Ba nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa xuân ở Nghệ An
Lúa xuân ở Nghệ An đang gặp 3 nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất, thậm chí mất mùa diện rộng: Hạn hán đến sớm, chuột, sâu bệnh gây hại và lúa sẽ trổ sớm.
Vụ xuân này Nghệ An gieo cấy được 90.800 ha lúa, 12.600 ha ngô, 7.100 ha lạc… Hiện cây lúa đang gặp hạn hán nghiêm trọng, nhất là vùng sử dụng nước sông Lam. Cùng hạn hán là sâu bệnh phát sinh, phát triển nhiều và khả năng sẽ có nhiều diện tích lúa xuân trổ sớm do trời ẩm, nhiệt độ không khí cao và lại được gieo cấy sớm trước thời vụ quy định.
Hạn hán đến sớm, diện tích lúa bị hạn nhiều
Vụ xuân này gia đình ông Nguyễn Văn Viện ở xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương gieo cấy được 4 sào lúa (2.000 m2), lẽ ra đã bón phân thúc cho lúa đẻ nhánh từ lâu, nhưng vì ruộng khô, bón phân không có tác dụng. Nếu, cứ chờ có nước để bón thì chưa biết đến bao giờ. “Lúa gặp hạn hán nặng, chưa chắc đã có thu hoạch”, ông Viện lo lắng.
Huyện Thanh Chương gieo cấy được 8.600 ha lúa xuân. Theo ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện, những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trời ít mưa, nước sông Lam thường xuyên xuống thấp, nhất là thời gian từ trước Tết âm lịch đến nay. Sản xuất nông nghiệp thiếu nước tưới nghiêm trọng, nhất là vùng tưới bằng bơm điện lấy nước từ sông Lam.
Ông Thái Đăng Phương – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Thanh Chương cho biết: Công ty phục vụ nước tưới cho 7.100 ha lúa vụ xuân, trong đó có 2.000 ha phụ thuộc vào nước sông Lam. Hiện tại công ty quản lý 9 trạm bơm điện dọc hai bên bờ sông Lam, nhưng nước sông Lam xuống cạn, hầu hết các máy bơm phải ngừng hoạt động. Trước tình hình nguy cấp vì hạn, tất cả cán bộ công nhân viên công ty suốt ngày đêm bám sát các trạm bơm để tiến hành nối dài ống hút, hạ thấp cao trình đáy bể hút để có nước cho máy hoạt động. Tuy nhiên, mỗi trạm cũng chỉ có 1 – 2 máy hoạt động được trong thời gian 5 – 6 giờ/ngày, vì nguồn nước không đủ, thậm chí có máy đã bị cháy vì vượt quá công suất hút thiết kế ban đầu.
Tổng diện tích lúa xuân bị hạn nặng của huyện đã lên xấp xỉ 3.000 ha; nếu những ngày sắp tới không có mưa, nước từ các nhà máy thủy điện ở thượng lưu xả về không nhiều thì diện tích lúa và nhiều cây trồng khác trên địa bàn huyện Thanh Chương sẽ có nguy cơ mất mùa.
Phía dưới huyện Thanh Chương có các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, thành phố Vinh đã có nhiều diện tích lúa xuân bị hạn. Tại vùng tưới của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An, diện tích lúa bị hạn đã lên đến 2.840 ha (Nam Đàn 581 ha, Hưng Nguyên 620 ha, Nghi Lộc 1.270 ha, thành phố Vinh 370 ha). Tại các công trình đầu mối, như: Cống Nam Đàn, cống Bến Thủy, mực nước xuống quá thấp, thậm chí ngay đầu cống Nam Đàn mực nước có lúc xuống -0,3m so với thiết kế nên phải đóng cống để nước không chảy ngược lại ra sông.
Trước hạn hán đang nghiêm trọng, Sở NN-PTNT Nghệ An đã tổ chức cuộc họp giữa các công ty thủy điện và các ban ngành địa phương để thống nhất phương án điều tiết nước từ các hồ thủy điện về. Theo đó, có 3 đợt xả, đợt 1 xả từ ngày 28/2 đến hết ngày 1/3; đợt 2 từ ngày 20/3 – 24/3 và đợt 3 từ ngày 25/4 – 29/4. Ông Nguyễn Trường Thành – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết: Căn cứ vào tình hình diễn biến của thời tiết, thực tế mức độ hạn hán, Sở NN-PTNT sẽ đề nghị xả nước ở hồ thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê với lưu lượng nước xả và thời gian phù hợp để đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất, nước phục vụ dân sinh cho vùng hạ du.
Cho dù vừa qua các hồ thủy điện đã xả nước xuống sông Lam, thế nhưng theo ông Thái Đăng Phương – Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Thanh Chương, tại các trạm bơm mực nước tăng không đáng kể, các trạm bơm vẫn phải có người túc trực 24/24h để chờ đợi và sẵn sàng bơm ngay khi có nước dâng lên.
Nhiều loại sâu bệnh phát triển gây hại
Trên đồng ruộng Nghệ An đã có nhiều loại sâu bệnh phát sinh, phát triển gây hại, như: sâu cuốn lá, rầy nâu, chuột, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn lá, bệnh vàng lá lúa do ngộ độc hữu cơ…
Nhưng, đáng lo sợ nhất là bệnh đạo ôn trên lá lúa và nạn chuột phá hoại mạnh. Diễn biến của thời tiết cả thời gian dài vừa qua và hiện nay trời ít nắng, âm u, mưa phùn và sương mù kéo dài, ẩm độ không khí cao… rất thích hợp cho nấm bệnh đạo ôn phát sinh và phát triển gây hại trên cây lúa.
