroup Phạm Nhật Vượng vẫn cam kết sẽ đầu tư thêm nếu cần.

Thời gian qua, cổ phiếu các hãng xe điện trên toàn thế giới đồng loạt giảm mạnh và VinFast cũng không nằm trong ngoại lệ. Đó cũng là điều dễ hiểu khi ngành công nghiệp xe điện đang đối mặt với tình trạng dư thừa công suất do doanh số bán hàng không tăng trưởng như mong đợi. Cán cân cung cầu mất cân đối đã trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc cạnh tranh về giá cả, mà vấn đề này đang gây bất lợi cho tỷ suất lợi nhuận, gây thua lỗ cho các công ty khởi nghiệp trong ngành. Trước tình hình khó khăn chung như vậy, VinFast vẫn hy vọng có tiềm năng tăng trưởng cao hơn trong tương lai. Đây là nhấn mạnh của công ty mẹ Vingroup trong buổi phỏng vấn với hãng tin Reteurs.

Đầu tư vào VinFast xuất phát từ trách nhiệm xã hội và lòng yêu nước - Ảnh 1
VinFast vẫn hy vọng có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Dự báo cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng

Năm ngoái VinFast chính thức lên sàn chứng khoán Mỹ. Có thời điểm, cổ phiếu VinFast tăng tới 93 USD. Hiện tại, do tình hình suy giảm chung, cổ phiếu VinFast chỉ có giá 3,95 USD.

Các chuyên gia tài chính của Nasdaq nhận định đây là mức giá hấp dẫn rất nên mua vì cổ phiếu VinFast sẽ có tiềm năng tăng trưởng tốt. Theo như phân tích, giá mục tiêu hướng tới sẽ là 10,5 USD, tăng hơn 156% so với giá hiện tại. Thậm chí, giá mục tiêu thấp trên phố Wall cũng là 8 USD. Điều đó có nghĩa giá cổ phiếu VinFast sẽ tăng gần gấp đôi.

Thành công vượt trội của Xanh SM

Ra mắt tháng 4/2023, hãng taxi điện Xanh SM, thuộc Công ty Cổ Phần Di chuyển Xanh và Thông minh (Green Smart Mobility – GSM) trực thuộc tập đoàn Vingroup đã tạo ra một tiếng vang lớn trong thị trường dịch vụ đặt xe tại Việt Nam. Dữ liệu ngành cho thấy, GSM chiếm 18% thị trường trong quý IV năm 2023, chỉ đứng sau đối thủ là Grab.

Áp dụng chiến lược khác với Grab hay Gojek, các tài xế của Xanh SM cũng có thể trở thành đối tác với VinFast khi sở hữu xe điện của hãng. Chiến lược này đã giúp hãng tăng trưởng nhanh hơn nhưng cũng làm tăng chi phí. Nhờ có GSM, doanh số của VinFast đã tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023, đạt mức 1,1 tỷ USD trong bối cảnh VinFast còn đang gặp khó khăn trong việc phát triển tại thị trường quê hương. VinFast cho biết, GSM đã đóng góp 70% vào doanh thu bán xe của hãng.

Bất chấp khả năng sinh lời thấp và chi phí cao nhưng VinFast vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tăng số lượng xe điện cho GSM trong năm 2024. VinFast khẳng định, khả năng sinh lời của GSM sẽ không có ngay lập tức mà sẽ có trước năm 2030.

Đầu tư xe điện xuất phát từ trách nhiệm xã hội và lòng yêu nước

Năm 2023, VinFast đặt mục tiêu bán 50 nghìn xe. Tuy nhiên, hãng mới chỉ bán được 35 nghìn xe trong năm ngoái. Năm nay, VinFast tiếp tục nâng cao mục tiêu bán 100 nghìn xe. Tuy đây là một mục tiêu khó khăn nhưng ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup vẫn cam kết sẽ đầu tư thêm cho VinFast nếu cần thiết. Trong năm 2024, VinFast có kế hoạch chi tiêu vốn lên tới 1,5 tỷ USD, trong đó 400 triệu USD sẽ được rót vào dự án xây các trạm sạc trên khắp Việt Nam.

Ông Vượng thẳng thắn nhận định, chiến lược đầu tư vào VinFast năm 2023 không đem đến lợi ích nhiều về mặt kinh tế. Tuy nhiên, Vingroup vẫn quyết định thành lập VinFast. Dự án này xuất phát từ trách nhiệm xã hội và lòng yêu nước. Ngoài mục tiêu phát triển bền vững, giảm khí thải carbon thì VinFast còn đem thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế. Nếu chỉ nghĩ tới kinh doanh và kiếm tiền, Vingroup đã không dại dột lao vào ngành công nghiệp khó khăn như sản xuất ô tô.

Đầu tư vào VinFast xuất phát từ trách nhiệm xã hội và lòng yêu nước - Ảnh 2
Xanh SM thuộc GSM đã đóng góp phần lớn doanh thu cho VinFast năm 2023.

Theo: Nasdaq, Reteurs

Gia Tuệ – Kinhtemoitruong.vn