Chung cư mini, “nhà hộp diêm”: “Vấn nạn” của các đô thị

“Chung cư mini là một “vấn nạn” của các đô thị do khó khăn trong quản lý và gây quá tải hạ tầng đô thị, do đó, không thể “luật hóa” loại hình này, trái lại cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ…”.

Đây là quan điểm của Ths Nguyễn Văn Đỉnh – Chuyên gia pháp lý đầu tư bất động sản với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vụ cháy thương tâm vừa xảy ra mới đây. Vị chuyên gia cho rằng, đây là bài học về xây dựng chính sách.

Theo đó, vụ cháy làm nhiều người thương vong ở chung cư mini trong hẻm 29/70 Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) đêm 12/9 đã gây ra hậu quả rất nặng nề. Số lượng người bị chết, bị thương rất lớn. Vụ cháy này lại dấy lên sự lo ngại về sự an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) của dạng công trình chung cư mini nói riêng và an toàn phòng cháy chữa cháy nói chung.

Ths.Nguyễn Văn Đỉnh – Chuyên gia độc lập trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, bất động sản trong một hội thảo tại VCCI. Ảnh: Gia Nguyễn

Không “luật hóa” chung cư mini

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh sự việc này, Ths.Nguyễn Văn Đỉnh cho biết, chung cư mini là một “vấn nạn” của các đô thị do khó khăn trong quản lý và gây quá tải hạ tầng đô thị. Theo vị chuyên gia này, chung cư mini đã tồn tại từ lâu do nhu cầu lớn của người dân gắn liền với quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số cơ học. Từ hơn 10 năm trước, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP quy định chi tiết Luật nhà ở năm 2005 đã tạo khung pháp lý ban đầu cho việc hợp pháp hóa chung cư mini. Luật Nhà ở năm 2014 tiếp tục kế thừa và quy định về chung cư mini (Điều 46).

“Loại hình “nhà hộp diêm” này cực kỳ “hot” tại các đô thị lớn vì diện tích vừa phải, giá bán phù hợp túi tiền của các hộ gia đình trẻ, người lao động, sinh viên… và có vị trí tiện lợi cho sinh hoạt, học tập, làm việc, cho con học… nhưng lại là một “vấn nạn” của các đô thị do khó khăn trong quản lý và gây quá tải hạ tầng đô thị”, chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh nói.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua vào tháng 11/2023 lại đề xuất hợp pháp hóa loại hình này dưới cái tên là “nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở của hộ gia đình, cá nhân”!?

Theo đó, nếu một hộ gia đình, cá nhân có thửa đất ở diện tích chỉ vài trăm mét vuông thì có thể xây dựng chung cư mini để bán, thủ tục chỉ đơn giản là xin cấp giấy phép xây dựng theo trình tự cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ thông thường.

Chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh cho biết, “chủ đầu tư” trường hợp này là các hộ gia đình, cá nhân, không cần phải thành lập doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản, không cần lập dự án đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (gồm các thủ tục: chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất/cho thuê đất, định giá đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi/thiết kế cơ sở, thẩm duyệt PCCC, cấp giấy phép xây dựng, nghiệm thu PCCC, nghiệm thu công trình đủ điều kiện đưa vào vận hành…). Một dự án phát triển nhà chung cư thông thường sẽ mất tối thiểu 2 năm để hoàn thiện thủ tục pháp lý trước khi khởi công thì với chung cư mini (núp bóng nhà ở riêng lẻ) có thể chỉ cần 1-2 tháng (tùy thuộc vào mức độ “thân thiết” với cơ quan cấp phép xây dựng, thường chỉ là UBND cấp quận).

Nguy hiểm ở chỗ, Điều 57 dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi bản mới nhất (trình Hội nghị Đại biểu chuyên trách cuối tháng 8/2023) lại cho phép “chủ đầu tư” được lựa chọn cấp “sổ hồng” riêng đối với từng căn hộ, điều này sẽ dẫn đến loại hình chung cư mini được “luật hóa” và không khác gì căn hộ chung cư thông thường. Theo đó, một hộ gia đình trẻ với 700-800 triệu đồng cũng có thể mua một căn hộ chung cư mini diện tích 30m2 và được cấp “sổ hồng” giống hệt như mua căn hộ trong dự án?

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh, nếu chính sách này được thông qua, chắc chắn sẽ dẫn đến chung cư mini “đã hot ngày càng hot hơn”, người dân sẽ càng đổ xô mua chung cư mini, sẽ hình thành làn sóng đi lùng mua các lô đất ở kề cận để hợp thửa, xây chung cư mini bán tràn lan thay vì khuyến khích phát triển nhà ở theo dự án, đảm bảo kết nối hạ tầng đồng bộ. Ngoài vấn đề an toàn, PCCC thì việc giải quyết hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (trường học, y tế, sân chơi, thể dục thể thao, cây xanh, dịch vụ…) cho các hộ gia đình mua chung cư mini sẽ chồng chất thêm cho chính quyền các đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… nếu “luật hóa” chung cư mini.

Quan điểm lập pháp này dường như không phù hợp với quan điểm tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021) là khuyến khích phát triển nhà ở theo dự án, đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, phát thải thấp, nâng cao chất lượng nhà ở, đảm bảo kết nối và đồng bộ hệ thống hạ tầng; hạn chế xây dựng nhà ở tự phát của hộ gia đình, cá nhân.

“Tôi kiến nghị không “luật hóa” chung cư mini, “nhà hộp diêm”, trái lại cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là không công nhận giao dịch mua bán căn hộ chung cư mini, kiên quyết không cấp “sổ hồng” riêng đối với từng căn hộ chung cư mini để không làm bùng phát loại hình này, tránh nguy cơ mất an toàn và quá tải hệ thống hạ tầng đô thị”, chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh nói.

Chung cư mini ở địa chỉ số 37 ngõ 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội), nơi xảy ra vụ cháy khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương.

Đây là sản phẩm lỗi của một giai đoạn phát triển

Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã có văn bản kiến nghị lên Bộ Xây dựng về các vấn đề của chung cư mini. HoREA cho rằng quy định cho tồn tại và cấp sổ hồng cho chung cư mini đã dẫn đến tình trạng “khoét lõm”, xây dựng tràn lan các “chung cư mini” tại các đô thị lớn, từ đó, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị, đồng thời gây mất mỹ quan và không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cũng như thiếu các tiện ích, dịch vụ phục vụ cư dân.

HoREA đề nghị, không cấp sổ hồng cho các căn hộ chung cư mini mà chỉ để loại hình này kinh doanh cho thuê, công tác quản lý vận hành do chủ đầu tư đảm nhiệm và chịu trách nhiệm.

Nhấn mạnh về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, chung cư mini là sản phẩm lỗi của một giai đoạn phát triển, ngay từ đầu khi loại hình này xuất hiện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã lên tiếng phản đối.

”Chung cư mini hầu hết được xây dựng trên đất xen kẹt, nằm trong các ngõ hẻm khu vực đông dân cư. Do đó, chung cư mini tồn tại những bất cập như việc gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật xã hội, làm tăng mật độ dân cư, không đảm bảo các quy chuẩn về an toàn phòng chống cháy nổ, thiếu tiện ích cần thiết cho cư dân… Tiếp tục để loại hình này phát triển sẽ này sinh nhiều vấn đề về đô thị, quy hoạch” – ông Nguyễn Văn Đính nói.

Tác giả: Nguyễn Giang

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn