Thị trường sách giáo khoa tại Nghệ An: Kiểm tra 10 vụ, xử phạt 4 vụ
Theo Cục Quản lý thị trường Nghệ An, thời điểm trước thềm năm học mới lực lượng chức năng địa phương xử phạt nhiều vụ sách giáo khoa giả…
Trước thềm năm học mới 2023 – 2024, thị trường sách giáo khoa, sách tham khảo trở nên sôi động. Bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung sách cho các trường và học sinh, tình trạng sách lậu, sách giả tràn lan trên thị trường cũng là mối quan tâm hàng đầu của người dùng, đặc biệt là thời điểm bước vào năm học mới.
Nhiều vụ sách giáo khoa giả bị bắt
Để đảm bảo đủ sách giáo khoa cho năm học mới, theo quy định, việc in ấn, phát hành sách giáo khoa bảo đảm đủ số lượng và chất lượng phải được nhà xuất bản hoàn thành, chuyển đến các đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng ở mỗi địa phương, cung cấp kịp thời đến tất cả học sinh, giáo viên trước khi năm học mới bắt đầu.
Có thể thấy, năm nào cũng vậy vào đầu năm học mới vấn nạn in ấn, xuất bản, buôn bán, kinh doanh các loại sách giả, sách lậu, sách kém chất lượng, nhất là các loại sách giáo khoa càng có xu hướng tăng lên.
Hàng triệu cuốn sách lậu, sách giả các loại đã bị các lực lượng chức năng trên cả nước kiểm tra, thu giữ và xử lý trong thời gian qua. Tuy nhiên do lợi nhuận lớn, nhiều đối tượng vẫn tìm mọi cách để hoạt động, do vậy rất cần các biện pháp quyết liệt hơn để xử lý vấn nạn này.
Trước thực trạng sách giáo khoa không qua kiểm định được các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi như dán mã vạch, tem chống hàng giả… khiến người tiêu dùng khó phân biệt, nhận biết, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, trình độ nhận của người tiêu dùng có nơi còn hạn chế.
Tại Nghệ An, mới đây từ ngày 10/8 đến 6/9, các thành viên của đoàn là kiểm soát viên thuộc Đội Quản lý thị trường số 3 và số 11 thuộc Cục Quản lý thị trường Nghệ An đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra 10 cơ sở phát hành tại TP. Vinh và một số huyện, thị xã, nhằm kịp thời phát hiện ngăn chặn các hành vi vi phạm để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn.
Điều đáng nói, dù chỉ mới kiểm tra 10 cơ sở đoàn đã phát hiện 4 cơ sở tại TP. Vinh, Diễn Châu, Tân Kỳ, Đô Lương, thu giữ hàng chục đầu sách, hơn 150 xuất bản phẩm không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu bị làm giả.
Tại thời điểm kiểm tra, làm việc với cơ quan chức năng, chủ các cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số xuất bản phẩm… Do chủ các cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số xuất bản phẩm nói trên. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền hơn 42 triệu đồng.
Các xuất bản phẩm bị thu hồi chủ yếu là các giáo trình, sách tham khảo… Đây là các đầu sách nghi giả mạo có hình thức tương tự như sách của các nhà xuất bản từ hình ảnh cho đến mã thẻ cào, tem chống hàng giả. Tuy nhiên, khi kích hoạt mã thẻ cào in trên sách thì được báo là không tồn tại hoặc đã sử dụng nên người sử dụng không thể khai thác được các tài liệu điện tử theo tài khoản cá nhân.
Ông Bùi Văn Chung – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: “Trong thời gian tiếp theo, Đội Quản lý thị trường số 3 sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm đối với hoạt động kinh doanh sách giáo khoa trên địa bàn”.
“Siết” thị trường sách giáo khoa
Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Đội Liên ngành phòng, chống in lậu tỉnh Nghệ An đã được thành lập tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động phát hành trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ngay trước thềm năm học mới.
Thiếu tá Ngô Ánh Sáng, Đội trưởng, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Lợi dụng thời điểm đầu năm học mới, tình trạng sách giáo khoa bị làm giả, kém chất lượng gia tăng ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Đội liên ngành Phòng, chống in lậu do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường đã tăng cường công tác kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, bày bán các xuất bản phẩm không có hóa đơn chứng từ, sách có dấu hiệu bị làm giả… qua đó tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An cũng cho biết, việc sử dụng phải sách giáo khoa, sách tham khảo giả trong trường học là mối lo rất lớn, nhất là những sai sót về nội dung, lỗi chính trị sẽ ảnh hưởng đến công tác giáo dục.
Do vậy, rất cần các cơ sở giáo dục, bản thân gia đình nghiên cứu lựa chọn địa chỉ uy tín để mua được sách đảm bảo chất lượng. Ý kiến của nhiều người cũng đề nghị cơ quan chức năng tăng cường soát, bổ sung các quy định, chế tài xử lý hành vi in lậu, in trái phép, tàng trữ, tiêu thụ xuất bản phẩm in giả với mức thật nghiêm khắc, đủ tính răn đe.
Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xuất bản phẩm năm 2024.
Trước thềm năm học mới, theo Cục Quản lý thị trường Nghệ An Tổng cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu lực lượng trong ngành tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với mặt hàng sách giáo khoa, xuất bản phẩm, đồ dùng học tập không đảm bảo chất lượng, sách giáo khoa in lậu, trôi nổi trên thị trường.
Đồng thời, lực lượng Quản lý thị trường phải kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh đối với mặt hàng sách giáo khoa, xuất bản phẩm, đồ dùng học tập, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Tác giả: Hoàng Trinh
Nguồn: congthuong.vn