Tình thế nguy cấp của Ukraine khi Nga pháo kích dữ dội Kharkiv
Nga đã nhắm vào Kharkiv - thành phố lớn thứ hai của Ukraine bằng cách tăng cường các cuộc tấn công tên lửa, UAV và bom lượn trong những tuần gần đây.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết tình hình rất nghiêm trọng và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải có thêm hệ thống phòng không để bảo vệ Ukraine. Tuy nhiên, gói hỗ trợ quân sự của Mỹ vẫn bế tắc tại Quốc hội và hiện chưa rõ liệu khi nào mới đến tay Kiev.
Ngay cả khi viện trợ không bị trì hoãn, vẫn chưa rõ liệu Mỹ có thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của Ukraine hay không. Kiev đang yêu cầu có thêm nhiều hệ thống Patriot để bảo vệ các thành phố của mình.
Các cuộc tấn công vào Kharkiv ở Đông Bắc Ukraine đã gia tăng trong một vài tuần qua. Kharkiv nằm ở ngay phía Nam Belgorod, dọc biên giới phía Đông của Nga. Về phía Đông Nam là tiền tuyến gần Avdiivka – thành phố chiến lược Nga giành được hồi tháng 2/2024.
Sau các cuộc tấn công, Tổng thống Zelensky tiết lộ “tình hình ở Kharkiv rất khắc nghiệt” và cho rằng “Nga bắt đầu sử dụng bom dẫn đường nhắm vào thành phố này gần như hàng ngày”.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết nước này cần 25 tổ hợp phòng không Patriot để củng cố các thành phố, tiền tuyến cũng như các cơ sở hạ tầng năng lượng và quân sự.
Tổ hợp Patriot đã trở thành “người hùng” của Ukraine, bất chấp những kết quả có phần khác nhau trong các cuộc xung đột quá khứ. Trước khi nhận được chúng vào tháng 4 năm ngoái, Ukraine chủ yếu dựa vào các hệ thống thời Liên Xô.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, bình luận của Tổng thống Zelensky về các hệ thống phòng không Ukraine và việc chúng bị dàn mỏng cho thấy Kiev đang buộc phải “đưa ra những quyết định khó khăn về việc ưu tiên một số khía cạnh phòng thủ của mình trước việc hạn chế khả năng quân sự của Nga hoặc chuẩn bị cho các hoạt động phản công”.
Trong khi Kharkiv là mục tiêu bị pháo kích gần như liên tục kể từ khi xung đột nổ ra thì tỷ lệ tấn công – gần như hàng đêm, cùng hàng loạt tên lửa và bom lượn đã làm dấy lên lo ngại Nga có thể ưu tiên nhằm vào thành phố này trước khi tiến hành các cuộc tấn công năm nay.
Một trong những diễn biến đáng lo ngại nhất của Ukraine khi Nga gia tăng các cuộc tấn công vào Kharkiv là việc sử dụng bom lượn – vũ khí tầm xa hạng nặng được trang bị các bộ kit cho phép chúng lướt tới mục tiêu sau khi được thả từ một khoảng cách nằm ngoài phạm vi của các hệ thống phòng không.
Nga triển khai bom lượn từ năm ngoái nhưng đã tăng cường sử dụng trong những tháng gần đây. Vào giữa tháng 2, cuộc tấn công bằng bom lượn hàng loạt đã áp đảo hệ thống phòng thủ kiên cố của Ukraine và giúp Nga chiếm được Avdiivka. Từ 18 – 24/3, chỉ trong 6 ngày, Nga đã thả 700 quả bom lượn xuống Ukraine.
Các chuyên gia cho rằng cách duy nhất chống lại mối đe dọa bom lượn là bắn hạ những máy bay triển khai chúng nhưng Ukraine không có năng lực đó.
Số lượng ngày càng tăng các cuộc tấn công của Nga, cùng với tỷ lệ các cuộc tấn công tên lửa ngày càng giảm của lực lượng phòng không Ukraine là “dấu hiệu cho thấy sự khan hiếm vũ khí phòng không”, các nhà quan sát thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế có trụ sở tại London nhận định.
Theo họ: “Sự thiếu hụt này một phần là do sự chậm trễ trong viện trợ của châu Âu và những trì hoãn trong gói hỗ trợ quân sự mới nhất của Mỹ trị giá 60 tỷ USD. Mặc dù được Thượng viện thông qua vào tháng 2 nhưng gói hỗ trợ này lại không nhận được sự ủng hộ tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát”.
Nói về hệ thống Patriot ngày 6/4, Tổng thống Zelensky cho rằng, “có các hệ thống phòng không trên thế giới có thể giúp ích cho chúng tôi. Chỉ cần có ý chí chính trị để vận chuyển chúng cho Ukraine”.
“Patriot giờ phải ở Ukraine, vì vậy sẽ không cần sử dụng chúng trên toàn bộ sườn phía Đông NATO trong tương lai”, ông Zelensky nói.
Tác giả: Kiều Anh
Nguồn: Vov.vn