Hiện tại bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện nhiều trên cây lúa ở một số địa phương, nhất là ở các vùng đồng bằng ven biển, vùng đồng ruộng có đồi núi bao quanh. Tại huyện Diễn Châu, ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng NN-PTNT cho biết, bệnh đạo ôn đã xuất hiện rải rác ở nhiều xã với diện tích gần 100 ha, trong đó nhiều nhất ở các xã: Minh Châu, Diễn Phú, Diễn Lộc… Huyện đang tập trung chỉ đạo các xã, HTXNN phát hiện sớm, phòng trừ ngay bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của Phòng NN-PTNT. Tại huyện Hưng Nguyên, theo ông Hoàng Đức Ân – Trưởng phòng NN-PTNT: bệnh đạo ôn đã xuất hiện trên diện tích khoảng 60 – 70 ha lúa, tập trung chủ yếu ở các xã: Châu Nhân, Hưng Lợi, Hưng Thịnh, Hưng Phúc… Ông Ân nhận định, bệnh đạo ôn rất có khả năng bùng phát mạnh, do thời tiết sương mù nhiều, ẩm độ không khí cao. UBND huyện chỉ đạo các xã, HTXNN thường xuyên thăm đồng phát hiện sớm mầm bệnh xuất hiện trên lá lúa, kịp thời phun thuốc phòng trừ ngay để ngăn ngừa bệnh phát triển kéo dài gây hại khi lúa trổ bông.
Nhận định của Chi cục Trồng trọt và BVTV thì sản xuất vụ xuân năm nay có 3 nguy cơ gây ảnh hưởng đến kết quả sản xuất: Thứ nhất là hạn hán đến sớm và kéo dài; thứ hai là sâu bệnh xuất hiện nhiều, nhất là bệnh đạo ôn và chuột và thứ ba là lúa xuân sẽ trổ sớm trước lịch thời vụ quy định.
Nạn chuột đã và đang phá hoại khá phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều nhất ở các vùng đồng bằng thuộc các huyện: Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc… với diện tích tương đối lớn, trong đó có khoảng 700 – 800 ha bị nặng.
Tại huyện Diễn Châu, ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết: UBND huyện đã chi gần 700 triệu đồng mua 7 tấn thuốc và 52.000 bẫy bán nguyệt để hỗ trợ bà con diệt chuột. Đồng thời phát động phong trào toàn dân ra đồng diệt chuột bảo vệ mùa màng trên phạm vi toàn huyện.
Khó tránh khỏi lúa xuân trổ sớm
Lịch xuống giống lúa xuân 2024, Sở NN-PTNT Nghệ An quy định:
Trà lúa xuân chính vụ (đại trà) gieo mạ từ 1 – 15/1 (từ 20/11 – 5/12 âm lịch), cấy khi mạ được 20 ngày tuổi (từ 2,5 – 3,0 lá). Trên cơ sở thời vụ nói trên, giống lúa nào có thời gian sinh trưởng dài ngày hơn thì gieo mạ đầu khung thời vụ, giống nào ngắn ngày hơn thì bố trí gieo sau. Riêng nơi nào có tập quán gieo sạ (gieo thẳng) thì gieo muộn hơn từ 5 – 7 ngày so với lịch gieo mạ.
Các giống lúa gieo cấy chủ lực và đại trà trong vụ xuân năm nay: Lúa thuần VNR 20, TBR 225, Bắc Thịnh, Thiên ưu 8, ADI 168; Lúa lai: Thái xuyên 111, Phú ưu 978, VT 404, Long Hương 8117.
Thời vụ như vậy nhưng thực tế phần lớn bà con nông dân ở các địa phương lại xuống đồng gieo cấy trước lịch thời vụ từ 7 – 10 ngày, thậm chí có nơi còn gieo cấy sớm hơn nữa. Nhất là các xã: Long Thành, Nhân Thành, Vĩnh Thành… huyện Yên Thành; Châu Nhân, Hưng Thịnh, Hưng Phúc… huyện Hưng Nguyên; Minh Châu, Diễn Nguyên, Diễn Thái… huyện Diễn Châu. Ở những vùng gieo cấy sớm trước lịch thời vụ từ 10 ngày trở lên, nay lúa đã đứng cái làm đòng. Gieo cấy sớm, lại gặp năm diễn biến thời tiết từ đầu vụ trời ấm, nắng nóng đến sớm, nhiệt độ không khí ban ngày cao hơn trung bình nhiều năm trên 1,5 độ C. Vì vậy, khả năng lúa xuân năm nay sẽ trổ sớm, trổ trước lịch thời vụ quy định trên dưới 10 ngày (trổ đúng vào tiết thanh minh 5/4). Thông thường tiết thanh minh ở Nghệ An thường có không khí lạnh tràn về, nhiệt độ không khí xuống thấp dưới 23 độ C, kèm theo gió mạnh và mưa to làm cho hạt phấn bị chết và thối, cả hạt lúa bị lép lửng, vỏ hạt lúa bị đen, người dân thường gọi hiện tượng này là lúa bị bầm ruồi, năng suất giảm nghiêm trọng, thậm chí mất trắng.
Nếu, vụ xuân năm nay lúa trổ sớm đúng vào tiết thanh minh mà không có rét thì năng suất lúa vẫn không cao do thời gian sinh trưởng bị rút ngắn lại, không có đủ thời gian để tích lũy vật chất vào cơ thể cây trồng trước khi làm đòng.
Trước tình hình những bất lợi đã và đang có nguy cơ gây ra ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy và chính quyền các địa phương bám sát cơ sở, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống hạn, sâu bệnh, chuột… để bảo vệ mùa màng, hạn chế đến mức thấp nhất do thiên tai và sâu bệnh, chuột gây ra.
Tác giả: Doãn Trí Tuệ
Nguồn: nongnghiep.vn