Vụ nhà thầu “bán nhanh, rút gọn” ở thuỷ điện Bản Vẽ (Kỳ III): Ai đã “bật đèn xanh”?
Hàng chục hộ dân ở xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An hiện đang sống trong cảnh “đi không được, ở không xong” vì lỡ mua lại nhà cửa, vườn tược 10 năm nay từ nhà thầu công trình thuỷ điện Bản Vẽ.
Đến nay, khi tiến hành tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, trong đó có Bản Vẽ thì mới vỡ ra câu chuyện trước đó nhà thầu đã tự ý bán tài sản trên đất cho người dân địa phương.
Tự ý bán tài sản trên đất
Từ năm 2004, để tạo điều kiện xây dựng thuỷ điện Bản Vẽ trên địa bàn xã Yên Na, huyện Tương Dương, chính quyền các cấp đã đồng ý cho giải phóng mặt bằng bàn giao cho đầu tư là Ban quản lý dự án thuỷ điện 2 mượn đất, để các nhà thầu thi công làm lán trại cho công nhân, nhà điều hành và các công trình phụ trợ liên quan.
Và đến năm 2011, công trình dự án thuỷ điện Bản Vẽ hoàn thành, hoà lưới điện quốc gia cũng là lúc các nhà thầu thi công cơ bản xong phận sự của mình. Các thủ tục liên quan đến việc bàn giao mặt bằng, đất đai trước đó đã mượn của địa phương để sinh hoạt, xây dựng nhà cửa làm việc phải hoàn trả lại cho Nhà nước.
Tuy nhiên, phần việc này ngay sau đó không được thực hiện theo đúng quy định. Thay vào đó, các nhà thầu lần lượt tự ý thanh lý, bán tài sản gồm nhà cửa, vườn tược cho các hộ dân vào sinh sống.
Đơn cử, vào ngày 13/5/2012, ông Phạm Văn Ngũ là giám đốc Công ty CP Sông Đà 410 – Công ty CP Sông Đà 4 đã ký vào văn bản bàn giao toàn bộ trụ sở làm việc của đơn vị này cho ông Vi Thanh Bình, trú tại bản Cỏ Phảo, xã Yên Na, huyện Tương Dương vào sinh sống. Cùng ngày, ông Lê Văn Sơn – đại diện cho chi nhánh Công ty CP Sông Đà 410 nhận số tiền 45 triệu đồng của ông Vi Thanh Bình (ông Phạm Văn Ngũ đã ký, đóng dấu về giấy tờ nhận tiền) hiện còn bút lục.
Sau khi mua được nhà cửa là 02 dãy nhà cấp 4 còn khá kiên cố, gia đình ông Vi Thanh Bình sử dụng vào mục đích vừa sinh sống vừa làm xưởng mộc từ trước tới nay.
Tương tự, Công ty Cavico giao thông cũng bán cho bố mẹ anh Vi Văn Xay khu nhà ở điều hành, làm việc với giá 10 triệu đồng bằng giao dịch miệng với nhau. Sau đó, anh Vi Văn Xay vào ở, sinh sống ổn định từ gần 10 năm nay.
Bà Lương Thị Mai ở bản Khe Chống, xã Yên Na cũng được Công ty Cavico giao thông “bàn giao” 02 gian nhà sát mặt đường, trước đây là nhà của ban điều hành rồi chuyển đến sinh sống tại đây luôn.
Trao đổi với báo chí, ông Lương Thanh Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Na xác nhận: Ở thời điểm đó, khu dân cư thuộc bản Khe Ò có vài điểm sạt trượt rất nguy hiểm, xã và huyện cho di dời khẩn cấp 7 hộ, và họ được phép tự tìm kiếm chỗ ở tạm, nên họ đã mua lán trại cũ của một số nhà thầu để ở; số còn lại là tự mua bán với nhau, xã không biết.
Thuỷ điện xây xong, nhà thầu “bán nhanh, rút gọn”?
Theo báo cáo của Phòng TN&MT huyện Tương Dương, đến nay chủ đầu tư chưa bàn giao cho huyện là 76,76 ha diện tích tích đã được cho mượn khi tiến hành xây dựng, thi công thuỷ điện Bản Vẽ.
Đáng quan tâm, trong tổng số 76,76ha thì có hơn 5,4 ha diện tích đất rơi vào trường hợp khó thu hồi. Do thời điểm vào năm 2011, sau khi thi công xong công trình, một số nhà thầu đã tự ý bán nhà trên đất cho hàng chục hộ dân. Khi được nhà thầu “bàn giao” nhà cửa, vườn tược, một số hộ đã làm nhà kiên cố, số khác đang sinh sống trong các khu nhà cũ.
Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư phải hoàn trả mặt bằng sạch trước khi bàn giao đất cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, khi thi công xong công trình, các nhà thầu lại tự ý bán tài sản trên đất, để cho bà con tiếp tục sử dụng tài sản gắn liền với đất. Tình trạng này cũng khiến cho cấp chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, triển khai các quy hoạch sử dụng đất để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, theo tờ trích lục bản đồ địa chính khu đất tỷ lệ 1/10.000 được sở TN&MT tỉnh Nghệ An phê duyệt ngày 30/5/2012 thì hiện tại còn 76,6 ha đất thuộc khu vực mặt bằng công trường phục vụ thi công Thủy điện Bản Vẽ trước đây (khu ảnh hưởng 1 và khu ảnh hưởng 2); 8,0ha được huyện Tương Dương bàn giao cho chủ đầu tư để giao cho đơn vị thi công sử dụng vào mục đích xây dựng lán trại, công trình tạm phục vụ thi công Thủy điện Bản Vẽ.
Kết quả điều tra hiện trạng sử dụng đất, hiện nay có 94 hộ dân đang sử dụng các công trình lán trại, nhà ở của nhà thầu để lại trên phần đất này từ 10 năm nay.
Được biết, vào ngày 20/9/2022, UBND huyện Tương Dương có văn bản số 1014/UBND-NL về việc bàn giao khu đất mặt bằng công trường Thủy điện Bản Vẽ tại xã Yên Na gửi Ban quản lý dự án thủy điện 2; các phòng TN&MT, KT&HT; UBND xã Yên Na; Ban quản lý bản Vẽ và bản Có Phảo.
Tiếp đó, vào ngày 02/12/2022 và ngày 05/12/2022, UBND tỉnh Nghệ An, Sở Công Thương tiếp tục có các Công văn số 9571/UBND-CN và Công văn số 2460/SCT-QLNL gửi UBND huyện Tương Dương và các ngành liên quan xử lý vấn đề tồn đọng liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng tại dự án thuỷ điện Bản Vẽ.
Theo Ngọc Thái
Link gốc: https://diendandoanhnghiep.vn/vu-nha-thau-ban-nhanh-rut-gon-o-thuy-dien-ban-ve-ky-iii-ai-da-bat-den-xanh-235906.html