Nỗi lo trẻ hóa ung thư đường tiêu hóa
Ung thư đường tiêu hóa là nhóm ung thư phổ biến tại nước ta và đang có xu hướng trẻ hóa do lối sống không lành mạnh của giới trẻ.
Mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai thực hiện khoảng 2.000 ca nội soi đường tiêu hóa. (Nguồn: BVBM) |
Những con số báo động
Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) 2020, Việt Nam mỗi năm có hơn 200.000 ca mắc mới và hơn 100.000 ca tử vong do bệnh ung thư, trong đó ung thư đường tiêu hóa chiếm hơn 30%, thường gặp nhất là ung thư gan 14,5%, ung thư dạ dày 9,8% và ung thư đại trực tràng 9%. Những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa có thể kể đến như ung thư dạ dày thực quản, ung thư gan mật tụy, ung thư đại trực tràng. Theo các bác sĩ, nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa là do gene di truyền, tuổi tác, môi trường, chế độ ăn, bia rượu… Trong số nhóm ung thư tiêu hóa, ung thư gan – mật – tụy là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Hiện nay, bệnh ung thư đường tiêu hóa nói chung và ung thư dạ dày nói riêng đang có xu hướng trẻ hóa. Tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày các bác sĩ thực hiện khoảng 2.000 ca nội soi đường tiêu hóa, trong đó khoảng 20% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày và khoảng 1 – 2% trường hợp ung thư dạ dày. Trong số đó, không ít bệnh nhân ở độ tuổi 20 – 30, thậm chí có em nhỏ dưới 10 tuổi mắc ung thư dạ dày.
Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị cập nhật tiến bộ trong sinh học phân tử, chẩn đoán và điều trị ung thư đường tiêu hóa do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức mới đây. Chia sẻ tại Hội nghị, TS.BS Nguyễn Quang Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cho biết: “Nguyên nhân ung thư dạ dày có thể do ăn uống không lành mạnh, ăn mặn, ăn nhiều đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ gây quá tải cho đường tiêu hóa; lạm dụng rượu, bia, hút thuốc lá; nhiễm vi khuẩn HP; yếu tố di truyền; viêm loét dạ dày mãn tính… Đối với trẻ nhỏ mắc ung thư dạ dày thường là do nhiễm vi khuẩn HP lây truyền từ cha mẹ hoặc từ môi trường xung quanh. Lâu dần, vi khuẩn HP gây ra các ổ loét mãn tính và tiến triển thành ung thư dạ dày”.
Trẻ em thường không để tâm đến các khó chịu từ đường tiêu hóa hoặc có thì cha mẹ cũng chủ quan, cho rằng con bị rối loạn tiêu hóa. Do đó, nếu gia đình có người nhiễm vi khuẩn HP thì nên đi xét nghiệm cho toàn bộ gia đình để điều trị dứt điểm, tránh lây lan.
Đặc biệt, yếu tố stress, áp lực cuộc sống khiến tình trạng viêm loét dạ dày lặp đi lặp lại, rất khó khăn để điều trị. Nếu không điều trị, theo dõi chặt chẽ sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. “Nếu bị viêm loét dạ dày mà không điều trị dứt điểm thì 40% trở thành bệnh viêm loét dạ dày mãn tính. Trong số bệnh nhân viêm loét dạ dày mãn tính thì có khoảng 60% bị ung thư dạ dày”, TS Hùng cảnh báo.
Tầm soát sớm, điều trị sớm
Từ lâu, bệnh lý về đường tiêu hoá tại nước ta chiếm tỉ lệ cao trong nhóm bệnh nội khoa và cả ngoại khoa với biểu hiện triệu chứng đa dạng, phong phú, tiến triển âm thầm nhưng diễn biến phức tạp. Các bệnh lý tiêu hóa nếu không được điều trị đúng cách cũng tiềm ẩn nguy cơ ung thư rất lớn.
Khi bệnh lý đã chuyển biến thành ung thư, các triệu chứng thường mờ nhạt, diễn tiến âm thầm và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác, do đó các bệnh ung thư đường tiêu hoá thường được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn dẫn đến điều trị tốn kém, hiệu quả thấp. Vì vậy, việc chẩn đoán ra bệnh ở giai đoạn sớm cũng như áp dụng các tiến bộ trong điều trị rất quan trọng để từ đó tăng tỉ lệ điều trị khỏi bệnh, hạn chế tác dụng phụ, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo các bác sĩ, hiện nay với những tiến bộ trong y học, các bệnh ung thư đường tiêu hóa có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm, gia tăng tỉ lệ điều trị khỏi cũng như kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ở giai đoạn muộn. Có nhiều phương pháp điều trị như điều trị phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị trúng đích, miễn dịch… Trong đó, phẫu thuật được xem là phương pháp điều trị chính hiện nay.
Những năm gần đây, nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bệnh ung thư nói chung và bệnh ung thư đường tiêu hoá nói riêng ngày càng được nâng cao. Trước đây, ung thư dạ dày thường được phát hiện ở độ tuổi trên 60 thì hiện nay, người từ 40 – 45 tuổi được khuyến cáo nên bắt đầu tầm soát sớm ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng nếu thuộc nhóm có nguy cơ cao. Vì vậy, nhiều ca bệnh ung thư đường tiêu hóa mới được phát hiện.
Việc người dân quan tâm đến sức khoẻ bằng cách đi sàng lọc, tầm soát phát hiện sớm ung thư rất quan trọng, đây là điều kiện tiên quyết để điều trị bệnh, giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả điều trị.
Theo TS.BS Nguyễn Quang Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, để phòng ngừa ung thư đường tiêu hoá, mỗi người cần cố gắng duy trì lối sống lành mạnh, không lạm dụng rượu, bia, không hút thuốc lá, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ăn nhạt… Đặc biệt, cứ 6 tháng 1 lần, người có nguy cơ nên đi nội soi đường tiêu hóa để phát hiện sớm các dấu hiệu sớm của bệnh đường tiêu hóa để điều trị kịp thời, tránh cho tổn thương tiến triển thành ung thư.
Tác giả: Linh Chi
Nguồn: baophapluat.vn