Quyết liệt giảm cung- cầu ma túy và thực hiện cai nghiện bắt buộc
Tỷ lệ thuận với việc gia tăng người nghiện mới, tình hình tội phạm sản xuất, buôn bán trái phép chất ma túy cũng tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp với nhiều loại ma túy tổng hợp mới, khó phát hiện.
Thời gian qua, tình trạng tội phạm ma túy và buôn bán sản xuất trái phép chất ma túy tiếp tục gây nhức nhối xã hội. Công tác phòng, chống ma túy – nguồn gốc, tội phạm của các loại tội phạm đang được các lực lượng chức năng đặc biệt quan tâm và chú trọng, ngăn chặn tấn công quyết liệt cả hai mũi: Cung và cầu.
Liên tiếp những vụ thảm sát anh giết em, chồng giết vợ, con giết bố, giết người yêu, giết bạn bè, xóm giềng… gây rúng động dư luận thời gian qua, có nhiều vụ liên quan đến sử dụng ma túy tổng hợp. Hay hiện tượng ngáo đá đua xe, gây tai nạn giao thông, gây rối trật tự đã trở thành nỗi lo sợ, bất an với nhiều người.
Nguyên nhân được chỉ ra là thời gian qua việc coi người nghiện như bệnh nhân nhưng trong thời gian dài không có sự quản lý cai nghiện bắt buộc đã gây ra nhiều hệ lụy. Khoa học chứng minh, ma túy là nguyên nhân phát sinh nhiều loại bệnh và hủy hoại sức khỏe của người sử dụng. Khi vào cơ thể sẽ tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, khiến người sử dụng rối loạn cảm giác, dễ bị kích động dẫn tới tội ác.
Theo Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, nếu như không có biện pháp quản lý rất chặt chẽ các đối tượng này, thì sẽ rất khó trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội, phòng, chống tội phạm, cũng như phát triển kinh tế xã hội. Với hơn 200.000 người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát tại nước ta, Luật phòng chống ma túy sửa đổi mới đây đã điều chỉnh việc quản lý những đối tượng này với những chế tài về hành chính là rất phù hợp trong điều kiện hiện nay.
Theo thống kê, hiện cả nước có trên 217.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng trên 11.200 người so với cuối năm 2021, đây là nguồn cầu tiêu thụ ma túy rất lớn và là nguy cơ tiềm ẩn gây mất an ninh trật tự, bức xúc trong nhân dân.
Nước ta có khoảng 200.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 65% người nhiễm HIV-AIDS là người nghiện ma túy. Bên cạnh đó, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp ngày càng phức tạp không chỉ ở quán bar, karaoke, sự kiện âm nhạc mà còn tại nhà nghỉ, tư gia… Đáng báo động, số người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, tập trung ở độ tuổi học sinh, sinh viên từ 15 đến 25 tuổi.
Trước thực trạng này, tháng 3 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đây là một nỗ lực trong việc giảm tác hại cho người nghiện và làm giảm số người nghiện, đồng nghĩa với giảm nguồn cầu ma túy.
Ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết, việc cai nghiện bắt buộc đối với những người chưa thành niên bị bỏ ngỏ trong một thời gian khá dài, gây ra ảnh hưởng rất lớn trong xã hội thời gian qua, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến người chưa thành niên. Do vậy, để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên nghiện ma túy, sự ra đời của pháp lệnh này nhằm bảo vệ và hỗ trợ người chưa thành niên cai nghiện ma túy góp phần ổn định trật tự xã hội.
Tỷ lệ thuận với việc gia tăng người nghiện mới, tình hình tội phạm sản xuất, buôn bán trái phép chất ma túy cũng tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp với nhiều loại ma túy tổng hợp mới, khó phát hiện.
Với vị trí nhạy cảm, gần khu vực “tam giác vàng”, cùng với đường biên trên bộ và đường biển trải dài, nước ta trở thành địa bàn để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động và là nguy cơ trở thành nơi trung chuyển ma túy quốc tế.
Các đối tượng tội phạm ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh, manh động, sử dụng các phương tiện hiện đại công nghệ cao để vận chuyển, đối phó với các cơ quan chức năng. Với nghiệp vụ tinh thông và tinh thần đấu tranh không khoan nhượng, lực lượng công an luôn xác định rõ những địa bàn tội phạm ma túy thường xuyên hoạt động để đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy xác định, tuyến đường bộ vẫn là tuyến trọng điểm. Trọng điểm ở đây là tuyến bắc miền Trung, Tây Nguyên. Hiện nay, cửa khẩu Cha Lo của Quảng Bình cũng như cửa khẩu Cầu Treo – Hà Tĩnh, cửa khẩu Nậm Cắn, Kỳ Sơn, Nghệ An là những cửa khẩu đáng quan tâm. Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Bắc, tội phạm ma túy tổng hợp, heroin đang có xu hướng phức tạp trở lại ở tỉnh Điện Biên. Hay ở tuyến Tây Nam, các đối tượng người Việt cấu kết với các đối tượng Campuchia vận chuyển ma túy qua các đường ghe, thuyền, hoặc lợi dụng xe vận chuyển hàng hóa.
Với nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn ma túy, nhằm giảm nguồn cung ma túy vào trong nước, đặc biệt Luật phòng chống ma túy năm 2021 được ban hành có hiệu lực từ đầu năm nay đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng chống ma túy.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Công an đã chủ trì phối hợp cùng lực lượng chức năng như Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan và các đơn vị liên quan khám phá thành công 13.417 vụ, bắt 20.048 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy, thu giữ 466 kg heroin, 926kg và 2 triệu 568.944 viên ma túy tổng hợp, 137 kg cần sa, cùng nhiều vật chứng liên quan; đấu tranh triệt xóa 204 điểm, 20 tụ điểm phức tạp về ma túy; bắt giữ 195 đối tượng truy nã về ma túy, đấu tranh hàng trăm vụ có các hành vi liên quan đến ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, dịch vụ nhạy cảm. Phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, bắt giữ được các đối tượng cầm đầu, thu giữ số lượng ma tuý rất lớn.
Mặc dù kết quả đạt được như vậy, nhưng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, mỗi năm nước ta có trên 10.000 người nghiện mới, đây là con số nhức nhối, cần phải quyết liệt để giảm cả cầu và cung ma túy.
“Tiếp tục phải phá cung và cầu, đồng thời tổ chức cai nghiện nghiêm vì lợi ích của số đông nhưng cũng phải đảm bảo, quyền, lợi ích chính đáng của công dân. Công tác này không chỉ của riêng lực lượng công an hay y tế, của ngành lao động, thương binh, xã hội mà còn của tòa án, các cơ quan tư pháp, và đặc biệt là của các tổ chức đoàn thể trong vận động, phòng, chống và các biện pháp ứng xử đúng pháp luật nhưng cũng phải nghiêm đối với người nghiện” – Phó Thủ tướng cho biết.
Với những nỗ lực của các ngành chức năng và toàn xã hội trên các mặt trận, dù còn nhiều khó khăn, nhưng từng bước nước ta sẽ đạt được mục tiêu “giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy” như đã đề ra./.
Theo Nguyên Nhung/VOV
Link gốc: https://vov.vn/phap-luat/quyet-liet-giam-cung-cau-ma-tuy-va-thuc-hien-cai-nghien-bat-buoc-post952670.vov