Sẽ sử dụng công cụ thuế để “kiềm chế” đầu cơ đất đai

Để khắc phục, ngăn chặn vấn nạn đầu cơ, thổi giá đất đai, làm lũng đoạn thị trường đã và đang diễn ra phổ biến thời gian qua, chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần áp dụng chính sách thuế…

Theo đó, ngoài bỏ khung giá đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) và Bộ Tài chính mới đây cũng đang nghiên cứu phương án không tính thuế đất theo hợp đồng mua bán mà căn cứ vào bảng giá đất thị trường hàng năm; đồng thời đánh thuế cao hơn đối với người có nhà ở thứ 2 trở lên… để chống đầu cơ, thất thu ngân sách.

Dư luận kỳ vọng, nếu được thông qua, phương thức đánh thuế lũy tiến sẽ là công cụ hữu hiệu để “kiềm chế” nạn đầu cơ, thổi giá, lũng đoạn thị trường đất đai – Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Cụ thể, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ TN&MT thiết kế chính sách theo hướng dùng các công cụ tài chính, thuế để hạn chế các đối tượng đầu cơ đất đai. Với dự án mà nhà đầu tư mua với mục đích chờ giá tăng lên, đất hóa tài sản… sẽ xem xét dùng thuế lũy tiến để đánh vào đất, dự án trúng thầu, đấu giá nhưng chậm đưa vào sử dụng. Với nhà đầu cơ, nếu mua xong bán ngay sẽ phải chịu mức thuế cao hơn, so với người mua, đầu tư nhưng sử dụng lâu dài, ổn định.

Theo Bộ trưởng TN&MT – Trần Hồng Hà, giải pháp là sẽ áp thuế cao với những người đầu cơ, mua đất, dự án nhưng sau đó không đầu tư mà chờ thị trường tăng để thu lời. Còn đối tượng thổi giá thông qua đấu giá, sẽ thay đổi phương thức đấu giá để loại trừ “động tác” này.

“Quan trọng nhất, tôi cho rằng phải xác định giá theo thị trường và dùng công cụ thị trường để điều tiết giá”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ.

Thực tế, số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, năm 2021, số thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản 21.000 tỷ đồng, tăng hơn 4.900 tỷ đồng (ước tăng 30,4%); trong 6 tháng năm 2022, số thuế thu từ hoạt động này cũng đạt trên 16.600 tỷ đồng, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm trước (ước tăng khoảng 7.000 tỷ đồng).

Đáng chú ý, Tổng cục Thuế khẳng định, sau khi “siết” việc kê khai giá và rà soát giá chuyển nhượng đất đai của các tổ chức cá nhân tại một số địa phương, giá trị giá chuyển nhượng bất động sản kê khai lại tăng từ 2 – 5 lần so với giá kê khai ban đầu, đặc biệt, có hồ sơ kê khai điều chỉnh tăng lên 20 – 40 lần.

Trên thực tế, nhiều diện tích đất, dự án hoang hóa đang gây lãng phí tài nguyên đất – Ảnh minh họa: GIA NGUYỄN

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Bộ TN&MT, Bộ trưởng Bộ Tài chính – Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, để chống thổi giá, đầu cơ đất đai, Nhà nước phải điều tiết thuế để ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng đất chưa sử dụng đã tham gia đấu giá để giữ đất, găm đất; không đầu tư, nhưng để lâu vẫn lên giá. Đồng thời, ngăn chặn tình trạng 2 giá trong thu thuế bất động sản, có giải pháp nghiên cứu đánh thuế bất động sản cao hơn đối với người đầu cơ, sở hữu nhiều bất động sản nhưng không sử dụng.

Trước thực tế đã nêu, các chuyên gia đều đồng tình, việc sử dụng công cụ thuế để “kiềm chế” tình trạng đầu cơ tích trữ nhà đất tăng cao nhưng không đưa vào khai thác sử dụng, gây lãng phí nguồn lực đất đai là cần thiết, việc áp dụng chính sách thuế được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò điều tiết nhằm tạo ra sự công bằng giữa các chủ thể trong sử dụng đất, góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và hiệu quả hơn.

Thông tin với báo chí, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, Dự thảo Luật lần này đã thể chế hóa rất cụ thể yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW về đất đai, tránh tình trạng để đất bỏ hoang, chậm đưa đất hoặc không đưa đất vào sử dụng, và đầu cơ đất.

Việc Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề xuất, dựa trên cơ sở Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện tại cho phép đánh thuế 0,03% đối với đất trong một lần hạn mức; 0,07% với đất vượt không quá 3 lần hạn mức và 0,15% với đất vượt trên 3 lần hạn mức, đã điều chỉnh lại, bỏ khung giá đất và giao cho địa phương xác định bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, sau khi bỏ khung giá đất, các địa phương sẽ xây dựng bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với giá phổ biến trong điều kiện bình thường trên thị trường thì mức nghĩa vụ của những người nhiều đất sẽ tăng lên đáng kể và có tác động điều chỉnh hành vi đối với những người có nhiều nhà, nhiều đất nhưng sử dụng không hiệu quả, không sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, bỏ hoang đất đai.

Những đối tượng, doanh nghiệp đang giữ nhiều đất và bỏ hoang đất đai, chậm đưa đất vào sử dụng, đầu cơ đất đai nhằm thu lợi sẽ cảm nhận được tác động của chính sách thuế hàng năm rất lớn.

Đồng quan điểm đã nêu, bàn về vấn đề đánh thuế lũy tiến trên phần diện tích hoặc giá trị đất chiếm giữ vượt trên mức bình quân tại một hội thảo gần đây, TS Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, cần sử dụng chính sách thuế để điều tiết vào những người chiếm dụng đất đai nhiều hơn, hay giá trị đất đai tăng lên thì mức nộp thuế nhiều hơn. Điều này buộc mỗi người phải tính toán liệu mua nhà đất để đấy có đủ tiền để trả thuế hàng năm hay không, những đối tượng đầu cơ sẽ phải điều tiết hành vi của mình…

Trên thực tế, phương thức Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra đã và đang được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, như ở Mỹ, nếu có 5 nhà, cho thuê cả 5 và đều đóng thuế kinh doanh thì không đóng thuế chồng thuế, còn nếu nhà bỏ hoang sẽ bị đánh thuế rất cao là thuế không sử dụng. Hoặc ở Anh, nếu nhà không phát sinh tiền điện nước, không có đóng góp gì cho Nhà nước, được gọi là lãng phí, phải đánh thuế cao…

Từ đó, dư luận kỳ vọng, nếu được thông qua, phương thức đánh thuế lũy tiến sẽ là công cụ hữu hiệu để “kiềm chế” nạn đầu cơ, thổi giá, lũng đoạn thị trường đất đai.

Theo Gia Nguyễn

Link gốc: https://diendandoanhnghiep.vn/se-su-dung-cong-cu-thue-de-kiem-che-dau-co-dat-dai-230134.html