Xây dựng văn hóa không tham nhũng phải rất chú trọng giáo dục danh dự, liêm sỉ
“Muốn xây dựng văn hóa không tham nhũng thì không có gì tốt hơn là giáo dục về đạo đức, thực hành đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, nhất là trong Đảng, trong đội ngũ cán bộ, công chức có chức, có quyền phải rất chú trọng giáo dục danh dự, liêm sỉ”, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí, GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, từ nhiều năm nay, Đảng ta đã tỏ rõ quyết tâm chính trị xung quanh cuộc chiến chống tham nhũng.
“Tham nhũng làm tổn hại đến lợi ích vật chất, tinh thần của người dân. Quyết tâm chống tham nhũng và làm cho cuộc chống này thành công, có hiệu quả là cách tốt nhất để lấy lại lòng tin của nhân dân, phát huy niềm tin của dân với Đảng”, GS.TS Hoàng Chí Bảo nói.
Quyết tâm đẩy mạnh chống tham nhũng rất được lòng dân
+ Trong Kết luận số 12, Bộ Chính trị yêu cầu kiên quyết, kiên trì xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Ông suy nghĩ gì về điều này.
Chúng ta phải thấy tham nhũng là phản dân chủ, phản văn hóa. Bác Hồ còn nói tham nhũng là một tội ác phải nghiêm trị. Quyết tâm của Bộ Chính trị, của Trung ương trong đẩy mạnh chống tham nhũng là rất được lòng dân. Bản thân điều đó đã có ý nghĩa về văn hóa chính trị rồi.
Theo tôi, muốn xây dựng văn hóa không tham nhũng thì không có gì tốt hơn là giáo dục về đạo đức, thực hành đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, nhất là trong Đảng, trong đội ngũ cán bộ, công chức có chức, có quyền phải rất chú trọng giáo dục danh dự, liêm sỉ. Khi biết nhục vì rơi vào tham nhũng thì người ta sẽ tự bảo vệ mình và tự khắc có khả năng chống được tham nhũng.
Chúng ta cũng phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực bằng chính sách, cơ chế để không dám và không thể tham nhũng, tức là, có hàng rào luật pháp rất chặt chẽ và để không ai muốn tham nhũng vì phải trả giá rất đắt cả về cuộc sống, sinh mệnh và danh dự.
Tóm lại, phải có cơ chế, chế tài, cùng với giáo dục tinh thần. Theo cách nói của ông cha ta là phải kết hợp tốt đức trị và pháp trị, nhất là đề cao pháp trị trong xây dựng nhà nước pháp quyền thì cán bộ mới không dám tham nhũng.
+ Bộ Chính trị cũng yêu cầu, từng bước mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước. Qua những vụ việc gần đây như vụ Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, ông có cảnh báo điều gì?
Những vụ việc đó cho thấy phải rất chú trọng phòng chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước. Ở đây, không trái với quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân – tức là khuyến khích mọi người dân tham gia sản xuất, phát triển kinh tế để tăng cường tiềm lực của xã hội.
Nhưng phải kiểm soát bằng luật để làm sao không có sự lợi dụng kẽ hở của luật pháp để làm những điều bất minh, bất chính. Mà bất minh, bất chính không phải là chuyện nhỏ, với món tiền khổng lồ, mà như vấn đề đất đai, cổ phần, cổ phiếu còn làm rối loạn điều hành kinh tế – xã hội, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Qua các vụ việc kit test COVID -19 Việt Á, Tân Hoàng Minh, FLC lại càng phải nghiêm trị các hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật, bất kể đó là ai. Việc bắt lãnh đạo của các tập đoàn đó là vì vậy.
Thứ hai là phải tạo ra môi trường xã hội lành mạnh, ủng hộ cái tích cực và dấy lên công luận xã hội, trong đó có vai trò của báo chí là biết phê phán nghiêm khắc những hành vi sai trái. Dư luận xã hội rất quan trọng, nó thúc đẩy luật pháp, bảo vệ luật pháp và vạch trần những điều xấu xa, gian trá để bảo vệ chính nghĩa, lương thiện.
Chúng ta phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế nhưng phải lành mạnh; không phải kinh tế vì kinh tế mà phải gắn chặt kinh tế vì cộng đồng xã hội, vì sự phát triển bền vững. Mà phát triển bền vững trước hết là phát triển hợp lý, đúng quy luật, không rơi vào những điều suy thoái đạo đức.
Cán bộ liêm chính sẽ vượt qua cám dỗ tiền bạc, vật chất
+ Trong vụ Việt Á cho thấy có sự cấu kết giữa quan chức Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân?
Tôi thấy, ở đây có biểu hiện rất tinh vi, phức tạp. Từ nội tại doanh nghiệp đã câu kết được với bên ngoài, thao túng cả khu vực Nhà nước, dẫn đến hiện tượng rất lo ngại là cán bộ quan chức thoái hóa, rất dễ bị vật chất và đồng tiền mua chuộc.
Cho nên, phải thực hiện cho được điều Đảng ta đã nói là kiên quyết ngăn chặn, xử lý những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lợi dụng, lạm dụng quyền lực, chống lại nhóm lợi ích, bè phái. Quan chức càng phải nêu gương, liêm chính thì mới có thể dẹp được những tiêu cực như vừa rồi.
+ Phải chăng khi cán bộ liêm chính thì doanh nghiệp có muốn móc nối để làm ăn phi pháp cũng khó, thưa ông?
Đúng rồi! Nó là sức mạnh tự bảo vệ từ bên trong, từ chính mình, giúp vượt qua những cám dỗ của tiền bạc, vật chất trước mắt, nhất thời và có thể rơi vào hậu quả tai hại.
Nhìn vào những cán bộ, đảng viên bị kỷ luật vừa rồi thấy họ mất tất cả, mất cả danh giá và quyền lợi vật chất. Do vậy, phải thực tỉnh mọi người, nhất là đội ngũ cán bộ về điều này để họ tự bảo vệ lấy họ, tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
+ Nhưng trong các vụ tham nhũng “mồi câu” là những khoản tiền rất lớn khiến cán bộ dễ lung lay, dao động. Như vụ Việt Á, Giám đốc CDC Hải Dương được chia “hoa hồng” 30 tỷ đồng, Giám đốc CDC Bắc Giang và một số đồng phạm cũng được “lại quả” 44 tỷ đồng?
Tất cả là do cán bộ đó yếu kém về đạo đức và thiếu bản lĩnh. Đạo đức trong sáng thì không vật chất, tiền bạc nào làm gì nổi. Anh thiếu bản lĩnh thì sẽ bị mua chuộc, thành tù binh, nô lệ bởi vật chất trước mắt, nhưng sẽ phải trả giá lâu dài là mất hết mọi thứ.
Tôi nhắc lại là phải có cảnh báo, thức tỉnh từ trong Đảng đến trong nhân dân, trong nhà nước để con người bắt đầu làm việc, ứng xử phải luôn luôn chú trọng danh dự, phẩm giá và lương tâm để không làm bậy.
+ Xin cảm ơn ông!
(Theo Hương Giang/Báo thanh tra)
Link gốc: https://thanhtra.com.vn/phong-chong-tham-nhung/tin-tuc/xay-dung-van-hoa-khong-tham-nhung-phai-rat-chu-trong-giao-duc-danh-du-liem-si-196053.html