Yên Thành (Nghệ An) từng bước đưa hoạt động khai thác khoáng sản dần đi vào nề nếp
Để chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trong thời gian tới, huyện Yên Thành đưa ra các giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên khoáng sản đến thôn/xóm.
Huyện Yên Thành hiện có 10/11 mỏ đá, đất đang hoạt động. Những năm qua, trong quá trình khai thác chế biến đá vẫn còn tồn tại những bất cập. Hoạt động xay đá, nổ mìn cũng như vận chuyển đá đã gây ô nhiễm cho các hộ dân sống gần khu vực mỏ. Một số mỏ đá vẫn còn tình trạng đá treo, mất an toàn trong lao động… Trước tình trạng trên, huyện Yên Thành và ngành chức năng đã thực hiện các giải pháp chấn chỉnh hoạt động khoáng sản.
Thông tin từ phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Yên Thành cho biết: Huyện đã yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản, chủ yếu khai thác đá, đất thực hiện cắt các mỏm đá treo, thực hiện làm đường công vụ lên mỏ. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện các quy định của pháp luật trong khai thác mỏ. Các đơn vị khai thác khoáng sản phải tập trung xử lý môi trường trong khai thác. Tổ chức tưới các tuyến đường vận chuyển khoáng sản đi qua khu dân cư để giảm thiểu bụi. Chấp hành giờ giấc nổ mìn, đảm bảo an toàn lao động…
Mặc khác, UBND huyện Yên Thành cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác (chủ yếu tài nguyên đất) để ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Thành lập đoàn liên ngành của UBND huyện kiểm tra việc chấp hành về bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và việc chấp hành pháp luật về thuế trong hoạt động kinh doanh, khai thác, vận chuyển khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Huyện Yên Thành cũng đã phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra theo định kỳ hoặc đột xuất, yêu cầu các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động khai thác, khắc phục ngay các nguy cơ mất an toàn lao động, đảm bảo môi trường an toàn mới được hoạt động.
Để chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trong thời gian tới, huyện Yên Thành đưa ra các giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên khoáng sản đến thôn/xóm. Phối hợp với các ngành liên quan, tổ chức tập huấn về công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn cho cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.
Vận động nhân dân địa phương không khai thác, thu mua, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép. Phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Tập huấn pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động tài nguyên khoáng sản trái phép đối với các cán bộ cấp xã.
Chỉ đạo các cơ quan, phòng ban ngành liên quan tiếp tục tăng cường phối hợp, tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khai thác khoáng sản trái phép. Đặc biệt, chỉ đạo xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu chính quyền địa phương có các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người.
Khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân có năng lực để thực hiện các dự án đầu tư cấp mỏ khoáng sản đất vật liệu san lấp trên địa bàn, góp phần hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Đại diện lãnh đạo phòng Tài Nguyên và Môi trường cho biết: Về lâu dài huyện mong muốn UBND tỉnh, các Sở ban ngành tạo điều kiện sớm hoàn thiện các thủ tục về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, lập hồ sơ, thủ tục xin cấp phép khai thác khoáng sản đối với các mỏ đất san lấp, tránh tình trạng khai thác đất trái phép, chủ động nguồn đất phục vụ san lấp cho các công trình xây dựng trên địa bàn.
Theo Minh Anh
Link gốc: https://www.moitruongvadothi.vn/yen-thanh-tang-cuong-cong-tac-quan-ly-tai-nguyen-khoang-san-a107909.html